Nhận lời mới của Kênh truyền hình VITV, Luật sư Nguyễn Thanh Hà có trả lời về sửa đổi luật doanh nghiệp hiện nay:
Sau đây là nội dung bài phỏng vấn:
BTV Vân Anh: Thưa ông, hiện nay thủ tục đăng ký kinh doanh tại Việt Nam còn tồn tại những bất cập gì? Việc này ảnh hưởng như thế nào tới môi trường kinh doanh tại VN. Ông có thể cho biết câu chuyện cụ thể về việc 1 khách hàng của ông gặp khó khăn trong việc đăng ký kinh doanh tại Việt Nam?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện tại, thủ tục đăng ký kinh doanh tại Việt Nam còn những bất cập và ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh như sau:
Thứ nhất: Doanh nghiệp phải ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo mã ngành kinh tế quốc dân (cụ thể là áp dụng theo Quyết định 337 của Bộ Kế Hoạch và Đầu tư) là chưa thật hợp lý, hạn chế quyền kinh doanh theo nguyên tắc “doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, hoặc không hạn chế”, đồng thời tăng thêm rủi ro, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Thứ hai: Việc quy định mã ngành và mã hóa mã ngành đăng ký kinh doanh không đảm bảo dầy đỷ ngành nghề kinh doanh thực tế của Doanh nghiệp. Nhiều Doanh nghiệp muốn hoạt động kinh doanh một lĩnh vực mới nhưng nếu chưa được mã hóa số ngành nghề kinh doanh thì không được chấp thuận, điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp và hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp trên thị trường.
Thứ ba: Luật doanh nghiệp 2005 và Nghị định 43/2010/NĐ-CP chỉ đề cập đến việc đăng ký doanh nghiệp. Tức là chỉ áp dụng đối với chủ thể kinh doanh như công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, Doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2005 mà không phục vụ đăng ký các loại hình kinh doanh khác như ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, DN khoa học công nghệ,….Thậm chí, việc ĐKKD cho hợp tác xã theo quy định tại Luật Hợp xã (26/11/2003) cũng không được đề cập dù Luật Hợp tác xã cho phép các hợp tác xã vẫn có thể lựa chọn thành lập ở cơ quan ĐKKD cấp tỉnh.
Thứ tư: Đối với doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành thì trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập doanh nghiệp vẫn chịu sự chi phối có tính quyết định bởi pháp luật chuyên ngành.
Chẳng hạn, đối với kinh doanh dịch vụ pháp lí hay công chứng tư – bản chất pháp lí của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn là công ty hoặc doanh nghiệp tư nhân nhưng theo quy định tại Luật Luật sư 2006 và Luật Công chứng 2005 thì việc thành lập các doanh nghiệp này được tiến hành tại Sở Tư pháp với một trình tự, thủ tục khác biệt lớn so với quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005.
Điều kiện tương tự cũng áp dụng cho các công ty chứng khoán khi thủ tục áp dụng tại UBCKNH.
Nói cách khác, doanh nghiệp trong các lĩnh vực này cũng không cần phải tiến hành thủ tục ĐKDN tại Sở Kế hoạch & Đầu tư vì Luật chuyên ngành cho phép.
Điều này phản ánh thực trạng manh mún, phân tán trong hệ thống pháp luật Việt Nam về đăng ký kinh doanh.
Thứ năm: Bất hợp lý trong quy định về quản lý và sử dụng con dấu của doanh nghiệp: quy định về quản lý con dấu của doanh nghiệp ở nước ta hiện nay được áp đặt hoàn toàn như việc quản lý con dấu của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, quân đội và công an (gọi chung là cơ quan nhà nước).
Con dấu của cơ quan nhà nước thể hiện quyền lực của Nhà nước và phải được quản lý chặt chẽ. Song, con dấu của DN phải được hiểu là “tài sản của DN”, do đó, nó phải do DN quyết định về hình thức, nội dung và công tác quản lý.
Ngược lại, pháp luật lại quy định rất chi tiết từ hình thức, kích thước, nội dung của con dấu, màu mực dấu, kể cả ghi tên quận, (huyện), tỉnh mà DN đóng trụ sở.
Chỉ cần doanh nghiệp chuyển trụ sở sang quận (huyện) khác (đó là điều xảy ra rất phổ biến với các doanh nghiệp nhỏ và vừa) là phải thay con dấu. Điều đó gây tốn kém cho cả doanh nghiệp và công tác quản lý của Nhà nước. Vô lý hơn nữa, khi doanh nghiệp không may bị mất con dấu – tài sản của chính mình – lại bị phạt vi phạm hành chính.
Trên thực tế tư vấn cho hoạt động đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp thì có doanh nghiệp muốn kinh doanh trên mạng việc chơi hụi, họ, nhưng khi thực hiện việc đăng ký kinh doanh thì chưa được mã hóa ngành nghề nên đã bị từ chối và cho đăng ký ngành nghề này.
BTV Vân Anh : Thưa ông, nếu doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không có trong giấy đăng ký kinh doanh sẽ là vi phạm và xử lý hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản của luật nào? (mặc dù doanh nghiệp được phép kinh doanh những gì pháp luật không cấm)?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện tại, khi doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề không có trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ bị đối mặt với trách nhiệm hanh chính và trách nhiệm hình sự:
Đối với trách nhiệm hành chính: Căn cứ theo điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dung quy định:
Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm kinh doanh ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
4. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều này trong trường hợp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện.
