GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP

0
692

Tại Việt Nam, nền nông nghiệp có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhưng sản xuất nông nghiệp có tính đặc thù và phụ thuộc vào nhiều yếu tố rủi ro (như thiên tai, dịch bệnh, vị trí địa lý, đất đai, nguồn nước, thị trường, giá cả, lạm phát) nên sản xuất nông nghiệp thường xuyên gặp khó khăn, nguy cơ mất mùa và nghèo đói của nông dân gia tăng. Rủi ro là một yếu tố không thể tránh khỏi nhưng lại là một yếu tố có khả năng quản lý được trong sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp thay đổi từ năm này qua năm khác do tính chất khó dự đoán của thời tiết, sâu bệnh và các điều kiện thị trường, chính điều này đã làm hoa lợi và giá nông phẩm biến động. Những thay đổi trên làm cho thu nhập của nông dân cũng trở nên bấp bênh.

Do đó, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là công cụ tài chính cần thiết và cấp bách, hỗ trợ người nông dân giảm bớt những thiệt hại mà họ gặp phải khi đối mặt với các rủi ro. Theo đó, góp phần quan trọng duy trì sự phát triển ổn định của sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các nguồn lực tài chính và bảo đảm an sinh xã hội ở khu vực nông thôn; là điểm tựa cho nông dân mỗi khi gặp thiên tai, thảm họa, giá cả thị trường biến động.

Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về BHNN quy định BHNN là loại hình bảo hiểm cho đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Nghị định cũng khuyến khích doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện BHNN và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại về tài chính do các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất.

Dù chính sách để triển khai BHNN tương đối đầy đủ nhưng quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn, người nông dân vẫn chưa “mặn mà” đối với BHNN. Nguyên nhân là bởi:

Thứ nhất, thu nhập của nông dân còn thấp nên khả năng tài chính để tham gia BHNN của người nông dân còn hạn chế. Trong khi đó, phí BHNN quá cao làm tăng chi phí cho khoản vay, làm giảm tính hấp dẫn của sản phẩm BHNN

Thứ hai, nền sản xuất nông nghiệp của Việt nam manh mún, phạm vu đối tượng, địa bàn bản hiểm khá rộng nên khả năng tham gia bảo hiểm hạn chế. Đồng thời, BHNN vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ với nông dân, người nông dân chưa nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích do BHNN mang lại.

Thứ ba, hiện nay, sản phẩm BHNN mà các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp còn ít ỏi, thiếu đa dạng, chưa đáp ứng được thực tế ngành sản xuất nông nghiệp của nước ta. Các doanh nghiệp bảo hiểm chưa có sản phẩm chuẩn, cụ thể cho một đối tượng bảo hiểm, cho một hoặc một nhóm rủi ro nhất định và được triển khai trên quy mô rộng.

Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi chấp nhận và bồi thường bảo hiểm, bởi lẽ, loại hình này thường xuyên gặp rủi ro và có nguy cơ thua lỗ cao. Đối tượng được bảo hiểm là những cơ thể sống chịu tác động mạnh của các yếu tố thiên nhiên dẫn đến công tác quản lý rủi ro gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, BHNN cũng dễ bị trục lợi, khi cây trồng, vật nuôi đã được bảo hiểm, sự khắc nghiệt của thời tiết, dịch bệnh không còn là nỗi lo với nông dân, khiến họ lơ là trong việc bảo quản, chăm sóc tài sản của mình, …bởi công tác đánh giá rủi ro, đánh giá mức độ thiệt hại trong BHNN còn gặp nhiều khó khăn. Đó là những lý do khiến BHNN khó thành công nếu như nhà nước không hỗ trợ.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg) về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN, cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sẽ được hỗ trợ 90% phí BHNN. Đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm thực hiện BHNN tại Việt Nam. Trước đó, việc triển khai thí điểm BHNN cũng đã được thực hiện tại nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên, sau thời gian dài, đến nay, việc triển khai thực hiện BHNN vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Để khuyến khích tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp tham gia BHNN, kế thừa quy định tại Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định số 03/2021/QĐ-TTg, ngày 09/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN.

Trong đó, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ chính sách BHNN đã được mở rộng so với trước đây, nhằm hỗ trợ tốt hơn cho người nông dân sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể, theo Quyết định 22/2019/QĐ-TTg đối tượng được hỗ trợ chính sách BHNN chỉ bao gồm: cây lúa; trâu, bò; tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Nhưng theo Quyết định 13/2022/QĐ-TTg, đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ đã được mở rộng thêm, cụ thể: đối với cây trồng, ngoài lúa đã bổ sung thêm cao su, hồ tiêu, điều, cà phê; đối với vật nuôi, ngoài trâu, bò đã bổ sung thêm lợn; đối với nuôi trông thủy sản, bên cạnh tôm sú, tôm thẻ chân trắng đã bổ sung thêm cá tra.

Như vậy, đối chiếu với danh mục đối tượng bảo hiểm được hỗ trợ theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP thì đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm tại Quyết định 13/2022/QĐ-TTg chỉ còn thiếu cây ăn quả, rau và gia cầm.