Đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm hạt điều tại Cộng đồng Châu Âu và Canada.

0
395

Doanh nghiệp hỏi: Chúng tôi là doanh nghiệp chế biến hạt điều xuất khẩu, chúng tôi muốn bảo hộ thương hiệu tại Cộng Đồng Châu Âu và Canada trước khi đưa sản phẩm vào thị trường này, vui lòng tư vấn thủ tục cho chúng tôi?

Luật sư trả lời: Trước tiên, chúng tôi chân thành cảm ơn Quý Công ty đã tin tưởng SBLAW trong vấn đề đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu của Quý Công ty tại thị trường quốc tế.

Chúng tôi cam kết rằng sẽ không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ Quý Công ty ngày càng tốt hơn.

Liên quan đến yêu cầu của Quý Công ty về việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm hạt điều tại Châu Âu và Canada, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

I.THỦ TỤC ĐĂNG KÝ

a/ CHÂU ÂU

Để đăng ký nhãn hiệu tại thị trường Châu Âu, Quý Công ty có thể lựa chọn 2 phương thức đăng ký: đăng ký qua hệ thống Madrid và đăng ký qua hệ thống cộng đồng chung Châu Âu.

Đối với trường hợp này, Quý Công ty nên lựa chọn phương thức đăng ký qua hệ thống cộng đồng chung Châu Âu (CTM) vì tiết kiệm thời gian và chi phí hơn so với phương thức đăng ký quốc tế qua hệ thống Madrid.

Nhãn hiệu hàng hoá được đăng ký thông qua hệ thống này được gọi là nhãn hiệu cộng đồng.

Khi đăng ký nhãn hiệu hàng hoá qua hệ thống đăng ký CTM, chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ phải nộp một đơn duy nhất cho một cơ quan đăng ký được thành lập riêng, độc lập với hệ thống đăng ký quốc gia của mỗi nước thành viên. Sau khi được đăng ký tại cơ quan đăng ký này, nhãn hiệu đó sẽ có hiệu lực ở tất cả các nước thành viên EU. Ngược lại, nếu nhãn hiệu bị huỷ bỏ hay mất hiệu lực ở một nước thành viên thì đương nhiên bị mất hiệu lực trong cả cộng đồng.

Trong quá trình đăng ký, chỉ cần một trong các nước EU từ chối bảo hộ thì việc đăng ký nhãn hiệu thông qua hệ thống đăng ký CTM coi như không thành công. Lúc này, nếu chủ sở hữu vẫn muốn đăng ký nhãn hiệu vào những nước thành viên khác không từ chối bảo hộ nhãn hiệu thì có thể chuyển đơn đăng ký CTM thành nhiều đơn đăng ký quốc gia vào từng nước này và vẫn được bảo lưu ngày nộp đơn của đơn CTM trong các đơn quốc gia đó.

Vì hệ thống đăng ký CTM là độc lập và không có ảnh hưởng đối với hệ thống đăng ký quốc gia của mỗi nước thành viên cộng đồng nên chủ sở hữu nhãn hiệu hoàn toàn tự do nộp đơn đăng ký nhãn hiệu CTM hoặc nộp đơn quốc gia hoặc cả hai. Điều này có nghĩa là nhãn hiệu CTM và nhãn hiệu đăng ký quốc gia đều có thể song song tồn tại.

Hiện nay Cộng đồng Châu Âu có 27 nước thành viên bao gồm: Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ailen, Ý, Luychxămbua, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Hà Lan, Anh, Síp, Cộng hoà Séc, Estonia, Hungari, Latvia, Litvia, Malta, Ba Lan, Slovakia, Slovenia, Romania và Bungaria.

Thời gian đăng ký nhãn hiệu CTM là từ 9-12 tháng kể từ ngày nộp đơn. Nhãn hiệu CTM sau khi được đăng ký sẽ có hiệu lực 10 năm kể từ ngày nộp đơn, và có thể được gia hạn nhiều lần liên tục, mỗi lần 10 năm, và chủ sở hữu phải nộp lệ phí gia hạn. Khi gia hạn, chủ sở hữu không phải nộp bằng chứng sử dụng nhãn hiệu.

b/ CANADA

Để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Canada, chủ nhãn hiệu sẽ phải nộp đơn đăng ký trực tiếp với cơ quan đăng ký nước sở tại. Thời gian đăng ký nhãn hiệu tại Canada từ 12-18 tháng kể từ ngày nộp đơn. Nhãn hiệu đăng ký tại Canada sẽ có hiệu lực trong vòng 15 năm kể từ ngày cấp bằng và có thể được gia hạn nhiều lần, mỗi lần thêm 15 năm.

– Về kết quả tra cứu: Vì thủ tục tra cứu không bắt buộc tại các nước nêu trên nên nếu Quý Công ty có nhu cầu tra cứu để biết trước khả năng đăng ký của các nhãn hiệu, chúng tôi sẽ tra cứu dựa trên cơ sở dữ liệu của Cơ quan đăng ký nước sở tại và đưa ra ý kiến tư vấn. Do vậy, kết quả tra cứu này chỉ mang tính tham khảo, không phải là kết luận của cơ quan đăng ký và không được sử dụng trong quá trình thẩm định Đơn sau này.