Lừa đảo nhân viên nhập liệu: Nhờ mác “việc nhẹ, lương cao” móc túi bao người

0
567

Cụ thể, nếu gõ được 1.000 mã, bạn thì sẽ được trả 15.000 đồng. Tương ứng mỗi tháng sẽ được khoảng 2,5 đến 03 triệu đồng, tùy vào khả năng đánh máy. Tiền lương sẽ được trả qua thẻ ATM cá nhân của bạn. Để thực hiện công việc này, bạn phải đến trực tiếp công ty hoặc trao đổi online để ký hợp đồng và đóng phí “bảo trì phần mềm gõ mã Captcha” do công ty cung cấp từ 190.000 đồng – 250.000 đồng. Dù quảng cáo hấp dẫn là vậy nhưng khi bắt tay vào công việc, nhiều người mới thấy nó khó nhằn hơn rất nhiều. Phần mềm luôn hiện lên những ký tự khó nhìn gấp nhiều lần so với những mã Captcha thường gặp. Với tốc độ quá nhanh, cộng với việc gõ sai mã một số lần sẽ bị out khỏi hệ thống hoặc khóa tài khoản nên nhiều người không thể làm nổi công việc này quá vài ngày hay 1 tuần. Nói chung là không thể kiếm được tiền, mà còn biếu không số tiền bảo hiểm kia.

 

Câu Hỏi: 

Câu hỏi 1: Với thủ đoạn tinh vi như vậy, các đối tượng lừa đảo có bị xử phạt không, khi số tiền lừa thấp hơn quy định của Luật?

 

Trả lời:

 

Theo Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017), người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

  1. a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
  2. b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  3. c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
  4. d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Trường hợp hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chưa đủ các điều kiện để truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định trên, thì người có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Như vậy, nếu lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng mới vi phạm lần đầu thì chỉ bị phạt xử lý hành chính theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Nhưng nếu dưới 2 triệu đồng mà thuộc một trong các trường hợp tại điểm a, b,c,d, khoản 1 Điều 174 BLHS thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

 

Câu hi 2: Người dân cần phải làm gì để lấy lại được quyền lợi cũng như cảnh giác những chiêu thức này?

 

Trả lời:

 

Người dân cần cảnh giác với những lời chào mời tuyển dụng kiểu như vậy trên mạng nếu không muốn tiền mất tật mang. Khi đi tìm việc là không nên tin vào những thông tin tuyển dụng phóng đại hay mô tả công việc không rõ ràng. Hãy đặt nghi vấn trước những thông tin việc nhẹ, lương cao. Bên cạnh đó, khi đi tìm việc đừng để bị lừa bởi những yêu cầu vô lý không có trong cam kết. Bản thân người có nhu cầu việc làm, đóng tiền tham gia các khóa học cần tìm hiểu rõ học cái gì, kinh doanh lĩnh vực nào, có hợp lý, hợp pháp và được cấp phép không…

Tìm việc làm là nhu cầu chính đáng của mỗi người, thay vì tìm việc từ những trang mạng không tin cậy, để đảm bảo an toàn, người lao động hãy đến các trung tâm giới thiệu việc làm chính thống để được tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu đến các công ty được cấp phép. 

Số tiền mà mỗi người bị lừa trong trường hợp này thường không quá lớn nhưng các công ty lừa đảo vẫn thu được rất nhiều tiền bất hợp pháp do lừa được rất nhiều người. Để lấy lại tiền, đồng thời khiến cho những đối tượng lừa đảo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, người dân nên ngay lập tức báo cáo với cơ quan công an xã, phường, thị trấn để được hướng dẫn, giải quyết.