Không được ép buộc người lao động dùng lương để mua hàng hóa, dịch vụ của người sử dụng lao động

0
494

Câu hỏi: Xin chào Công ty cùng Luật sư. Tôi đang có một vấn đề bức xúc cần tư vấn của Luật sư. Tôi là công nhân của một công ty sản xuất giấy vệ sinh. Hàng tháng, công ty luôn giữ lại một phần lương của người lao động với lý do mua sản phẩm do công ty sản xuất để ủng hộ công ty. Tôi thấy hành vi này rất vô lý, tất cả người lao động bị giữ lương đều không ai tự nguyện hay có nhu cầu. Mong Công ty và Luật sư tư vấn cho tôi hành vi này có vi phạm pháp luật hay không? Xin trân trọng cảm ơn.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực từ 01/01/2021) về nguyên tắc trả lương, khoản 2 quy định như sau:

Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định

So với quy định cũ tại Bộ Luật lao động năm 2012, luật mới đã quy định người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động. Đặc biệt, không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Theo những quy định pháp luật trên, công ty bạn đang vi phạm pháp luật khi tự ý trích lương người lao động để mua sản phẩm.

Như vậy, việc công ty bạn ép nhân viên mua hàng hóa công ty vì bất kỳ lý do gì đều là trái với quy định của pháp luật. Trường hợp này để bảo vệ quyền lợi cho mình, trước mắt bạn có thể yêu cầu hòa giải theo Điều 188 Bộ luật này như sau:

“1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 181 của Bộ luật này, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

……

Trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải quy định tại khoản 1 Điều này hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định tại khoản 4 Điều này thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

a) Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 189 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Như vậy, sau khi yêu cầu hòa giải mà không thành thì bạn có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.