Thực trạng nhập khẩu song song đối với dược phẩm tại Việt Nam

0
776

Hiện nay, việc nhập khẩu song song ở nước ta còn nhiều vấn đề và chưa thực sự hiệu quả. Các công ty trong nước phát hiện một điều là dù có sự hiện diện của các mặt hàng nhập khẩu song song, nhưng doanh số nhập khẩu truyền thống của các mặt hàng này từ các tập đoàn đa quốc gia vào Việt Nam vẫn không hề giảm sút. Điều này cho thấy thị trường thuốc và nhu cầu thật sự của các loại thuốc này rất lớn.

 Thế nhưng, một dược sĩ cho biết các công ty được phép nhập khẩu song song đang gặp phải nhiều trở ngại, thậm chí là bị ngăn chặn việc thực hiện và phát triển nhập khẩu song song. Một trong những cản trở là phản ứng chống lại nhập khẩu song song của các nhà sản xuất và một vài bệnh viện của một số địa phương trong nước.

Vì nhiều lý do khác nhau – trong đó không loại trừ lý do tiêu cực – họ cùng nhau tìm cách luồn lách để không đưa thuốc nhập khẩu song song vào nội viện qua các hình thức đấu thầu có chỉ định từ trước (tổ chức đấu thầu thuốc còn ghi rõ tên biệt dược, nước sản xuất từ trước trên hồ sơ thầu).

Kế đến là các công ty đa quốc gia đã tìm mọi cách để dị biệt hoá khá nhiều các sản phẩm xuyên quốc gia qua những khác biệt về đóng gói bao bì, dán nhãn, những tờ thông tin, và thậm chí áp dụng chuẩn đôi cho các sản phẩm của mình, để rồi sau đó lấy cớ khiếu nại các công ty vi phạm qui định nhập khẩu song song. Đó là chưa kể các công ty đa quốc gia thường ngấm ngầm đối đầu bằng cách từ chối cung cấp thuốc cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng nhập khẩu song song.

Việc nhập khẩu song song còn vấp phải nhiều cản trở khác từ cơ quan chức năng như việc cấp giấy phép, đồng thời thiếu vắng sự hậu thuẫn của các cơ quan chức năng nhằm khuyến khích các bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc kê đơn và người bệnh sử dụng thuốc nhập khẩu song song có giá rẻ hơn. Đến nay, mới chỉ có vài ba công ty được cấp phép nhập khẩu song song với số lượng và chủng loại dược phẩm bị hạn chế.

Còn đầu ra cũng vấp phải vấn đề kiểm nghiệm rất mất nhiều thời gian, gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà nhập khẩu song song.

Tình trạng chạy theo lợi nhuận mà quên đi những mục đích quan trọng nhất của nhập khẩu song song khiến cho hoạt động này không đáp ứng được mục đích của nó,buộc người bệnh vẫn phải mua thuốc với giá cao.

Một số công ty thường đăng ký cùng lúc nhiều loại biệt dược chứa một hoạt chất (với nhiều tên khác nhau), nhưng thực tế chỉ nhập khẩu và kinh doanh một loại thuốc. Việc này nhằm bao vây nhóm hoạt chất đó để độc quyền sản phẩm. Trong khi đó, cơ quan quản lý không phải lúc nào cũng biết được thị trường đang thiếu loại thuốc nào, mà chỉ căn cứ vào số lượng số đăng ký của hoạt chất để quyết định cấp phép.

Theo ý kiến của một chuyên gia trong ngành “Khi một doanh nghiệp A đăng ký nhiều loại thuốc mà chứa cùng một hoạt chất, các doanh nghiệp khác khó có thể nhập được một dược phẩm khác cũng chứa hoạt chất này, vì theo quy định, Cục không cấp phép cho thuốc chứa hoạt chất đã có nhiều số đăng ký. Công ty A nghiễm nhiên trở thành độc quyền sản phẩm”

Quy định về nhà thuốc bệnh viện của Bộ Y tế ghi rõ: cơ sở điều trị công lập chỉ mua thuốc của 1 doanh nghiệp nhà nước. Có nghĩa, một số doanh nghiệp nhà nước “độc quyền” cung ứng thuốc chuyên khoa, đặc trị cho thị trường bệnh viện công lập.

Nhưng thực tế thì doanh nghiệp nhà nước thường chú trọng vào sản xuất, không đủ nguồn thuốc chuyên khoa và phải thu gom lại của các công ty tư nhân. Điều này lý giải vì sao thuốc trong bệnh viện đắt hơn thuốc ngoài thị trường, có loại giá cao gấp 3 lần giá nhập.

Thử vào mạng của Cục Quản lý dược Việt Nam có thể thấy tình hình nhập khẩu tiếp tục còn rất nhiều vấn đề: cho nhập cả thuốc giảm đau, vitamin… mà thị trường sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ.

Một cán bộ ở Cục Quản lý dược cho rằng nhập khẩu song song là con dao hai lưỡi – đặc biệt với mặt hàng thuốc lại càng nguy hiểm, nếu các doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận thì dễ dẫn đến nhập thuốc kém chất lượng

Nhập khẩu song song không sai luật nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro ví dụ như khi nhà phân phối độc quyền dùng biện pháp hạ giá vài đợt thuốc nhập khẩu thì các doanh nghiệp khác nhập thuốc theo con đường nhập khẩu song song sẽ có nguy cơ lỗ nặng. Như vậy, phải thấy rằng chuyện làm giá, đẩy giá lên quá cao thì chưa hẳn một mình Zuellig Pharma Việt Nam làm được mà có cả bàn tay từ công ty sản xuất dược nước ngoài và Zuellig tại Singapore (ZPV).

Việc cấp phép cho nhậpkhẩu song song cũng còn nhiều bất cập,do tình trạng móc nối, cơ chế xin – cho, nhũng nhiễu, cửa quyền trong việc cấp giấy phép nhập khẩu song song, mà trách nhiệm chính thuộc về cục quản lý dược đang gây những khó khăn không những cho đơn vị nhập khẩu mà còn đối với người dân trong việc tiếp cận với nguồn thuốc.

Nhập khẩu song song cũng gặp phải những khó khăn rất lớn từ nguồn cung, khi một số tập đoàn lớn như ZPV nắm độc quyền phân phối tại thị trường Châu Á và sẽ gây khó dễ cho việc nhập khẩu song song như khẩu ủy thác, khuyến mãi, làm giá, nâng giá, thậm chí phá giá khi biết có hàng nhập khẩu song song về.

Một kẽ hở lớn trong qui định hiện nay là do không bắt buộc in dán giá bán lẻ lên vỏ hộp nên hàng có số đăng ký, chưa số đăng ký, nhập khẩu song song… muốn bán giá nào tùy thích.

Vấn đề chất lượng thuốc cũng là một vấn đề cần được xem xét, Theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới, chất lượng thuốc nhập khẩu song song có rất nhiều nguy cơ. Đối với mặt hàng thuốc chính thức được cấp số đăng ký tại Việt Nam thì khi chất lượng thuốc kém, cơ quan đại diện của thuốc này sẽ chịu trách nhiệm. Còn với thuốc nhập khẩu song song, cơ quan quản lý không có quan hệ pháp lý với nhà sản xuất mà doanh nghiệp nhập khẩu phải cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng. Thuốc nhập về chỉ căn cứ trên phiếu kiểm nghiệm của nước sở tại mà không kiểm nghiệm lại ở Việt Nam, trừ khi nghi ngờ. Cách làm này sẽ tạo điều kiện cho thuốc nhái, thuốc kém chất lượng vào Việt Nam qua đường nhập khẩu song song.