Nhận lời mời của ban biên tập bản tin tài chính và tiêu dùng, luật sư Nguyễn Thanh Hà, công ty luật SBLAW đã có phần trao đổi với phóng viên Mai Phương về hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động Taxi.
Phóng viên: Hiện nay, một số hãng taxi tại Hà Nội (Sao, Ba Sao..) đã đưa ra văn bản cấm các tài xế taxi của mình liên kết với các dịch vụ taxi trực tuyến như Grabtaxi, Uber, Easy Taxi.
Một số hãng taxi đã chủ động yêu cầu các tài không được dán, đính, và đặt chắn nắng, logo, sàn chân,…có hình ảnh của Grabtaxi,.. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ cũng như các hãng sử dụng ứng dụng taxi trực tuyến này.
Theo ông, văn bản cấm này có trái quy định hay không? Việc này có được nhìn nhận là hành vi cạnh tranh không lành mạnh?
Luật sư: Theo quan điểm của tôi, hành vi nêu trên là không trái với quy định của luật cạnh tranh và hành vi này không được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Các hãng taxi có quyền yêu cầu nhân viên và thành viên công ty không sử dụng dịch vụ của một bên thứ 3 mà gây ra những thiệt hại cho doanh nghiệp mình.
Bản thân luật cạnh tranh không cấm điều này và đây là các quy định nội bộ của công ty.
Phóng Viên: Việc cấm này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập tài xế taxi cũng như lựa chọn của người tiêu dùng? Ông có biết bài học hoặc kinh nghiệm gì từ các quốc gia khác trên thế giới trong việc quản lý loại hình này nhưng vẫn mang đến lợi ích cho người tiêu dùng?
Luật sư: Hiện tại, các quốc gia trên thế giới cũng đang lung túng trong việc đưa ra một giải pháp và hành lang pháp lý để quản lý những nền tảng taxi này.
Tôi nghĩ, các nhà quản lý Việt Nam cũng nên nghiên cứu và đưa ra một số giải pháp tạm thời và về lâu dài, cần có một chính sách quản lý hiệu quả để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng và hãng taxi cũng như của các ứng dụng như Viber và Grab.