Bình luận về hành vi quảng cáo phản cảm của Vua nệm trong ngày 14/2 vừa qua

0
536

Trong dịp lễ Valentine (14/2), thương hiệu Vua Nệm đã tung ra loại hình ảnh quảng cáo trên trang fanpage với thông điệp “Nệm là để yêu”. Đáng nói, trong các shoot hình là những người mẫu nam bán nude với những tư thế gợi cảm trên các sản phẩm đệm của hãng.

Không chỉ dừng lại ở các hình ảnh người mẫu nam, nội dung quảng cáo của Vua Nệm cũng đã gây tranh cãi khi ở cuối bộ ảnh dòng chữ “Nệm là để yêu” đã được thiết kế “khéo léo” khi chữ “m” trong từ “Nệm” đã được làm mờ nét cuối khiến nhiều người nhịn thoáng qua sẽ chỉ đọc thấy chữ “nện”.

 

Việc quảng cáo sản phẩm, quảng bá thương hiệu là nhu cầu chính đáng của tất cả doanh nghiệp. Nhưng hiện nay, với nhiều doanh nghiệp để thu hút chú ý của người tiêu dùng không đã phớt lờ những quy định của pháp luật mà bất chấp quảng cáo phản cảm, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, cốt làm sao thu hút sự chú ý của dư luận, thậm chí càng sốc càng tốt.

Những vụ việc quảng cáo phản cảm này không phải lần đầu xuất hiện, trước đây, chúng ta cũng đã bắt gặp rất nhiều những hình ảnh quảng cáo phản cảm từ nhiều doanh nghiệp khác nhau và ngay cả Vua nệm cũng đã từng bị xử phạt về hành vi tương tự. Cụ thể, tháng 12/2021, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một nhóm người cởi trần đứng trong khoang tàu điện Cát Linh – Hà Đông. Họ mang theo banner quảng cáo cho một chuỗi cửa hàng của Vua Nệm. Những hình ảnh này được Công ty Vua Nệm đăng tải công khai trên Fanpage.

Dưới góc độ pháp lý, chúng ta có thể thấy các doanh nghiệp sử dụng chiêu trò quảng cáo như trên đã vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo, cụ thể ở đây là quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam – là hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo được quy định tại khoản 3 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.

Theo đó, khoản 1 Điều 11 Luật Quảng cáo 2012 quy định: Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam sẽ bị xử phạt vi pham hành chính, mức phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng.

Mặc dù, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, thay thế cho Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề tồn tại. Vì xét về tổng thể, quy định về việc xử phạt trong lĩnh vực quảng cáo của Nghị định 38/2021/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở kế thừa kế thừa Nghị định số 158; về mức xử phạt vi phạm hành chính cũng có những sự điều chỉnh, tuy nhiên không có sự thay đổi quá lớn.

Như nội dung đã phân tích, mức xử phạt đối với hành vi trên được áp dụng với chủ thể là doanh nghiệp, mức phạt dao động trong khung từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng (trước đây là 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng). Bên cạnh đó, biện pháp xử phạt bổ sung cho hành vi này cũng chỉ dừng lại ở biện pháp là buộc xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm báo, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi vi phạm.

Từ các quy định này, chúng ta có thể thấy được rằng cùng với chế tài xử phạt còn nhiều hạn chế thì doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra để nộp phạt. Bởi lẽ để tạo ra được một quảng cáo thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng thì doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra rất nhiều tiền để đạt được điều đó thậm chí nhiều khi số tiền bỏ ra lớn nhưng chưa chắc gây được sự chú ý, nhưng với những quảng cáo phản cảm như vậy thì chắc chắn họ sẽ đạt được mục đích củamình dù là theo hướng tích cực hay tiêu cực trong khi “chi phí” để trả cho hoạt động này là không đáng kể chỉ cần“hình ảnh” của doanh nghiệp được biết đến rộng khắp. Do đó, thiết nghĩ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có cơ chế nghiêm khắc hơn để kiểm soát những quảng cáo phản cảm như trên.