NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT PHÁ SẢN 2014

0
792

    Luật Phá sản năm 2004 ra đời nhằm thay thế Luật Phá sản năm 1993. Tuy nhiên với xu thế kinh tế ngày một thay đổi ở Việt Nam thì Luật phá sản 2004 lại bộc lộ hàng loạt khiếm khuyết và hạn chế, không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Chính vì lẽ đó, ngày 19/06/2014 Quốc hội đã họp và thông qua Luật Phá sản năm 2014 nhằm giải quyết những hạn chế trên. Luật bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2015.

1. Phạm vi áp dụng của luật phá sản đã được thu hẹp:

Luật Phá sản năm 2014 đã thu hẹp phạm vi áp dụng chỉ đối với “DN, HTX được thành lập trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Quy định này mang tính thực tế và khả năng áp dụng cao hơn so với quy định cũ. Bởi lẽ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả các DN Việt Nam và DN nước ngoài có hoặc không có trụ sở đặt tại Việt Nam.

Vì vậy, đối với các DN nước ngoài không có trụ sở, không có tài sản mà chỉ có một số hoạt động tại Việt Nam, khi mất khả năng thanh toán nếu áp dụng Luật Phá sản của Việt Nam để giải quyết là phi thực tế và không có khả năng thực hiện được.

2. Định nghĩa rõ ràng về tình trạng “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán” và thời điểm nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

Luật Phá sản năm 2004 chỉ quy định chung chung “DN, HTX không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn  khi chủ nợ có yêu cầu  thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”.

Khác với Luật phá sản cũ, khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 định nghĩa rằng “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.”

Như vậy, Luật Phá sản 2014 đã đưa ra một khoàng thời hạn “03 tháng” để DN, HTX khi không có khả năng thanh toán có thể tìm các phương án khác để thanh toán nợ đến hạn trước khi bị coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Quy định này phù hợp với kinh nghiệm lập pháp của một số nước khi cho phép con nợ có thời hạn trễ hạn thanh toán sau khi chủ nợ có yêu cầu đòi nợ, đồng thời khắc phục tình trạng lạm dụng quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản từ phía các chủ nợ như quy định cũ.

Từ quy định này, luật cho phép các chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Đồng thời Luật Phá sản 2014 cũng quy định rõ “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản”. Tức là chỉ khi Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản thì DN, HTX đó mới bị coi là phá sản.

3. Về các chủ thể đãcó quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:

Luật Phá sản 2014 quy định theo hướng mở rộng phạm vi và tạo điều kiện cho các chủ thể thực hiện quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để đảm bảo quyền lợi của mình. Người lao động có quyền tự mình nộp đơn mà không cần phải thông qua người đại diện như quy định trong luật cũ.

Đối với công ty cổ phần, Luật Phá sản 2014 cho phép cổ đông hoặc nhóm cổ đông  sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng có quyền nộp đơn nếu điều lệ công ty có quy định. Đây là một điểm mới, hoàn toàn phù hợp với thực tế vì theo luật cũ thì chỉ có cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu  trên 20% số cổ phần mới được nộp đơn.

4. Về thẩm quyền của Tòa án:

Phù hợp với quy định của Luật tố tụng dân sự năm 2004, Luật Phá sản 2014, quy định thẩm quyền của Tòa án theo cấp, theo lãnh thổ khác với quy định tại luật cũ.

Luật Phá sản 2014 quy định theo hướng loại trừ, tức là trừ những vụ việc phá sản có tình tiết đặc biệt (có yếu tố nước ngoài, có địa điểm ở nhiều quận huyện khác nhau, hoặc tòa cấp tỉnh lấy lên giải quyết) thì còn lại, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với DN, HTX có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó (Điều 8).

Để đảm đảm bảo tính khách quan, Luật Phá sản mới bổ sung quy định về trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi thẩm phán trong quá trình giải quyết phá sản. Đồng thời, Luật cũng bỏ quy định “Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đó”.

Vì theo quy định hiện hành, tất cả các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng và hoạt động trong khuôn khổ luật doanh nghiệp. Tòa án cấp huyện đương nhiên có thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản của doanh nghiệp này, trừ khi nó có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài.

5. Thay thế chế định tổ quản lý, thanh lý tài sản bằng một chế định hoàn toàn mới là Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản:

Thay thế quy định cũ, Luật Phá sản 2014 quy định về hoạt động của Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Theo đó, quản lý, thanh lý tài sản là một nghành nghề kinh doanh có điều kiện (Điều 12, 13). Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện nhiệm vụ:

– Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

– Đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật;

– Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

– Yêu cầu Thẩm phán tiến hành một số công việc cần thiết. Quy định trên tạo ra sự khách quan, chuyên nghiệp trong quá trình quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, đảm bảo thực hiện đúng trình tự quy định của pháp luật.

Vui lòng vào Đây để tải tài về