Dự thảo luật Thủ Đô sửa đổi: Hiệu quả, hạn chế và ý nghĩa

0
293

Dự thảo sửa đổi luật đất đai nhằm tối ưu hóa quản lý tài nguyên đất, thúc đẩy phát triển bền vững và đáp ứng nhanh chóng các thách thức của thị trường địa ốc hiện đại. Dưới đây là bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật SBLAW, mời quý khách theo dõi

Câu hỏi 1:  Luật Thủ Đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013) đã mang lại những hiệu quả và tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả luật mang lại?

Trả lời:

Sau hơn 10 năm đi vào đời sống, việc thực thi những cơ chế đặc thù trong Luật Thủ đô đã mang lại những kết quả tích cực trong công tác xây dựng, phát triển, quản lý của thành phố Hà Nội.

Luật Thủ đô năm 2012 được ban hành không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn hướng tới các chính sách riêng có về văn hóa, lịch sử và bảo tồn nhằm duy trì những bản sắc riêng biệt của Hà Nội. Sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền và nhân dân Thủ đô. Cùng với các cơ chế chính sách đặc thù được ban hành đã từng bước đi vào cuộc sống, giúp cho TP Hà Nội chủ động hơn trong ưu tiên đầu tư thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thể hiện được thế mạnh Thủ đô.

Trong những năm thi hành Luật Thủ đô, theo UBND TP Hà Nội, kinh tế TP Hà Nội  tăng trưởng khá và đóng góp tích cực trong tăng trưởng của cả nước. Từ năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng kinh tế Thủ đô không đạt như kế hoạch nhưng vẫn cao hơn bình quân chung cả nước. Thủ đô ngày càng xứng đáng hơn với vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế của vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt kết quả quan trọng; phát triển khoa học và công nghệ được đẩy mạnh; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân được bảo đảm và nâng cao… Luật Thủ đô 2012 cũng đặc biệt chú trọng đến quản lý đô thị và xây dựng. Việc xây dựng và quản lý đô thị một cách hiệu quả là chìa khóa để đảm bảo sự phát triển bền vững và chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhiều chính sách trong quản lý đất đai, bảo vệ môi trường và phát triển nhà ở cũng đã được triển khai; nhiều chương trình, dự án, đề án nhằm từng bước cải thiện môi trường Thủ đô. Việc này đã giúp tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định và cân đối của Thủ đô Hà Nội.

Hiệu quả dự thảo luật đất đai sửa đổi
Hiệu quả dự thảo luật đất đai sửa đổi

Câu hỏi 2: Theo đánh giá của LS, bên cạnh những kết quả tích cực trong xây dựng, phát triển Thủ đô, Luật Thủ đô vẫn còn một số tồn tại, hạn chế gì?

Trả lời:

Bên cạnh những kết quả, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp đề ra trong luật còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế về quy hoạch, công trình kiến trúc cổ và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị chưa theo kịp sự phát triển của Thủ đô.

Về kinh tế, mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước, nhưng nhìn chung tăng trưởng chưa hoàn thành mục tiêu đề ra. Một số chỉ tiêu nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của thành phố còn chưa đạt yêu cầu về tiến độ, chất lượng của một số đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch còn hạn chế.

Trong khi đó, tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều. Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn, hạ tầng giao thông công cộng và kết nối liên vùng, đặc biệt là vùng ven đô còn nhiều khó khăn. Còn đối với việc phát triển giao thông, hiện nay tỷ lệ quỹ đất giao cho giao thông còn quá thấp so với yêu cầu. Trong khi đó, việc mở rộng tuyến giao thông trong khu vực nội đô lại rất khó khăn, cộng thêm chi phí cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường rất cao, gây sức ép cho ngân sách của thành phố…

Công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vai trò, vị thế của Thủ đô. Các chính sách về phát triển văn hóa đã được xây dựng nhưng chưa phát huy hiệu quả tối đa, điển hình như các rạp hát, bảo tàng… chưa được khai thác hết tiềm năng, chưa thu hút được đông đảo người dân và du khách đến tham quan.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do pháp luật về Thủ đô chưa đầy đủ, chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả của các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô. Một số quy định của Luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu quy định về các cơ chế đặc thù cụ thể. Bên cạnh đó sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thì cũng có nhiều luật khác được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Cư trú…), trong đó có những quy định chồng chéo với Luật Thủ đô, việc này đã làm giảm hiệu quả trong việc thi hành.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Thủ đô là yêu cầu tất yếu để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới.

Câu hỏi 3: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được Chính phủ trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 đang diễn ra. Nhiều nội dung trong dự thảo Luật thu hút sự quan tâm của dư luận. Ông đánh giá thế nào về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc sửa Luật?

Trả lời:

   Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm mục đích chính là khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật này cũng là dịp để chúng ta đánh giá lại một cách toàn diện xuyên suốt quá trình hơn 10 năm thi hành Luật Thủ đô. Từ đó chỉ rõ những được những hạn chế, yếu kém và căn cứ vào đó để đề ra các giải pháp khắc phục đầy đủ, toàn diện, đặc biệt là giải pháp đó phải hiệu quả, khả thi và phù hợp với tình hình thực tế.

   Tầm quan trọng của việc sửa đổi luật thủ đô thể hiện rằng nó không chỉ nằm ở khía cạnh pháp lý mà còn ở khía cạnh xã hội. Nó là một quá trình đòi hỏi sự thảo luận tứ phía Chính phủ, cũng như cần có sự tham gia đóng góp ý kiến từ toàn thể người dân để đảm bảo rằng luật thủ đô phản ánh đúng giá trị và mục tiêu của xã hội. Sự tham gia này không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của mọi công dân để đảm bảo sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Câu hỏi 4: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tập trung giải quyết những vấn đề bất cập gì?

Trả lời:

Ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã đăng tải hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ngày 13/7/2023, Bộ Tư pháp có Công văn gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều; tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012 hiện hành. Các điều khoản của dự thảo Luật được xây dựng để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, chính xác nhất đường lối, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và các nghị khác của Đảng có liên quan.

Nội dung dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này bám sát 9 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước.

Về các chính sách cụ thể:

Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; Cơ chế huy động nguồn lực, nâng cao năng lực tài chính – ngân sách cho phát triển của Thủ đô; Hoàn thiện các quy định về quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô; Cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; Cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và giáo dục, đào tạo Thủ đô; Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Cơ chế, chính sách phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; cơ chế, chính sách liên kết, phát triển Vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế – xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.

Luật Thủ đô (sửa đổi) còn phải giúp Hà Nội giải quyết được những hạn chế, bất cập hiện nay, trước hết là cơ chế, chính sách tài chính để đầu tư phát triển hạ tầng, xử lý ô nhiễm môi trường, di dời các cơ sở y tế, giáo dục ra khỏi nội đô, cải tạo chung cư cũ… Tuy nhiên những vấn đề này đang được xem xét và lấy ý kiến, chúng ta cùng chờ đợi phương án cuối cùng trong dự thảo hoàn chỉnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Kỳ vọng thay đổi trong phát triển kinh tế và xã hội của thủ đô Hà Nội
Kỳ vọng thay đổi trong phát triển kinh tế và xã hội của thủ đô Hà Nội

Câu hỏi 5: Với việc sửa Luật Thủ đô, ông kỳ vọng sẽ có sự thay đổi gì trong phát triển kinh tế và xã hội của thủ đô Hà Nội?

Trả lời:

Từ đề xuất của TP Hà Nội về việc sửa đổi toàn diện Luật Thủ đô, chúng ta cùng kỳ vọng vào việc sửa đổi này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, giúp Thủ đô phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh.

Thứ nhất, đây là dự án luật không chỉ được cơ quan Nhà nước các cấp quan tâm mà cộng đồng các doanh nghiệp cũng mong đợi, kỳ vọng dự thảo Luật khi ban hành sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực của Thủ đô, tạo sự lan tỏa, động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước…Trong đó xác định xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế đã được nhận diện qua quá trình thi hành Luật Thủ đô năm 2012.

Thứ hai, Luật Thủ đô (sửa đổi) tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.