1.Trình tự thực hiện:
– Tiếp nhận đơn: Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
– Thẩm định hình thức đơn: Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.
– Ra thông báo chấp nhận/từ chối chấp nhận đơn:
+ Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo chấp nhận đơn;
+ Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự đinh từ chối chấp nhận đơn hợp lệ trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 1 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn.
– Công bố đơn: Sau khi có thông báo chấp nhận đơn, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
– Thẩm định nội dung đơn: Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.
– Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ:
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
+ Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về nhãn hiệu và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
2. Cách thức thực hiện:
– Nộp trực tiếp tại trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
– Nộp qua bưu điện.
3.Thành phần, số lượng hồ sơ:
– Thành phần hồ sơ, bao gồm:
+ Tờ khai (02 bản);
+ Mẫu nhãn hiệu (05 mẫu kích thước 80 x 80 mm) và danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu;
+ Đối với đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận phải có:
quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể/nhãn hiệu chứng nhận;
bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý);
bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);
văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);
+ Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện);
+ Tài liệu chứng minh quyền đăng ký nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác;
+ Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu yêu cầu hưởng quyền ưu tiên;
+ Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ).
– Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).
4.Thời hạn giải quyết:
– Thẩm định hình thức: 01 tháng từ ngày nộp đơn;
– Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ;
– Thẩm định nội dung đơn: không quá 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
5. Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cá nhân, tổ chức.
6.Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cục Sở hữu trí tuệ.
7.Kết quả thực hiện thủ tục hành chính:
– Quyết định cấp/từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
– Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
8.Phí, lệ phí:
– Lệ phí nộp đơn: 180.000 đồng (cho mỗi nhóm có 6 sản phẩm/dịch vụ)
(từ sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 30.000 đồng/1sản phẩm/dịch vụ)
– Lệ phí yêu cầu hưởng quyền ưu tiên: 600.000 đồng/mỗi yêu cầu
– Lệ phí công bố đơn: 120.000 đồng
– Phí thẩm định nội dung: 300.000 đồng (cho mỗi nhóm có 6 sản phẩm/dịch vụ)
(từ sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 60.000 đồng/1 sản phẩm/dịch vụ)
– Phí tra cứu: 60.000 đồng (cho mỗi nhóm có 6 sản phẩm/dịch vụ)
(từ sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 24.000 đồng/1 sản phẩm/dịch vụ)
– Phí phân loại hàng hóa/dịch vụ: 100.000 đồng (cho mỗi nhóm có 6 sản phẩm/dịch vụ)
(từ sản phẩm/dịch vụ thứ 7 trở đi: 20.000 đồng/1 sản phẩm/dịch vụ)
– Lệ phí cấp giấy chứng nhận: 120.000 đồng (cho 1 nhóm sản phẩm/dịch vụ đầu tiên)
(từ nhóm sản phẩm/dịch vụ thứ 2 trở đi: 100.000 đồng/1nhóm)
– Lệ phí đăng bạ Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng
– Lệ phí công bố Quyết định cấp Văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
9.Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Tờ khai đăng ký nhãn hiệu (Mẫu kèm theo).
Lưu ý: tại phần “Danh mục các hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu” trong Tờ khai, nếu người nộp đơn không tự phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thực hiện việc này và người nộp đơn phải nộp phí dịch vụ phân loại theo quy định.
10.Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính:
– Tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện sau có quyền đăng ký nhãn hiệu:
+ Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hoá do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp;
+ Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó;
+ Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý, đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
+ Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hoá, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý, đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;
+ Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với điều kiện (i) việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh; (ii) việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.
+ Người có quyền đăng ký, kể cả người đã nộp đơn đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật với điều kiện các tổ chức, cá nhân được chuyển giao phải đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký tương ứng.
+ Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của Điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Việt Nam cũng là thành viên thì người đại diện hoặc đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
11.Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
– Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005, được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 36/2009/QH12 ngày 19/6//2009;
– Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 122/2010/NĐ-CP ngày 31/12/2010;
– Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011 và Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20/2/2013;
– Thông tư số 22/2009/TT-BTC ngày 04/02/2009 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp.