Luật Hợp tác xã 2012 – Sửa đổi để phù hợp với thực tiễn

0
648

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật TNHH SB Law đã có bài viết về sửa đổi Luật Hợp tác xã 2012 trên Diễn đàn doanh nghiệp. SB Law trân trọng gửi đến bạn đọc toàn văn bài viết dưới đây:

Trong gần 27 năm qua, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật về hợp tác xã.

Cụ thể, năm 1996, ban hành Luật Hợp tác xã, năm 2003 sửa đổi, bổ sung và hiện là Luật Hợp tác xã 2012 đã tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho hoạt động và phát triển kinh tế hợp tác.

Nhiều điểm không phù hợp thực tiễn

Luật Hợp tác xã 2012 có 6 ưu điểm cơ bản, gồm: Quy định rõ hơn, cụ thể hơn về tổ chức quản lý và điều hành hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đều phải tổ chức 2 bộ máy là quản lý và điều hành; các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã cơ bản đã tiếp cận với 7 nguyên tắc hợp tác xã do Liên minh hợp tác xã quốc tế công bố và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng; quy định Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã; Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu tài sản, vốn, thu nhập, các quyền và lợi ích hợp pháp khác…

Tuy nhiên, trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập quốc tế mạnh mẽ của đất nước, Luật Hợp tác xã 2012 xuất hiện nhiều điểm không còn phù hợp với thực tiễn.

Các Điều 9, 14, 15 trong Nghị định 55 quy định hợp tác xã nông nghiệp có thể vay tối đa không quá 1 tỷ mà không cần thế chấp. Tuy nhiên, việc tiếp cận vốn không hề dễ dàng đã tạo ra nút thắt về vốn trong sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, nhiều hợp tác xã còn hạn chế trong quản trị, điều hành, năng lực tổ chức quản lý hoạt động, quản lý vốn; thiếu công khai, minh bạch, thực hiện chưa đúng quy định về quản lý tài chính, kế toán, không tuân thủ các nguyên tắc của Luật Hợp tác xã 2012, chưa chuyển đổi hoặc chỉ chuyển đổi về mặt hình thức… nên thiếu cơ sở pháp lý để vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Do vậy, câu chuyện làm sao để các hợp tác xã có thể tiếp cận được vốn vay phục vụ cho sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới là vấn đề cần được mang ra bàn bạc kỹ lưỡng.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Cách hiểu về hợp tác xã hiện nay như thế nào là thực sự khó khăn, bởi không phải ai cũng hiểu hết. Do vậy, muốn sửa đổi được Luật Hợp tác xã 2012 thì phải thực sự hiểu hợp tác xã như thế nào.

Thứ hai phải xác định hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp cho đúng nghĩa, từ đó mới có hướng đề nghị sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Tiếp theo là phải có quy định trong Luật việc đào tạo, giáo dục thành viên, nhất là vấn đề Luật Hợp tác xã để giúp cho các thành viên hiểu mình là ai, là cái gì. Là chủ thể của hợp tác xã mà không hiểu luật thì quá trình tham gia sao đạt hiệu quả cao, lợi ích chung, sứ mạng của mình đối với hợp tác xã. 

Cùng với đó Luật Hợp tác xã 2012 không hạn chế về ngành nghề, quy mô, địa giới hành chính, nhưng khi triển khai thực tế thì lại vướng mắc vào một số luật khác. Chẳng hạn logistic của hợp tác xã lại vướng vào Luật Thương mại, trong đó có kinh doanh của các hợp tác xã cũng rất cần bến bãi và kho ngoại quan. Do vậy, cần rà soát lại các luật có xung đột với Luật hợp tác xã để các hợp tác xã có thể tham gia các hoạt động theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, để thực hiện Luật Hợp tác xã phải có sự kết nối với các luật khác, các quy định khác và kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp khác. Đừng để tình trạng Luật Hợp tác xã hoạt động độc lập mà thiếu đi sự kết nối dẫn đến kém hoặc không hiệu quả.

Độc giả có thể xem thêm tại: https://diendandoanhnghiep.vn/luat-hop-tac-xa-2012-bai-6-sua-luat-hop-tac-xa-nhu-the-nao-203585.html