Cần có các cơ chế riêng hỗ trợ Startup huy động vốn trên TTCK

0
133

Những năm gần đây, làn sóng khởi nghiệp sáng tạo đang ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vì thế cũng tăng dần lên, kéo theo nhu cầu huy động vốn dâng cao.

Việt Nam đang trở thành một thị trường khởi nghiệp vô cùng năng động và sáng tạo. Theo thống kê, Việt Nam hiện đang có khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), trong đó có 3 “kỳ lân” (doanh nghiệp được định giá trên 1 tỷ USD). Năm 2021, nguồn vốn đầu tư cho startup tại Việt Nam tăng cao chưa từng thấy với tổng giá trị hơn 1,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán (TTCK) của các startup hết sức hạn chế do thiếu cơ chế phù hợp với đặc thù riêng của các doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa.

Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời báo VNF
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời báo VNF

Ông đánh giá như thế nào về khả năng huy động vốn của các doanh nghiệp trên TTCK, đặc biệt là các startup?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Đối với doanh nghiệp nói chung, trước khi có TTCK, các doanh nghiệp chỉ có phương án duy nhất là huy động vốn qua ngân hàng. Từ khi TTCK mở ra, rất nhiều doanh nghiệp đã huy động được hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn từ nhà đầu tư đại chúng, từ đó mở rộng đầu tư, mở rộng cổ đông, đối tác, mở rộng quy mô thị trường. Tuy nhiên, sau những sai phạm của các doanh nghiệp trong phát hành trái phiếu thì Bộ Tài chính đã liên tục chỉ đạo các cơ quan chức năng thuộc ngành tài chính tăng cường công tác thanh tra, giám sát, nhằm chấn chỉnh và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Cùng với đó, Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP cũng đã có hiệu lực từ ngày 5/3/2023.

Trước những biện pháp, cảnh báo và cả dự báo về các rủi ro cùng các quy định pháp lý mới, các chủ thể phát hành chứng khoán và cả phía nhà đầu tư, giới chuyên môn đều lo lắng rằng các chính sách có thể siết quá chặt, cào bằng, gây khó cho doanh nghiệp.

Đối với các startup, tuy đã có những bước phát triển mạnh trong thời gian vừa qua nhưng nhìn chung, trình độ phát triển của các startup là còn thấp. Do hạn chế về tuổi đời, quy mô và nguồn vốn, nhiều startup có trình độ quản trị kém, chưa chú trọng đến công tác xây dựng thương hiệu, không quan tâm đến công tác truyền thông và quan hệ với các nhà đầu tư, chưa chú trọng đến công tác đa dạng hoá các nguồn vốn kinh doanh… Những yếu tố trên đã cộng hưởng và làm hạn chế cho năng lực cạnh tranh của các startup.

Bên cạnh đó, khung pháp luật và chính sách đối với phát triển kinh tế doanh nghiệp nói chung và startup nói riêng vẫn còn nhiều những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính hợp lý, ổn định, nhất quán, chưa thực sự đồng bộ.

Trên thực tế, có rất ít startup tiếp cận kênh huy động vốn từ TTCK. Ngoài việc không đáp ứng được các quy định thì một nguyên nhân khác là do lãi suất huy động thực tế của kênh này thường cao hơn lãi suất vay ngân hàng, dao động từ 10% đến 12% đối với trái phiếu, nên nguồn vốn này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp lớn, tài sản nhiều. Cùng với đó, ngay cả khi doanh nghiệp phát hành được chứng khoán thì cũng gặp khó khăn trong việc tìm người mua và phải tốn kém các chi phí để thực hiện các tiêu chuẩn về minh bạch thông tin tài chính, về báo cáo kiểm toán… Do vậy, không phải startup nào cũng có thể thực hiện thành công các hình thức huy động vốn trên TTCK.

Cần có các cơ chế riêng hỗ trợ Startup huy động vốn trên TTCK
Cần có các cơ chế riêng hỗ trợ Startup huy động vốn trên TTCK

Cụ thể, ở góc độ chính sách, các startup đang gặp khó khăn nào, thưa ông?

