Quảng cáo trên sóng quốc gia: Cần tôn trọng và tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật

0
624

(LSVN) – Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút.

Gần đây, việc quảng cáo trên các kênh truyền hình lớn như VTV, VTC, VOV,… với lượng thời gian rất nhiều và liên tục khiến cho người xem cảm thấy khá khó chịu và gây bức xúc. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về thời lượng, nội dung, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm Luật Quảng cáo,…

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về thực trạng này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB Law cho biết rõ những quy định hiện hành về việc quảng cáo trên sóng quốc gia. Theo đó, thời lượng quảng cáo là thời gian phát sóng các sản phẩm quảng cáo trong một kênh, chương trình phát thanh, truyền hình; thời gian quảng cáo trong tổng thời gian của một chương trình văn hoá, thể thao; thời gian quảng cáo trong một bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác.

Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 22 Luật Quảng cáo năm 2012, thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng và thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo.

Đối với nội dung quảng cáo, Điều 19 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo, và phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.

Không được phát sóng quảng cáo trong các chương trình:

– Chương trình thời sự;

– Chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc;

– Phim truyện và chương trình vui chơi giải trí.

Mỗi chương trình phim truyện không được ngắt để quảng cáo quá hai lần, mỗi lần không quá 05 phút. Mỗi chương trình vui chơi giải trí không được ngắt để quảng cáo quá bốn lần, mỗi lần không quá 05 phút.

Ngoài ra, về hình thức quảng cáo chạy chữ hoặc chuỗi hình ảnh chuyển động, sản phẩm quảng cáo phải được thể hiện sát phía dưới màn hình, không quá 10% chiều cao màn hình và không được làm ảnh hưởng tới nội dung chính trong chương trình. Quảng cáo bằng hình thức này không tính vào thời lượng quảng cáo của báo hình.

Mức xử lý hành vi vi phạm về quảng cáo

Khoản 1 Điều 40 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo trên báo nói, báo hình mà không có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác.

Đối với hình thức quảng cáo chạy chữ hoặc chuỗi hình ảnh chuyển động, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo sản phẩm bằng hình thức chạy chữ hoặc chuỗi hình ảnh chuyển động mà sản phẩm quảng cáo không đặt sát phía dưới màn hình hoặc vượt quá 10% chiều cao màn hình và gây ảnh hưởng tới các nội dung chính trong chương trình theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.

Những vi phạm về thời lượng quảng cáo, phát sóng quảng cáo trong những chương trình cấm quảng cáo, vượt giới hạn quảng cáo trong phim truyện hoặc chương trình vui chơi giải trí, không có giấy phép phổ biến phim có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây (Khoản 3 Điều 40 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP). Cụ thể:

– Quảng cáo vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của tổ chức phát sóng không phải là kênh, chương trình chuyên quảng cáo;

– Quảng cáo trên truyền hình trả tiền quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của tổ chức phát sóng không phải là kênh, chương trình chuyên quảng cáo;

– Quảng cáo trong chương trình thời sự;

– Quảng cáo trong chương trình phát thanh, truyền hình trực tiếp về các sự kiện chính trị đặc biệt, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc;

– Quảng cáo quá hai lần trong mỗi chương trình phim truyện trên đài truyền hình;

– Quảng cáo quá bốn lần trong mỗi chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình;

– Quảng cáo một lần quá 5 phút trong chương trình phim truyện, chương trình vui chơi, giải trí trên đài phát thanh, đài truyền hình;

– Chiếu toàn bộ nội dung phim để quảng cáo khi chưa có giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có quyết định phát sóng của của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh – truyền hình.

Không có giấy phép quảng cáo: Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo mà không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi được đề cập bên trên.

Thực trạng quảng cáo tràn lan trên sóng truyền hình quốc gia

Đánh giá về thực trạng quảng cáo tràn lan trên sóng truyền hình quốc gia hiện nay, Luật sư Hà cho rằng trong quá trình kinh doanh thì quảng cáo là một trong những hoạt động gắn liền với doanh nghiệp, là phương thức để đưa sản phẩm, dịch vụ có thể tiếp cận với người tiêu dùng, đồng thời cũng là quyền của tổ chức, cá nhân được ghi nhận tại Điều 12 Luật Quảng cáo năm 2012.

Do đó, việc quảng cáo trên sóng truyền hình quốc gia khi đã có sự chấp thuận của các bên liên quan và phù hợp với quy định thì hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Sự phù hợp ở đây được đánh giá trên hai yếu tố: một là đã đáp ứng các điều kiện quảng cáo; hai là không thuộc các trường hợp bị cấm.

Luật sư Hà chia sẻ: “Tuy nhiên, qua theo dõi một số chương trình truyền hình hiện nay, đặc biệt là những bộ phim hay, những chương trình truyền hình thực tế, chúng tôi nhận thấy việc một chương trình vi phạm thời lượng quảng cáo là rất phổ biến, một bộ phim 45 phút nhưng quảng cáo đến 3 đến 4 lần, trước, trong và sau khi phát sóng, gây ra tình trạng khó chịu cho khán giả truyền hình. Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nhưng hiện nay chưa được chấn chỉnh và còn tiếp diễn ở mức phổ biến”.

Cùng quan điểm với Luật sư Hà, Luật sư Trần Gia Thế, Công ty Luật TNHH TGT cho biết, hoạt động quảng cáo trên truyền hình đang trở nên ngày càng chuyên nghiệp, thể hiện bởi những nội dung mới lạ, sinh động, hấp dẫn, tính tế và có tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập trong việc quản lý nội dung và thời lượng phát sóng quảng cáo.

Có một số quảng cáo mắc lỗi nói sai sự thật, đơn cử như cách quảng cáo của các nhãn hiệu kem đánh răng bằng việc cam kết “làm nụ cười trắng sáng, đẩy lùi vết ố…” nhưng trên thực tế, kem đánh răng chỉ làm sạch răng chứ không thể làm men răng trắng hơn.

Bên cạnh đó, mặc dù đã có quy định về thời lượng phát sóng quảng cáo nhưng để kiểm soát được thời lượng phát sóng quảng cáo thì không hề đơn giản. Mặc dù các Đài truyền hình đều có hệ thống server phát sóng nhưng không có cơ quan chức năng nào theo dõi và giám sát server này ngoại trừ những đợt thanh kiểm tra bất kỳ.

Trên thực tế, các Đài rất ít bị phạt khi vi phạm quy định này. Nguyên nhân có thể do quy định của pháp luật chưa cụ thể, rõ ràng, dẫn tới cách hiểu và áp dụng khác nhau giữa các Đài. Theo Điều 22 Luật Quảng cáo 2012 thì: “Thời lượng quảng cáo trên báo nói, báo hình không được vượt quá 10% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ thời lượng quảng cáo trên kênh, chương trình chuyên quảng cáo; phải có dấu hiệu phân biệt nội dung quảng cáo với các nội dung khác; Thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền không vượt quá 5% tổng thời lượng chương trình phát sóng một ngày của một tổ chức phát sóng, trừ kênh, chương trình chuyên quảng cáo”. Tuy nhiên, thực tế để xác định như thế nào là một “chương trình” thì cũng chưa được rõ ràng, do đó, nếu một đài truyền hình có tổng thời lượng phát sóng một ngày là đủ 24 giờ thì họ có quyền phát sóng quảng cáo với tổng thời lượng 2,4 giờ.

Đây không phải khoảng thời gian quá lớn dành cho quảng cáo, nhưng khi được phát liên tục vào các khung giờ vàng thì có thể gây khó chịu cho người xem nhưng lại hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Ngoài ra, do quảng cáo vẫn là nguồn doanh thu chủ yếu của các Đài và chế tài xử lý thường nhẹ (chủ yếu là phạt tiền, mức tiền phạt không đáng kể so với doanh thu đến từ quảng cáo) nên vẫn có tình trạng các Đài ngắt chương trình nhiều lần hơn và kéo dài thời gian quảng cáo hơn để tăng doanh thu.

Cần tôn trọng và tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật

Theo Luật sư Hà, nguồn thu chủ yếu cho các Đài truyền hình, truyền thanh tồn tại và phát triển vẫn là doanh thu từ hoạt động quảng cáo. Để tránh những trường hợp vi phạm về quảng cáo, các cơ quan chức năng nên thực hiện các biện pháp sau:

– Tôn trọng và tuân thủ tuyệt đối các quy định về quảng cáo, đặc biệt là thời lượng không vượt quá quy định của luật.

–  Xử phạt nếu có tình trạng vi phạm pháp luật về quảng cáo đặc biệt là thời lượng quảng cáo trong mỗi chương trình.

– Trong thời gian chờ đợi sửa luật, các đài truyền hình chủ động trong việc đề xuất và thay đổi các quy định của pháp luật hiện hành về thời lượng quảng cáo để cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa.

Kiến nghị nhằm hoàn thiện việc quản lý quảng cáo trên sóng quốc gia, Luật sư Thế cho rằng cần xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật riêng hoặc một Chương riêng trong Luật Quảng cáo cho hình thức quảng cáo trên truyền hình, truyền thanh. Hiện nay, các quy định về quảng cáo trên truyền hình, truyền thanh nằm rải rác trong các quy định về các loại hình quảng cáo và vẫn còn nhiều vấn đề chưa được điều chỉnh cụ thể như vấn đề quảng cáo trên các kênh truyền hình chuyên quảng cáo, quảng cáo qua chương trình game show hay quảng cáo pop-up. Điều này đòi hỏi cần phải có một văn bản pháp luật riêng hoặc một chương riêng trong Luật Quảng cáo điều chỉnh các vấn đề trên.

Ngoài ra cần hoàn thiện nội dung các quy định về quảng cáo trên truyền hình, truyền thanh. Trước hết, cần đưa ra định nghĩa cụ thể về “chương trình” để thống nhất cách hiểu, cách áp dụng của các chủ thể tham gia hoạt động quảng cáo. Ngoài ra, cần đưa ra những quy định hợp lý hơn về thời lượng, thời điểm phát sóng quảng cáo. Đồng thời cần điều chỉnh mức xử phạt đối với hành vi vi phạm phù hợp với số tiền kiếm được từ các hợp đồng quảng cáo.

Đồng thời, quy định cụ thể một cơ quan có thẩm quyền quản lý các hoạt động quảng cáo. Hiện nay, một hành vi quảng cáo có thể được quy định trong nhiều văn bản pháp luật như Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí,… và được thực thi bởi các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau. Thực trạng này ảnh hưởng lớn đến tính thống nhất của pháp luật và dễ xảy ra tình trạng “đùn đẩy” trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan nhà nước.

Độc giả có thể xem thêm tại: https://lsvn.vn/quang-cao-tren-song-quoc-gia-can-ton-trong-va-tuan-thu-tuyet-doi-cac-quy-dinh-cua-phap-luat1628526664.html