Hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam

0
527

 

Nhận lời mời của ban biên tập chương trình kinh doanh và pháp luật, kênh VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trao đổi về hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam.

SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

PV: Có ý kiến cho rằng, nhượng quyền thương mại là một phương thức kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ nảy sinh khiếu kiện, tranh chấp, đặc biệt là thiếu hành lang pháp lý an toàn. Đánh giá của Ông về vấn đề này như thế nào?

Luật sư: Theo quan điểm của tôi, hoạt động nhượng quyền cũng là một trong những hoạt động thương mại giống như hoạt động đại lý, phân phối.

Đã là hoạt động thương mại thì nó liên quan tới lợi ích giữa các bên, khi lợi ích giữa các bên không đảm bảo và bị xâm phạm thì sẽ phát inh rủi ro và có nhiều tranh chấp.

Đối với hoạt động nhượng quyền trên thế giới, đây là hoạt động đã diễn ra hàng trăm năm và họ đều có nhiều kinh nghiệm, trước khi triển khai, các bên đều được các nhà tư vấn gồm có tư vấn tài chính, tư vấn luật đưa ra ý kiến và họ đã tìm hiểu kỹ, vì vậy có ít rủi ro hơn.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, do đây là một mô hình kinh doanh mới, vì vậy, các đối tác của Việt Nam chưa thực sự hiểu rõ hợp đồng và mô hình kinh doanh, chưa được sự tư vấn một cách chuyên nghiệp từ các chuyên gia, vì vậy, có thể nảy sinh các tranh chấp trên thực tế.

Bên cạnh đó, hành lang pháp lý của Việt Nam chưa đây đủ, mới là các quy định  phần nhiều liên quan tới quản lý nhà nước về hoạt động này mà chưa có quy định hướng dẫn, ví dụ như quy định về hợp đồng mẫu.

PV: Có thể nói, sự xuất hiện các hệ thống nhượng quyền của Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, Phở 24, Bakery Kinh Đô… đã đánh dấu sự thành công bước đầu của doanh nghiệp Việt trong hoạt động nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên việc tạo lập một thương hiệu là rất khó, việc duy trì và gia tăng giá trị của thương hiệu còn khó hơn nhiều, nhất là với phương thức nhượng quyền thương mại. Vậy, lưu ý cho các doanh nghiệp ở đây là gì, thưa Ông?

Luật sư: Lưu ý của tôi ở đây đối với các doanh nghiệp nhượng quyền đó là chúng ta cần phải có chiến lược rõ ràng về việc xây dựng thương hiệu, xây dựng mô hình doanh nghiệp để hướng tới hoạt động nhượng quyền.

Muốn như vậy, chúng ta cần có chiến lược rõ ràng bằng việc thuê tư vấn quốc tế, họ đã nhiều năm kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình tại nước ngoài.

Các doanh nghiệp cũng cần học tập mô hình ở nước ngoài trong ngành kinh doanh của mình để có thể phát triển hệ thống.

Cần quan tâm tới vấn đề pháp lý, đặc biệt là quan tâm tới việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam và các quốc gia mà mình mong muốn  nhượng quyền.

FullSizeRender

PV: Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị cho mình hành trang gì để có thể tận dụng cơ hội, vượt qua khó khăn, thử thách trước thị trường nhượng quyền thương mại đầy sôi động hiện nay?

Luật sư: Doanh nghiệp cần chuẩn bị những kiến thức, dự phòng những rủi ro có thể xảy ra khi tiến hành hoạt động nhượng quyền.

Chuẩn bị và tính toán kỹ về vấn đề tài chính, nhân sự để đảm bảo hoạt đọng nhượng quyền được thành công.

Việc thất bại là một nguy cơ, doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị khả năng rút khỏi thị trường khi kinh doanh không thành công.