Các vấn đề pháp lý về tuyển dụng trong cơ quan nhà nước

0
133

Việc tuyển dụng công chức, viên chức vào làm việc trong các cơ quan nhà nước luôn là vấn đề được xã hội quan tâm. Vậy, những vấn đề pháp lý nào thường gặp trong quá trình tuyển dụng này? Luật sư Nguyễn Thanh Hà  – Chủ tịch công ty luật SBLAW trả lời truyền thông như sau:

Câu hỏi: Đơn vị báo chí trực thuộc cơ quan ngang Bộ, tuyển dụng lao động hợp đồng (không phải viên chức chuyển ngang) về làm cấp quản lý (trưởng phòng/ ban) là đúng hay sai?

Trả lời:

Căn cứ Điều 4 Nghị định 111/2022/NĐ-CP về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập quy định các công việc thực hiện hợp đồng bao gồm những đối tượng sau:

– Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, pháp luật dân sự và quy định của pháp luật khác có liên quan, gồm:

+ Lái xe, bảo vệ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này;

+ Lễ tân, phục vụ; tạp vụ; trông giữ phương tiện; bảo trì, bảo dưỡng, vận hành trụ sở, trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

+ Công việc hỗ trợ, phục vụ khác thuộc danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập không được xác định là công chức, viên chức theo quy định của pháp luật.

– Các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính thực hiện quản lý và áp dụng chế độ, chính sách như công chức, gồm:

+ Bảo vệ ở các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Kho tiền hoặc Kho hồ sơ ấn chỉ có giá trị như tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Kho ấn chỉ thuế, Kho ấn chỉ hải quan;

+ Lái xe phục vụ Bộ trưởng hoặc chức vụ, chức danh tương đương Bộ trưởng trở lên; lái xe chuyên dùng chuyên chở tiền của Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước;

+ Người làm công việc hỗ trợ, phục vụ khác tại cơ quan trọng yếu, cơ mật ở Trung ương theo quyết định của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý.

– Các công việc chuyên môn, nghiệp vụ thuộc danh mục vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Như vậy, người giữ chức vụ quản lý cơ quan báo chí trực thuộc cơ quan ngang bộ không thuộc đối tượng hợp đồng lao động.

Các vấn đề pháp lý về tuyển dụng trong cơ quan nhà nước
Các vấn đề pháp lý về tuyển dụng trong cơ quan nhà nước

Câu hỏi: Cơ quan tuyển dụng có cần thành lập hội đồng tuyển dụng không hay chỉ cần quyết định bổ nhiệm và tiếp nhận?

Trả lời:

Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định thành lập Hội đồng tuyển dụng để tổ chức việc tuyển dụng.

Hội đồng tuyển dụng có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng; Phó Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng; Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng là công chức thuộc bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng; Các uỷ viên khác là đại diện lãnh đạo của một số bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan đến việc tổ chức tuyển dụng do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức quyết định.

Theo Điều 46 Nghị định 138/2020/NĐ-CP trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ thì trình tự, thủ tục bổ nhiệm cần có sự giới thiệu, phối hợp, thảo luận, lấy ý kiến của các thành viên hội đồng tuyển dụng. Do đó khi thực hiện bổ nhiệm và tiếp nhận cấp quản lý cơ quan tuyển dụng cần thiết lập hội đồng tuyển dụng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch công ty luật SBLAW 1
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW

Câu hỏi: Nếu việc tuyển dụng không qua hội đồng và bổ nhiệm cấp quản lý là sai thì theo Luật sư, phải hoàn tất quy trình để “hợp thức hóa” việc tuyển dụng/ bổ nhiệm này như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 6 Điều I Hướng dẫn số 2965/HD-BNV về việc xử lý đối với những trường hợp có sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức quy định việc rà soát, khắc phục các sai phạm trong tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức phải hoàn thành trước ngày 31/12/2020.

Quá thời hạn này nếu chưa hoàn thiện khắc phục hoặc mới bị phát hiện thì đều phải thu hồi quyết định tuyển dụng và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định của pháp luật.

Như vậy, cơ quan ra quyết định tuyển dụng/ bổ nhiệm này phải thu hồi quyết định.

Câu hỏi: Nếu quyết định trên là sai, người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm như thế nào?

Trả lời:

Theo khoản 4 Điều II Hướng dẫn số 2965/HD-BNV về việc xử lý đối với những trường hợp có sai phạm trong công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức quy định người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm trong công tác tuyển dụng phải thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật về xử lý kỷ luật đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

Tham khảo thêm >> Luật sư tư vấn luật lao động