Ngoài ra hành vi kinh doanh trái phép này có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 159 Bộ Luật hình sự về tội: kinh doanh trái phép như sau:
1. Người nào kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm:
a) Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm;
b) Hàng phạm pháp có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
b) Mạo nhận một tổ chức không có thật;
c) Hàng phạm pháp có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
d) Thu lợi bất chính lớn.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
BTV Vân Anh: Quy định về việc ghi ngành nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký DN bị coi là quá chi tiết, rườm rà. Xin ông phân tích sâu vào vấn đề này? VD: Việc áp mã số ngành nghề trên thực tế rất khó do sự không phù hợp giữa ngành nghề đăng ký kinh doanh với ngành kinh tế Việt Nam, ngành nghề đăng ký kinh doanh của người dân.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Về vấn đề này tôi có ý kiến như sau:
Việc áp mã số ngành nghề trên thực tế rất khó do sự không phù hợp giữa ngành nghề đăng ký kinh doanh với ngành kinh tế Việt Nam, ngành nghề đăng ký kinh doanh của người dân.
Thực tế, một số doanh nghiệp được thành lập từ những năm 2003, khi chưa áp mã ngành, và hoạt động thực tế của doanh nghiệp gồm ngành nghề: buôn bán, chuyển nhượng các loại thẻ câu lạc bộ thể thao, tư vấn và tiếp thị thể thao.
Tuy nhiên theo quy định hiện nay, tất cả các ngành nghề phải được áp lại theo mã ngành nghề đăng ký kinh doanh cấp 4. Nhưng trong hệ thống mã ngành nghề theo QUYẾT ĐỊNH 337/QĐ-BKH Về việc ban hành Quy định nội dung Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam, thì không quy định cụ thể ngành nghề nêu trên. Khi đó buộc các doanh nghiệp phải áp vào mã ngành có nội dung tương tự. Và việc áp lại mã ngành như vậy không thể hiện hết nội dung kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, có những trường hợp nhiều ngành nghề kinh doanh không có trong danh mục của cơ quan quản lý nhà nước dẫn tới việc doanh nghiệp phải xin ý kiến bộ ngành liên quan mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để có thể đăng ký. Thậm chí có doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề kinh doanh không đúng với thực tế hoạt động.
BTV Vân Anh: Về hình thức Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc DN: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đăng ký DN cấp theo hình thức tờ rời và khi có thay đổi đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cũ bị thu lại. Điều đó dẫn đến tình trạng không thể theo dõi sự thay đổi của DN về cổ đông/thành viên góp vốn, vốn điều lệ kể từ khi DN được thành lập.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà:. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đăng ký DN cấp theo hình thức tờ rời và khi có thay đổi đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cũ bị thu lại. Điều đó dẫn đến tình trạng không thể theo dõi sự thay đổi của DN về cổ đông/thành viên góp vốn, vốn điều lệ kể từ khi DN được thành lập.
Theo quy định, thì sau 03 năm, các cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông mới. Tuy nhiên khi đó, cổ đông mới sẽ không được ghi tên trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Thực trạng này dẫn đến việc khó kiểm soát được cổ đông góp vốn.
BTV Vân Anh: Thưa ông, khi bãi bỏ không ghi ngành nghề kinh doanh thì sẽ tạo điều kiện như thế nào cho hoạt động kinh doanh của DN hiện nay?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Với quy định như trên, doanh nghiệp có quyền kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm thay vì chỉ được kinh doanh những gì đã đăng ký như vậy sẽ tạo điều kiện mọi người tự do kinh doanh làm giàu chính đáng, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, điều này hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp hiện nay khi nếu doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không có trong giấy đăng ký kinh doanh sẽ là vi phạm và xử lý hành chính.
Đồng thời giảm chi phí bổ sung cho doanh nghiệp, bởi thực tế hiện nay khi muốn mở rộng loại hình kinh doanh của công ty, thì công ty phải thực hiện nhiều lần thủ tục thay đổi đkkd cụ thể là bổ sung hay rút ngành nghề.
BTV Vân Anh: Có ý kiến cho rằng, nên tách bạch giữa thành lập doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh, bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp như chứng chỉ hành nghề, vốn pháp định. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Nếu tách bạch theo quy định trên thì bất kỳ nhà đầu tư nào cũng sẽ được thỏa mãn “cơn khát” thành lập DN. Nhưng đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau khi nhà đầu tư phải bỏ chi phí soạn thảo hồ sơ và đăng ký thành lập DN, nộp thuế môn bài nhưng chưa hoặc không thỏa mãn được các điều kiện tiếp theo để kinh doanh ngành nghề có điều kiện, hay việc DN sau khi đăng ký thành lập sẽ tiến hành hoạt động mà không chờ hoàn tất các điều kiện kinh doanh, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra tuân thủ và tác động xấu tới xã hội…
Thực tế, các điều kiện kinh doanh như vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề sẽ sàng lọc để loại bỏ nhà đầu tư thiếu năng lực khi tiến hành công việc kinh doanh trong các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
Việc gắn kết giữa thành lập DN và điều kiện kinh doanh không những không gây khó khăn và tốn kém không cần thiết cho nhà đầu tư có năng lực. mà ngược lại, các điều kiện kinh doanh là rào cản giúp nhà đầu tư chưa đủ năng lực tiết kiệm chi phí, ít nhất là chi phí đăng ký DN, chi phí duy trì DN sau đăng ký và các chi phí thuế môn bài, giải thể…
Bên cạnh đó, rào cản này còn giúp cơ quan nhà nước không phải hậu kiểm đối với nhà đầu tư
BTV Vân Anh: Khi bãi bỏ không ghi ngành nghề kinh doanh thì theo ông chúng ta cần làm gì để có thể quản lý tốt được vấn đề này?
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Thống kê được toàn bộ ngành nghề cấm, kinh doanh có điều kiện đưa vào luật, tạo sự minh bạch, rõ ràng để các Cơ quan hành chính có thẩm quyền áp dụng thống nhất không gây khó khăn cho việc thành lập Doanh nghiệp.
Video: LS.Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn: