Trong Thời kỳ Cổ đại và Thời kỳ Trung Cổ người ta chưa biết đến quyền cho một tác phẩm trí tuệ. Các quy định luật pháp chỉ có cho những vật mang tác phẩm trí tuệ, đặc biệt là về sở hữu.
Cùng với phát minh in (khoảng 1440), các bản sao chép lại của một tác phẩm bắt đầu có thể được sản xuất ở số lượng lớn một cách dễ dàng hơn. Nhưng tác giả vẫn chưa có được “quyền tác giả” ở bên cạnh.
Khi thời kỳ Phục hưng bắt đầu, cá nhân con người trở nên quan trọng hơn và đặc quyền tác giả cũng được ban phát để thưởng cho những người sáng tạo ra tác phẩm của họ. tại nước Đức thí dụ như là Albrecht Duer (1551) đã được công nhận một đặc quyền như vậy. Nhưng việc bảo vệ này chỉ dành cho người sáng tạo như là một cá nhân và chưa mang lại cho cá nhân một thu nhập nào.
Mãi đến thế kỷ 18, lần đầu tiên mới có các lý thuyết về các quyền giống như sở hữu cho các lao động trí óc. Trong một bộ luật của nước Anh năm 1710, Statue of Anne, lần đầu tiên một độc quyền sao chép của tác giả được công nhận. Tác giả sau này nhượng lại các quyền đó cho nhà xuất bản. sau một thời gian được thỏa thuận trước tất cả các quyền lại thuộc về tác giả. Tác phẩm phải được ghi vào trong danh mục của hiệp hội các nhà xuất bản và phải có thêm ghi chú copyright. Phương pháp này được đưa vào ứng dụng tại Mỹ vào năm 1795. Ý tưởng về sở hữu trí tuệ phần lớn được giải thích bằng quyền tự nhiên.
Những lý lẽ được đưa ra trong các cuộc thảo luận về việc quyền tác giả phải phản ứng như thế nào trước các phát triển kỹ thuật hiện tại đều tương tự như nhau trên toàn thế giới. Một vài quốc gia chỉ còn có một phạm vi tự do hạn hẹp trong việc định hình các quyền tác giả vì những quy định khác thường có thể được coi là lợi thế không công bằng, không được các đối tác thương mại thế giới chấp nhận mà không có phản ứng chống lại. Trong tương quan về thế mạnh hiện tại Mỹ là quốc gia có phạm vi tự do rộng lớn nhất và với Digital millennium copyright Act (DMCA) là quốc gia đã định sẵn chiều hướng chung của quyền tác giả, đi đến việc bảo vệ quyền tác giả một cách nghiêm ngặt hơn. Định luật tương tự ở Châu Âu là European Union Copyright Directive (EUCD- Chỉ thị copyright Liên minh Châu Âu).
Tại Châu Âu các chỉ thị của Liên minh Châu Âu chỉ có tính chất tạo khuôn khổ và phải được bổ sung bằng luật lệ của từng quốc gia. Trong thời gian gần đây IP-Enforcement directive của Liên minh Châu Âu là bước đi kế tiếp trong hướng đi thắt chặt hơn nữa các luật lệ về quyền tác giả.