Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 01/2017.

0
303

Luật sư Nguyễn Thanh Hà có phần trả lời phỏng vấn kênh VITV về vấn đề giải quyết nút thắt về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định mới.

Câu 1: Thưa ông bà, hiện nay nhiều trường hợp cán bộ đòi người dân phải nộp bản chứng nhận đã đóng phí trước bạ của những chủ sở hữu nhà đất trước đây. Người dân không liên lạc được với những chủ sở hữu trước để lấy được thông tin này đành chấp nhận “lót tay” để được “cho qua”. Ông có đánh giá như thế nào về thực trạng trên?

Luật sư trả lời: Hiện nay, những quy định pháp luật liên quan đến việc cấp giấy tờ nhà đất trên thực tế không có gì phức tạp. Tuy nhiên, vì hệ thống pháp luật nước ta qua nhiều thời kỳ không thống nhất, có nhiều văn bản chồng chéo, không có sự hệ thống đầy đủ, rõ ràng dẫn đến việc một số cán bộ lợi dụng điều này để “đòi hỏi”.
Nhiều trường hợp cán bộ đòi người dân phải nộp bản chứng nhận đã đóng phí trước bạ của những chủ sở hữu nhà đất trước đây. Người dân không liên lạc được với những chủ sở hữu trước đây để lấy được thông tin này nên đành chấp nhận “lót tay” để được “cho qua”. Theo tôi, việc làm trên là không hợp lý, vì:
– Không có quy định nào bắt buộc người dân phải nộp bản chứng nhận đã đóng phí trước bạ của những chủ sở hữu nhà đất trước.
– Cơ quan quản lý nhà đất hoặc bộ phận tài nguyên môi trường khi cấp quyền sở hữu nhà đất cho những người chủ trước thì phải biết những thông tin này rồi, sao lại yêu cầu người dân cung cấp bản chứng nhận đã đóng phí trước bạ của những chủ sở hữu nhà đất trước đây?
Nguyên nhân của thực trạng trên là do:
– Công tác chống tham nhũng chưa hiệu quả, không thực tế dẫn đến hiện tượng nhiều cán bộ “tự đặt ra các quy định” gây khó dễ cho người dân nhằm mục đích vụ lợi.
– Hiện nay, kiến thức pháp luật của người dân còn hạn chế, nhiều người không nắm hết được quy trình, thủ tục làm giấy tờ, vì vậy nếu họ có mối quan hệ quen thân với cán bộ nhà đất thì sẽ có tâm lý muốn đút lót để giải quyết cho nhanh.

Câu hỏi 2: Liệu đối với người dân, vẫn còn đâu đó những vướng mắc khó khăn trong quá trình làm thủ tục khi mua, sở hữu nhà đất hay không?
Luật sư trả lời: Từ khi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai có hiệu lực (ngày 03/3/2017), một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm thủ tục khi mua, sở hữu nhà đất đã được tháo gỡ. Đơn cử như:
– Cho phép những trường hợp mua bán nhà đất bằng giấy tờ viết tay trước ngày 01/1/2008 được hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thay vì mốc thời gian quy định trước ngày 01/7/2004. Bên cạnh đó, Nghị định 01/2017/NĐ-CP còn mở rộng thêm 2 đối tượng là trường hợp mua bán bằng giấy viết tay từ ngày 01/1/2008 đến 01/7/2014 có một trong những loại giấy tờ theo Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43 của Chính phủ và trường hợp thứ 2 là những thửa đất được thừa kế chưa làm giấy tờ nhưng người cho thừa kế đã chết cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây chính là cơ sở để tháo gỡ vướng mắc cho người dân khi đến làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhất là đối với người dân khu vực nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.
– Nhằm cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, Nghị định 01/2017/NĐ-CP cũng quy định rút ngắn từ 1/3 đến1/2 thời gian thực hiện đối với nhiều thủ tục đăng ký biến động đất đai so với trước đây. Đơn cử, thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng còn không quá 15 ngày, quy định trước đây là không quá 30 ngày; cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không quá 10 ngày, trước đây là không quá 30 ngày; cấp đổi là không quá 7 ngày, trước là không quá 10 ngày.
Tuy nhiên, như tôi đã trình bày ở câu 1, hiện nay vẫn tồn tại nhiều trường hợp cán bộ gây khó khăn cho người dân nhằm mục đích vụ lợi, khiến cho quá trình làm thủ tục nhà đất trở nên rườm rà, phức tạp.

Câu hỏi 3: Vậy cần phải có giải pháp như thế nào để giải quyết những vướng mắc này thưa ông?

Luật sư trả lời: Chính sách phòng chống tham nhũng của nhà nước hiện nay đã rất rõ ràng, vấn đề còn lại chỉ là triển khai những quy định, chính sách này một cách nghiêm túc.
Theo tôi, cần tìm một cơ chế kiểm soát công tác chống tham nhũng hiệu quả, đơn cử như: sử dụng công nghệ thông tin khi làm thủ tục để hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người dân và cán bộ nhân viên, cải cách hành chính, nâng cao ý thức của đội ngũ công chức, kê khai tài sản và có những hình thức nghiêm minh xử lý trường hợp vi phạm.
Ngoài ra, cũng cần quan tâm thỏa đáng đến đời sống của bộ phận cán bộ, nhân viên chức bởi một phần nguyên nhân của vấn đề nằm ở chỗ mức lương của cán bộ hiện nay còn quá thấp. Trong điều kiện ấy, khi có các yếu tố thuận lợi thì việc họ nói không với tham nhũng là rất khó.