Tại khoản 1 Điều 15 Luật Chứng khoán 2019 quy định về điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, nhưng vẫn còn tồn tại một số khó khăn như sau:

Mức vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở lên tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán: Điều này có thể gây khó khăn cho các startup vì không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ số vốn này ngay từ đầu.

Hoạt động kinh doanh của 02 năm liên tục liền trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán: Điều này sẽ là bất lợi đối với đa số startup.

Có phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu được Đại hội đồng cổ đông thông qua: Quy định này có thể sẽ là thử thách lớn đối với những startup vì hầu hết các doanh nghiệp này chưa có kế hoạch cụ thể rõ ràng về phương án phát hành và sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả.

Với kênh trái phiếu, điểm mới của hệ thống pháp lý từ ngày 1/1/2021 đối với trái phiếu doanh nghiệp đó là trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng yêu cầu phải có định mức tín nhiệm. Đối với startup thì điều này lại gây ra nhiều khó khăn vì những doanh nghiệp này chưa thể có được mức độ tín nhiệm nhất định. Vì vậy, nên khách hàng sẽ cân nhắc hơn khi tìm hiểu và chọn lựa startup.

Phát hành trái phiếu riêng lẻ thì không bắt buộc doanh nghiệp phải có tài sản bảo đảm của mình hoặc bên thứ ba, hoặc được bảo lãnh thanh toán, nhưng nếu có bảo đảm, thì nhà đầu tư yên tâm hơn, chất lượng trái phiếu cao hơn, nên có thể trả lãi suất thấp hơn, thời gian huy động nhanh hơn, thời hạn trái phiếu dài hơn.

Về tình hình tài chính, hiện nay, các startup đang gặp nhiều khó khăn và thách thức trong việc huy động vốn từ ngân hàng vì không đủ các điều kiện đề ra, trong bối cảnh các ngân hàng đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng.

Vậy chúng ta có cần một cơ chế riêng để hỗ trợ các startup không, thưa ông?

Để thúc đẩy khởi nghiệp, việc huy động vốn cho các startup là vô cùng quan trọng. Để giải quyết yêu cầu này, bên cạnh tạo ra hành lang pháp lý về đầu tư tài chính cho khởi nghiệp, bảo lãnh vốn tín dụng cho các startup, lập Quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc Chính phủ thì cần cân nhắc xây dựng sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho các startup.

Thiết nghĩ, có những cơ chế riêng để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào TTCK là một điều cần thiết để kích thích phát triển kinh tế. Vì, các startup đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đang “chạy đua” trong cuộc cách mạng 4.0.

Kinh nghiệm từ các quốc gia có nền khởi nghiệp phát triển cho thấy, một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt cần hội tụ đủ các yếu tố chủ yếu: Khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho khởi nghiệp; tính năng động, sáng tạo của startup; sự tham gia tích cực của các định chế tài chính, quỹ đầu tư, nhà đầu tư… và các cơ sở cung cấp các dịch vụ hỗ trợ startup… Việt Nam đang trong giai đoạn đầu hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp như vậy. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với các startup là việc huy động vốn, đặc biệt là cho giai đoạn ươm mầm và tăng tốc. Do đó, vấn đề quan trọng nhất của việc xây dựng cơ chế riêng cho startup sẽ là bài toán về nguồn vốn.

Ngoài việc xây dựng sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho các startup, Chính phủ cần có các cơ chế bảo lãnh vốn tín dụng cho các startup, đồng thời tạo môi trường phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần, lập Quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc Chính phủ. Chính phủ và các cơ quan chuyên môn của nhà nước cần xây dựng quy định chi tiết cho vấn đề này.

Cụ thể, sàn giao dịch riêng cho startup sẽ có những đặc điểm và tính chất như thế nào?

Ngoài những đặc điểm của sàn giao dịch chứng khoán nói chung thì sàn giao dịch riêng cho startup ra đời cần có một số điểm khác biệt. Cụ thể, điều kiện niêm yết, yêu cầu năng lực tài chính và hồ sơ pháp lý của các startup không quá chặt chẽ như các sàn chứng khoán hiện nay.

Tuy nhiên ngược lại, cơ quan quản lý cần có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ theo hướng đảm bảo tính công khai, minh bạch, từ đó giúp hạn chế các giao dịch không lành mạnh và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư. Vì các startup thường chưa tạo được uy tín nên việc đảm bảo tính minh bạch là rất quan trọng nhằm giữ chân cũng như thu hút nhiều nhà đầu tư hơn sẵn sàng rót tiền vào các startup.

Sàn giao dịch riêng cho startup cần được vận hành bởi khuôn khổ luật riêng, có những hỗ trợ về thủ tục pháp lý và thuế tạo điều kiện đưa startup lên sàn để tiếp cận các nguồn vốn một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất.

Cần có cơ chế và chính sách phù hợp hỗ trợ các Startup
Cần có cơ chế và chính sách phù hợp hỗ trợ các Startup

Trên thế giới, việc hỗ trợ phát triển thị trường vốn cho các startup được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Các startup thường gặp khó khăn trong việc huy động vốn từ kênh truyền thống như ngân hàng. Nguồn vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp thường đến từ vốn tự có. Nên hiện nay một số quốc gia trên thế giới đã tháo gỡ khó khăn này bằng cách phát triển mô hình thị trường vốn, đặc biệt có một số quốc gia đã mở ra sàn giao dịch chứng khoán chuyên biệt cho các startup. Việt Nam cũng đang trong giai đoạn đầu hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp như vậy và các startup cũng gặp những khó khăn tương tự trong việc huy động vốn. Vì vậy, để phát triển thị trường vốn cho các startup, Việt Nam có thể nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới từ đó áp dụng để phát triển thị trường trong nước như sau:

Tại Hàn Quốc, sàn chứng khoán dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp (KONEX) đã rất thành công, tạo cơ chế thoái vốn dễ dàng hơn cho nhà đầu tư. Sàn KONEX về bản chất cũng giống sàn giao dịch chứng khoán cho các công ty đại chúng, nhưng dành cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, điều kiện niêm yết, năng lực tài chính và hồ sơ pháp lý không quá chặt chẽ. Cơ quan quản lý thiết kế riêng khuôn khổ pháp lý, khác với đạo luật trên thị trường chính, để áp dụng với các cổ phiếu giao dịch trên KONEX. Theo đó, doanh nghiệp niêm yết trên sàn này không cần phải đáp ứng tiêu chuẩn kế toán quốc tế, doanh nghiệp không phải công bố báo cáo tài chính quý, báo cáo tài chính bán niên. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là cơ quan quản lý thả nổi cho thị trường hoạt động, cơ quan quản lý rất chú trọng đến việc giám sát để hạn chế các giao dịch không lành mạnh và có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư.

Tại Mỹ, các quỹ đầu tư của Chính phủ Mỹ không thực hiện đầu tư trực tiếp cho các startup mà hợp tác, đầu tư cùng với các quỹ tư nhân, theo tỷ lệ phụ thuộc vào mức độ rủi ro của startup. Cách thức này cho phép Nhà nước tác động được vào tiến trình khởi nghiệp trong toàn nền kinh tế trong khi nguồn vốn tư nhân chưa đủ, đồng thời cũng giảm bớt được rủi ro cho nguồn vốn của Nhà nước.

Tại Singapore, Chính phủ và các tổ chức liên quan coi phát triển startup là ưu tiên hàng đầu trong chương trình hoạt động. Chính phủ Singapore đã triển khai nhiều sáng kiến để giúp họ tiếp cận vốn. Các nhà đầu tư có thể cho startup vay vốn và có điều khoản để đổi lấy cổ phần. Chính phủ cũng tài trợ tiền cho startup, mỗi khoản tiền tài trợ như vậy đều đi kèm với những điều kiện và điều khoản.