Hiện nay, các loại thực phẩm chức năng “detox” nước giảm cân đang được quảng cáo tràn lan với công dụng “thần kỳ” như tăng cường sức đề kháng, lọc trừ bụi bẩn, virus và đặc biệt là giảm cân… Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng các loại sản phẩm này không có công dụng thần kỳ nhiều như vậy. Đặc biệt nhiều loại sản phẩm chưa được kiểm chứng, cấp phép mà vẫn được quảng cáo, bán tràn lan trên thị trường.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về “Các loại nước detox giảm cân bán tràn lan trên thị trường” trên báo ANTV. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Câu hỏi: Thưa ông, những sản phẩm này được xếp vào danh mục nào? Có được cấp phép kinh doanh trên thị trường không?
Trả lời:
* Những sản phẩm này được xếp vào danh mục nào?
Những sản phẩm thức uống detox được kết hợp từ nước lọc và các loại trái cây, thảo mộc. Công thức thực hiện chung là ngâm trái cây trong nước khoảng vài giờ, để các chất dinh dưỡng và vitamin trong trái cây hòa tan vào nước. Do đó, có thể xếp vào thực phẩm thường.
Với những loại nước detox quảng cáo là bổ sung vào chế độ ăn uống hằng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh được xếp vào nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) thuộc Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm, hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y Tế quy định tại Phụ lục II Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018.
* Có được cấp phép kinh doanh trên thị trường không?
Các loại nước uống detox được bán nhiều trên thị trường hiện nay được cung cấp từ nhiều doanh nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, để có thể kinh doanh được loại hình nước uống này, các doanh nghiệp phải lưu ý đến việc an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm nghiệm và công bố chất lượng nước detox để sản phẩm có thể được kinh doanh hợp pháp theo đúng quy định. Khi đưa các sản phẩm nước uống này vào lưu thông trên thị trường đều phải thực hiện kiểm nghiệm và công bố sản phẩm theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm… phải tự công bố thông tin trên bao bì, nhãn mác. Như vậy, nước ép trái cây rau củ quả và cho vào chai thủy tinh phải thực hiện tự công bố kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đạt yêu cầu và phải đáp ứng về việc ghi nhãn hàng hóa.
Thêm vào đó, sản phẩm có công dụng, có liều lượng sử dụng… thì phải thực hiện đăng ký công bố sản phẩm theo quy định. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân cần đăng ký giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Điều này sẽ giúp các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng phát hiện các sản phẩm thực phẩm chế biến có đảm bảo chất lượng hay không một các rõ ràng và minh bạch.
Ngoài ra, do nguyên liệu sử dụng đa phần là trái cây, rau củ quả tươi nên người tiêu dùng cần chọn mua tại các cửa hàng và thương hiệu uy tín, đảm bảo nguyên liệu sử dụng tươi mới, có nguồn gốc rõ ràng Điều này sẽ giúp các cơ quan có thẩm thẩm quyền dễ hơn trong việc kiểm tra thực tế, dễ dàng phát hiện các sản phẩm thực phẩm chế biến có đảm bảo chất lượng hay không một các rõ ràng và minh bạch.
Câu hỏi: Thưa ông, việc lưu hành trên thị trường, mà chưa được kiểm nghiệm, cấp phép sẽ bị xử lý như thế nào, và người tiêu thụ sản phẩm có bị liên đới hay không?
Trả lời:
Thứ nhất, theo Điều 20 Nghị định 115/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về tự công bố sản phẩm (thực phẩm thường) như sau:
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không thực hiện thông báo, đăng tải, niêm yết bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật;
b) Không công bố trên Hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm hoặc không nộp 01 bản tự công bố sản phẩm đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
c) Không lưu giữ hồ sơ đã tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật;
d) Tài liệu bằng tiếng nước ngoài trong hồ sơ tự công bố sản phẩm không được dịch sang tiếng Việt và không được công chứng theo quy định.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây về sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm để tự công bố sản phẩm:
a) Sử dụng phiếu kết quả kiểm nghiệm đã hết hiệu lực;
b) Phiếu kết quả kiểm nghiệm không đầy đủ chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;
c) Phiếu kết quả kiểm nghiệm có ít nhất một trong các chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng hoặc không phù hợp quy định của pháp luật;
d) Phiếu kết quả kiểm nghiệm được cấp bởi phòng kiểm nghiệm không được chỉ định hoặc không được công nhận phù hợp ISO 17025;
đ) Phiếu kết quả kiểm nghiệm không phải là bản chính hoặc bản sao chứng thực.
e) Không có phiếu kết quả kiểm nghiệm trong hồ sơ tự công bố sản phẩm còn thời hạn tại thời điểm tự công bố theo quy định.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc tiêu chuẩn đã công bố;
b) Nội dung yêu cầu về an toàn thực phẩm tự công bố không phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn tương ứng hoặc không phù hợp quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm mà không có bản tự công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật;
b) Tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này;
b) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều này;
c) Buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với vi phạm quy định tại khoản 2, điểm b khoản 3 và điểm b khoản 4 Điều này.
Thứ hai, đối với sản phẩm là thực phẩm chức năng
Căn cứ theo Điều 21 Nghị định 115/2018/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, quy định mức phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về đăng ký bản công bố sản phẩm như sau:
- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc tiêu chuẩn đã công bố
- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật trong sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm mà không có Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật.
- Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, nhập khẩu thực phẩm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
- Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thu hồi thực phẩm đối với vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế; hoặc buộc tiêu hủy thực phẩm đối với vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Về nguyên tắc, căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa 2007, quy định Nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa như sau: Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.
Do đó, đối với các đơn vị nhập hàng của bên sản xuất để kinh doanh (mua bán) phải kiểm tra thật kỹ việc công bố chất lượng sản phẩm, tránh xảy ra những tranh chấp về sau.
Trên đây là quan điểm của Luật sư Nguyễn Thanh Hà về vấn đề “Các loại nước detox giảm cân bán tràn lan trên thị trường”.