Sắp có quy định mới về kinh doanh đa cấp

0
850

Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với LS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch SBLaw.

-Quan điểm của ông về hiệu quả của việc áp dụng Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp trong thời gian qua?

Trả lời:

Nghị định số 40/2018/NĐ – CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chính thức có hiệu lực cách đây 03 năm đã tạo ra nhiều thay đổi trong việc quản lý, vận hành hoạt động kinh doanh đa cấp.

Một số thay đổi đáng chú ý có thể kể đến như bổ sung các điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia vào thị trường này (đáp ứng điều kiện về hệ thống thông tin, kiểm soát mạng lưới người tham gia,…) hay yêu cầu doanh nghiệp phải ký quỹ tại ngân hàng tối thiểu là 10 tỷ đồng. Theo đó, từ sau khi Nghị định 40 có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp đã giảm và thậm chí, có những doanh nghiệp còn bị thu hồi giấy phép do không đáp ứng đủ điều kiện.

Như vậy, có thể thấy Nghị định này đã góp phần minh bạch hóa hoạt động kinh doanh đa cấp, hạn chế các doanh nghiệp không đủ năng lực tham gia vào thị trường, và góp phần bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chính thống cũng quyền, lợi ích hợp pháp của những người tham gia vào mô hình này.

Tuy nhiên, qua thời gian, văn bản này cũng đang bộc lộ một số điểm còn hạn chế, bất cập.

-Cụ thể, những bất cập đó là gì, thưa ông?

Trả lời:

Đầu tiên có thể kể đến vấn đề về người đại diện tại địa phương. Theo Khoản 2 Điều 20 Nghị định 40/2018/NĐ – CP thì trường hợp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại địa phương, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm ủy quyền cho một cá nhân cư trú tại địa phương làm người đại diện tại địa phương để thay mặt doanh nghiệp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương đó. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều khi người đại diện tại địa phương này cũng không nắm được thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, không liên quan gì đến doanh nghiệp mà chỉ được thuê để “đối phó” với cơ quan chức năng, gây ra những khó khăn nhất định trong quá trình xác minh, quản lý doanh nghiệp.

Về nghĩa vụ ký quỹ của doanh nghiệp, đây là quy định giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận. Tuy nhiên, quy định pháp luật hiện nay về vấn đề này còn chưa rõ ràng. Khoản 1 Điều 50 Nghị định 40 quy định tiền ký quỹ dùng để đảm bảo việc thực hiện các “nghĩa vụ của doanh nghiệp bán hàng đa cấp đối với người tham gia bán hàng đa cấp” nhưng lại không diễn giải cụ thể những nghĩa vụ này là gì nên việc thực hiện còn nhiều vướng mắc.

-Mới đây (ngày 17/6), Bộ Công Thương đã công khai lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Ông đánh giá như thế nào về một số điểm quan trọng trong Dự thảo đã được Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung?

Trả lời:

Qua hơn 3 năm triển khai, Nghị định 40/2018/NĐ-CP đã giúp Chính phủ quản lý tốt hơn đối với hoạt động bán hàng đa cấp, các doanh nghiệp chân chính cũng được hưởng lợi nhờ việc thanh lọc các doanh nghiệp vi phạm pháp luật hoặc hoạt động yếu kém.

Bên cạnh đó, qua thực tiễn công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp, các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp nhận thấy các quy định pháp luật vẫn cần phải được sửa đổi, hoàn thiện hơn nữa với mục tiêu tiếp tục nâng cao tính minh bạch trong hoạt động bán hàng đa cấp, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, đảm bảo tính thống nhất và dễ hiểu, dễ áp dụng của từng quy định pháp luật, tăng cường thu hút đầu tư. Do đó, trên cơ sở khảo sát ý kiến của các địa phương, Bộ Công Thương đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Những sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo đã trở thành một bước tiến để giải quyết những bất cập về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Dự thảo được xây dựng dựa trên những sửa đổi, bổ sung như sau:

Thứ nhất, bổ sung, làm rõ các quy định về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó bổ sung điều kiện nhà đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại Việt Nam cần có kinh nghiệm hoạt động bán hàng đa cấp ba năm liên tiếp ở một quốc gia khác;

Thứ hai, điều chỉnh giảm thời lượng đào tạo cơ bản bắt buộc, điều chỉnh nội dung đào tạo cho phù hợp với thực tiễn;

Thứ ba, làm rõ các trường hợp được sử dụng tiền ký quỹ để bảo đảm quyền lợi của người tham gia, qua đó giúp người dân xác định được rõ quyền lợi của mình trước khi tiến hành các thủ tục pháp lý, hạn chế việc lãng phí thời gian, nguồn lực của cả người dân và chính quyền trong việc giải quyết tranh chấp và sử dụng tiền ký quỹ.

Thứ tư, nâng cao hiệu quả quản lý tại địa phương thông qua việc làm rõ điều kiện, trách nhiệm của người đại diện của doanh nghiệp tại địa phương. Đảm bảo người đại diện tại địa phương phải là người nắm bắt được hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn, có đủ thẩm quyền và có trách nhiệm làm việc với cơ quan có thẩm quyền ở địa phương theo yêu cầu.

Thứ năm, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp thông qua việc điều chỉnh cơ chế bảo trợ quốc tế, ngăn ngừa các hoạt động trái phép hoặc thu lợi bất chính từ thị trường Việt Nam.

Ngoài raDự thảo còn bổ sung quy định về tỷ lệ hoa hồng tối thiểu trên doanh số bán hàng cá nhân của người tham gia nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động bán hàng của người tham gia, hạn chế nguy cơ các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng phát triển theo hướng chỉ tuyển dụng và tiêu dùng hàng hóa trong nội bộ hệ thống.

-Theo ông, việc siết chặt quản lý bằng Nghị định 40 sửa đổi, bổ sung sẽ tác động như thế nào đối với các DN bán hàng đa cấp trong thời gian tới?

Trả lời:

Dự thảo cũng đề xuất sửa đổi quy định liên quan đến đảm bảo hiệu quả quản lý hoạt động của Doanh nghiệp bán hàng đa cấp tại địa phương. Cụ thể, dự thảo bổ sung các yêu cầu, điều kiện cụ thể nhằm nâng cao chất lượng của người đại diện doanh nghiệp tại địa phương, đảm bảo người đại diện này thực sự giữ vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý tại địa phương, có thể làm việc với cơ quan quản lý tại địa phương về các vấn đề liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.

Qua đó, chất lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động bán hàng đa cấp sẽ được đảm bảo, đồng thời, nguy cơ các tổ chức, cá nhân bị lợi dụng hoạt động bán hàng đa cấp để trục lợi bất chính sẽ bị hạn chế. Điều này sẽ được thể hiện xuyên suốt quá trình thực hiện hoạt động quản lý nhà nước, từ tiền kiếm đến hậu kiểm, đảm bảo doanh nghiệp đáp ứng điều kiện mới được hoạt động và phải duy trì điều kiện này trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp không duy trì điều kiện hoặc vi phạm điều cấm sẽ bị loại khỏi thị trường.

-Thời gian qua, bên cạnh các DN hoạt động kinh doanh đa cấp chính thống, còn có không ít DN lợi dụng hình thức kinh doanh này để thu hút đầu tư, hoạt động bất hợp pháp gây bức xúc trong dư luận. Ở góc độ là Luật sư, ông có thể chỉ ra những dấu hiệu của các hình thức bán hàng đa cấp biến tướng giúp người tham gia BHĐC và người tiêu dùng nhận biết?

Trả lời:

Người tham gia BHĐC và người tiêu dung cần quan tâm đến các dấu hiệu sau:

Thứ nhất, công ty chưa được cấp Giấy đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp nhưng vẫn đi giới thiệu chào mời, lôi kéo người dân tham gia.

Thứ hai, hưởng lợi nhuận cao phi lý: Các công ty bán hàng đa cấp chào mời nhà đầu tư, nộp tiền tham gia và hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường mà không phải làm gì, rồi yêu cầu lôi kéo những người khác tham gia để hưởng hoa hồng. Đây thực sự là chiếc “bánh vẽ” hoàn hảo khiến nhiều người lao vào đầu tư và cuối cùng rơi vào tình cảnh mất tiền. Thực chất mọi mời lời chào tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp có hoa hồng cao, lãi suất lớn hoặc hình thức đầu tư nộp tiền không dựa vào việc bán hàng hóa đều là dấu hiệu của hành vi lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Thứ ba, bán hàng đa cấp nhưng không có hàng: Các công ty lợi dụng hình thức bán hàng đa cấp để dụ dỗ người dân đầu tư tham gia mua hàng nhưng không xuất hàng cho người mua mà khuyến khích người mua gửi lại kho công ty, khi nào bán hàng thì đến lấy. Thực chất đây là dấu hiệu lừa đảo vì công ty đó không có hàng xuất để trả người mua nên dùng chiêu này để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ tư, công ty bán hàng đa cấp, người bán hàng đa cấp tư vấn để người dân mua số lượng lớn vượt quá khả năng tiêu thụ để được lên cấp như “trưởng nhóm” “phó phòng kinh doanh”, …

Ngoài ra, khi người dân mua hàng nhưng không có khả năng tiêu thụ hoặc không có nhu cầu sử dụng, muốn trả lại thì công ty bán hàng đa cấp tìm mọi cách trì hoãn việc trả hàng của người tham gia để quá thời hạn được phép trả hàng, khi đó công ty sẽ không có trách nhiệm mua lại hàng hóa.

-Vậy, ông có lời khuyên nào đối với người tham gia BHĐC cũng như cảnh báo với người tiêu dùng để tránh “tiền mất tật mang” trước kinh doanh đa cấp biến tướng?

Trả lời:

Trước hết, mọi người cần hiểu về bản chất của kinh doanh đa cấp là gì? Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 40/2018/NĐ-CP quy định: “Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới.” Như vậy, khi một người tham gia vào mạng lưới đa cấp, họ vừa trở thành một khách hàng vừa trở thành một người bán hàng, mọi người sẽ phân phối sản phẩm theo cách lan toả dần, mở rộng dần qua mỗi nhánh quan hệ xã hội của mình.

Tuy nhiên rất nhiều chủ thể đã lợi dụng tính chất hưởng hoa hồng, lợi ích kinh tế từ nhiều cấp khác nhau trong việc phân phối hàng hoá dưới hình thức bán hàng đa cấp để thực hiện lừa đảo. Cụ thể, những doanh nghiệp bán hàng đa cấp biến tướng sẽ tập trung chủ yếu vào việc hứa hẹn việc kiếm lời đơn giản, cơ chế nhận thưởng hoa hồng hấp dẫn để lôi kéo nhiều người tham gia vào mạng lưới, để kiếm thêm dòng tiền mới, chứ không tạo thêm giá trị. Với sự phát triển của công nghệ, biến tướng đa cấp ngày càng phát triển tinh vi hơn, tuy nhiên, những mô hình đa cấp biến tướng thường có những đặc điểm chung như sau:

  • Doanh nghiệp không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp: Bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh có điều kiện tại Việt Nam, hơn nữa điều kiện lại cực kì nghiêm ngặt. Vì vậy, nếu muốn tham gia vào một mô hình đa cấp, người tham gia cần chú ý đến việc liệu doanh nghiệp này đã được cấp phép hoạt động đúng quy định chưa.
  • Doanh nghiệp chỉ quan tâm tới việc tìm người tham gia hệ thống: Với việc cam kết mức lợi nhuận, mức thưởng hoa hồng quá cao, quá dễ dàng, mục tiêu của những công ty đa cấp biến tướng chủ yếu là muốn thu hút thêm người tham gia. Vì vậy họ sẽ có những lời hứa hẹn rất hấp dẫn về viễn cảnh tham gia hoặc tạo nên thương hiệu, tạo lòng tin bằng cách tổ chức những buổi hội thảo, chương trình chia sẻ, daỵ cách bán hàng hào nhoáng. Trong thời gian đầu, các công ty đa cấp này sẽ chi trả lãi suất, lợi nhuận trong thời gian đầu để kích thích lòng tham của người tham gia, để chính những người tham gia này sẽ tiếp tục dùng tiền thưởng của mình để tái đầu tư và mời gọi những người xung quanh tham gia hệ thống mà không biết rằng số tiền để trả lãi suất, lợi nhuận chính là tiền của những người đến sau.

Ngoài ra, mọi người cũng cần phải có một thái độ đúng đắn đối với việc kiếm tiền vì đa cấp dù luôn tai tiếng suốt bao năm nay vì đã dính tới không biết bao nhiêu vụ lừa đảo, nhưng cho đến ngày nay, biến tướng của bán hàng đa cấp vẫn tiếp tục lừa được mọi người. Một phần do sự xuất hiện của công nghệ khiến người tham gia khó nhận ra bản chất đa cấp của mô hình, nhưng phần lớn là do đa cấp luôn đánh vào được tâm lý thích sự hào nhoáng, thích việc nhàn nhã đơn giản mà lại kiếm được nhiều tiền. Chính vì vậy, người dân cần có một thái độ tỉnh táo hơn, đề phòng hơn trước bất cứ phương thức kiếm tiền nào được mời chào mà quá đơn giản, dễ dàng.