Covid-19 có phải là tình trạng khẩn cấp?

0
586

Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch thứ 4 kể từ 27/4 đến nay là gần 200.000 ca.

Đáng nói, tính đến thời điểm hiện tại dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến khó lường.Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, tính đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa kích hoạt tình trạng khẩn cấp.

Vậy thời điểm hiện tại, chúng ta có nên kích hoạt tình trạng khẩn cấp? Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law.

Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề COVID-19 có phải là tình trạng khẩn cấp hay không? Từ góc nhìn pháp lý, ông nghĩ sao về điều này, thưa ông?

Trả lời:

Cũng giống như hiến pháp ở nhiều quốc gia khác, Hiến pháp của Việt Nam cũng quy định về tình trạng chiến tranh, hòa bình và tình trạng khẩn cấp. Vấn đề chiến tranh và hòa bình thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Vấn đề khẩn cấp và giới nghiêm thuộc thẩm quyền của cơ quan thường trực hoạt động thường xuyên của Quốc hội – Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH).

Trình tự của việc quyết định và công bố thường chia 2 công đoạn: công đoạn quyết định và công đoạn công bố. Công đoạn quyết định được Hiến pháp quy định thẩm quyền của Quốc hội hoặc UBTVQH. Công đoạn công bố thuộc thẩm quyền của nguyên thủ quốc gia – Chủ tịch nước.

Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội – lập pháp.

Khoản 10 Điều 74 Hiến pháp năm 2013 quy định, UBTVQH có quyền: Quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Điều 88 Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ của Chủ tịch nước tại khoản 5 quy định, Chủ tịch nước, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của UBTVQH, công bố, bãi bỏ quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh; căn cứ vào nghị quyết của UBTVQH, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp; trong trường hợp UBTVQH không thể họp được, công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Pháp lệnh của UBTVQH năm 2000 (Pháp lệnh năm 2000) quy định một cách chi tiết hơn về trình trạng khẩn cấp. Điều 2 của Pháp lệnh này quy định: Theo đề nghị của Thủ tướng chính phủ, UBTVQH ra nghị quyết về tình trạng khẩn cấp. Trong trường hợp UBTVQH không họp, thì theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Đối với việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch, nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục được thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm mà trực tiếp là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Điều 42 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế – xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

UBTVQH ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp UBTVQH không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Covid 19 được xác định thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh).

Như vậy, trong trường hợp đòi hỏi phải ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ; trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước sẽ ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

 

Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa áp dụng tình trạng khẩn cấp. Theo ông, thời điểm hiện tại, khi mà số ca nhiễm mỗi ngày đã lên đến hàng nghìn, thậm chí mấy nghìn thì Việt Nam có nên kích hoạt tình trạng khẩn không thưa ông? Vì sao?

Trả lời:

Theo quy định của Điều 1 Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000, tình trạng khẩn cấp được ban bố khi trong cả nước, một hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do thiên nhiên hoặc con người gây ra, có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và của tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân hoặc có tình hình đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, thì UBTVQH hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp để áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình.

Trong đợt bùng phát đại dịch Covid 19, Việt Nam đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau theo Chỉ thị của Thủ tướng CP.

Các biện pháp giãn cách được đưa ra là: các nhà máy, công xưởng, trường học, nhà thờ, nhà chùa, các khu du lịch, danh lam thắng cảnh, khu vui chơi giải trí tạm ngừng hoạt động; các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch tạm đình chỉ; các sự kiện tập trung đồng người, các cuộc hội họp, hội thảo tạm hoãn tổ chức (hoặc thay đổi hình thức từ trực tiếp sang trực tuyến); hoạt động giao thông công cộng, hoạt động xuất, nhập cảnh bị hạn chế tối đa.

Các biện pháp này ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, làm cho một bộ phận không nhỏ người lao động bị mất việc làm, đời sống khó khăn, việc cung ứng nhu yếu phẩm từ địa phương nọ sang địa phương kia khó khăn. Mỗi một địa phương lại yêu cầu các giấy tờ khác nhau mới được vào tỉnh ví dụ như phải có test nhanh, test PCR, điều này ảnh hưởng lớn tới hoạt động giao thương và giao thông công cộng.

Theo quan điểm của tôi, quốc hội đang trong kỳ họp thứ nhất khoá XV, Chính Phủ và UBTVQH và Chủ tịch nước nên có một cuộc họp để xem xét các yếu tố khác nhau để quyết định có nên áp dụng tình trạng khẩn cấp quốc gia hay không khi dịch bệnh tại một số tỉnh phía Nam đang bùng phát, số ca nhiễm bệnh mới tính hàng ngàn người một ngày.

Từ quan sát của ông, ông đánh giá như thế nào về chiến dịch chống dịch của Việt Nam qua các đợt dịch? Theo ông, đâu là những ưu điểm và thời điểm hiện tại đang phát sinh những vấn đề bất cập như thế nào cần phải xử lý ở thời điểm hiện tại?

Trả lời:

Chiến dịch chống dịch của Việt Nam kể từ thời điểm ban đầu đã thể hiện sự quyết liệt, chủ động giải quyết nhanh chóng, triệt để của các cơ quan chức năng và sự phối hợp tương đối tốt của người dân.

Ưu điểm trong công cuộc phòng chống dịch của Việt Nam là Chính phủ đã không chủ quan, nhận thức rõ sự nguy hiểm của dịch bệnh và đã có thời điểm dịch được khống chế trong thời gian dài.

Tuy nhiên, việc chúng ta hơi chậm trong chiến lược chủ động nhập và sản xuất vaccin để đạt được miễn dịch cộng đồng sớm hơn đang gây ra những khó khăn cho nền kinh tế. Phải đến hết quý 2 năm 2022 Việt Nam mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, đó là một điều đáng tiếc.

 

Quốc tế xử lý vấn đề này như thế nào? Việt Nam có thể học gì từ họ?

Trả lời:

Căn cứ theo WHO thì đại dịch Covid-19 được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu được tuyên bố theo Điều lệ y tế quốc tế, nhưng nó được coi là tình trạng nghiêm trọng nhất.  Nhật Bản đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở 6 tỉnh, thành, trong đó ngoài Aichi và Fukuoka, còn có thủ đô Tokyo và 3 tỉnh phía Tây, gồm Osaka, Kyoto và Hyogo. Tình trạng khẩn cấp lần này sẽ có hiệu lực tới ngày 31/5.

Trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản vẫn tiếp tục yêu cầu người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc cần thiết, yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống không phục vụ đồ uống có cồn và đóng cửa trước 20h hàng ngày, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường làm việc từ xa.

Tuy nhiên, để hạn chế tác động của tình trạng khẩn cấp đối với nền kinh tế, Nhật Bản đã nới lỏng một phần các biện pháp chống dịch khi chỉ yêu cầu các trung tâm thương mại lớn và rạp chiếu phim rút ngắn thời gian hoạt động thay vì đóng cửa; giới hạn số lượng khán giả dự khán các sự kiện thể thao, giải trí đông người ở mức tối đa 5.000 người hoặc 50% công suất của địa điểm tổ chức thay vì không cho phép khán giả tham gia.

Ngoài việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở 6 tỉnh, thành, Nhật Bản đang áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm ở 8 tỉnh khác, gồm 3 tỉnh giáp Tokyo là Saitama, Chiba và Kanagawa, tỉnh Ehime giáp Osaka, tỉnh Okinawa ở cực Nam, tỉnh Hokkaido ở cực Bắc, và các tỉnh Gifu và Mie ở miền Trung.

Việt Nam học hỏi gì từ họ?

Việt Nam có thể áp dụng tình trạng khẩn cấp trong trường hợp cần thiết, theo đó, chính phủ Việt Nam có thể tiếp tục yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm thời đóng cửa hoặc không phục vụ đồ uống có cồn và đóng cửa trước 20h hàng ngày, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường làm việc online.

Yêu cầu người dân tuân thủ hoàn toàn các quy định phòng chống dịch bệnh. Có biện pháp tiến hành ngăn chặn triệt để nhằm ngăn chặn các nguy cơ lây nhiễm. Việt Nam có thể hạn chế tình trạng di chuyển từ các thành phố với nhau đồng thời phải tổ chức tốt việc cung cấp lương thực, thự phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân bị phong tỏa.

Tuy nhiên, việc ban bố bất cứ một biện pháp hạn chế nào trong tình trạng khẩn cấp cũng cần tính tới những tác động của nó, ví dụ gần đây, việc tắc đường ở những cửa ngõ ra vào Hà Nội là một minh chứng cho việc chúng ta chưa chuẩn bị kỹ khi ban hành những quy định mới.

 

Ở góc độ doanh nghiệp, theo ông, nếu tình trạng khẩn cấp được ban bố, thì một bên hoặc các bên có quyền chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng không? Thưa ông?

Trả lời:

Dưới ảnh hưởng của Covid 19 thì các doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc thực hiện và đảm bảo hợp đồng giữa các bên. Với lý do chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19 mà các bên đã lường trước được việc này nên việc các chủ doanh nghiệp lợi dụng Covid 19 là một sự kiện bất khả kháng là không hợp lý. Do đó nên việc một bên hoặc các bên sẽ không có quyền chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp này.

Nếu những hậu quả xảy ra dù trước đó đã dùng mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể khắc phục được thì hoàn toàn có thể coi dịch bệnh Covid-19 là sự kiện bất khả kháng. Nếu muốn không phải bồi thường thì bên gây thiệt hại có nghĩa vụ chứng minh bản thân đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể giải quyết cũng như phải báo cho bên bị thiệt hại biết trước.

Khoản 2 Điều 420 BLDS 2015 quy định rằng trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản xảy ra, BLDS 2015 đã ghi nhận và trao quyền đàm phán lại hợp đồng cho bên có lợi ích bị ảnh hưởng. Khi đó bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên còn lại sửa đổi các điều khoản trong hợp đồng cho phù hợp với thực tế và cân bằng lợi ích của hai bên.

Khoản 2 Điều 420 BLDS năm 2015 quy định bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý. Tuy nhiên, bên nhận được lời yêu cầu đàm phán lại có nghĩa vụ phải đàm phán lại hay không thì luật lại không quy định rõ.

Ông có lời khuyên nào cho doanh nghiệp để giúp họ gánh chịu ít thiệt hại nhất có thể khi phát sinh sự kiện khẩn cấp?

Trả lời:

Điều doanh nghiệp có thể thực hiện để duy trì, củng cố hoạt động và giảm thiểu tác động khi Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp trong phạm vi khu vực hoặc cả nước.

Thứ nhất, giảm trừ trách nhiệm bất lợi khi đánh giá sự kiện khẩn cấp là sự kiện bất khả kháng.

Việc Nhà nước ban bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch Covid là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Các quyết định của cơ quan có thẩm quyền quyết định hạn chế, cấm đoán: cấm lưu thông, phong toả, hạn chế lưu thông, bốc dỡ hàng hoá, …

Các bên trong hợp đồng nên xem xét và thương lượng lại các điều khoản trong hợp đồng về cam kết liên quan đến chất lượng của nguyên liệu, xuất xứ của nguyên liệu, thời gian giao hàng, … để tìm kiếm sự thông cảm từ các doanh nghiệp liên quan. Nếu không thể nhận được sự đồng thuận, chia sẻ khó khăn thì đó cũng có thể là căn cứ để xin miễn trừ trách nhiệm vi phạm hợp đồng (nếu có) về sau.

Xuất phát từ lợi ích của mình và đối tác, khi đàm phán hợp đồng, các bên nên đưa điều khoản sự kiện bất khả kháng vào hợp đồng, xác định rõ các yếu tố của sự kiện, mức độ của sự kiện được xác định là “bất khả kháng” cùng với đó là nên liệt kê sự kiện khẩn cấp là một trường hợp miễn trừ trách nhiệm.

Thứ hai, đảm bảo thanh khoản an toàn.

Ảnh hưởng của đại dịch Covid đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của doanh nghiệp, làm dứt gãy chuỗi cung ứng làm tăng giá thành đầu vào cao. Một khi sự kiện khẩn cấp phát sinh, phần lớn doanh thu và chuỗi cung ứng đều ngừng và gây thiệt hại nghiêm trọng. Từ đó, tổ chức thu nhỏ quy mô, tạm thời đóng cửa, phải cắt giảm nhân viên hoặc thậm chí đóng cửa.

Để viễn cảnh đó không xảy ra, doanh nghiệp cần lường trước viễn cảnh xấu nhất bằng cách giảm thiểu rủi ro ở mức tối thiểu bằng cách cố gắng thanh khoản sớm và giữ cho tổ chức của mình có khả năng thanh toán. Cố gắng tiếp cận nguồn “vốn” hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ để đảm bảo cho khả năng thanh khoản của doanh nghiệp.

Thứ ba, đánh giá rủi ro trong chuỗi cung ứng.

Khi tình trạng khẩn cấp được ban bố rất có thể đi kèm với đó là những lệnh cấm xuất nhập khẩu, đình chỉ hoạt động giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt,… Đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ khiến cho doanh nghiệp gián đoạn việc sản xuất do vậy chủ doanh nghiệp cần tìm ra được các lỗ hổng tiềm tàng trong chuỗi cung ứng của mình. Thay thế các nguồn đầu vào nguyên liệu bổ trợ từ các nhà cung cấp nước ngoài bằng nhà cung cấp trong nước, chủ động liên hệ với đối tác để xem xét nguồn nguyên liệu có thể thay thế, dự trữ đủ lượng nguyên liệu có thể doanh nghiệp hoạt động tốt trong giai đoạn 3 tháng, 6 tháng hoặc cả năm tuỳ theo quy mô của doanh nghiệp.

Thứ tư, tương tác thường xuyên với các nhà hoạch định chính sách

Tương tác thường xuyên với các nhà hoạch định chính sách sẽ giúp doanh nghiệp nắm được bước đi tiếp theo, lập kế hoạch cho việc kinh doanh, cách vượt qua khó khăn, … Một khi quyết định tình trạng khẩn cấp được ban bố, doanh nghiệp đã đi trước một bước và giảm thiểu rủi ro nhất trong khả năng của mình.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần hành động ngay từ bây giờ bằng các gợi ý như tiếp cận vốn và tối đa hoá khả năng thanh khoản hiện nay … là điều quan trọng nhất mà các doanh nghiệp nên làm để tồn tại, đưa đề xuất tới các nhà lập pháp – những người nắm giữ chìa khoá kinh tế của họ một cách sớm nhất.