Tiêm chủng ngừa covid có phải bắt buộc?

0
603

Dịch Covid 19 với các loại biến thể hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp. Biện pháp tối ưu của mỗi quốc gia nhằm đương đầu với đại dịch là tổ chức tiêm chủng để tạo hệ miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên gần đây, không ít những bình luận chỉ trích chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra tại Việt Nam. Giải đáp cho vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty luật SB Law đã trả lời phỏng vấn Đài truyền hình VTV về những luận điệu liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin hiện nay. SB Law trân trọng gửi tới bạn đọc toàn văn bài phỏng vấn như sau

Tiêm vắc xin có được liệt vào hoạt động khám chữa bệnh được áp dụng trong Điều 12 Luật Khám chữa bệnh hay không?

Trả lời:

Đầu tiên chúng ta phải hiểu khái niệm của hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được đề cập trong Luật Khám bệnh, chữa bệnhnăm 2009. Căn cứ vào Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009, ta có:

“1. Khám bệnh là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, khi cần thiết thì chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận.

  1. Chữa bệnh là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh.”

Qua đó, chúng ta phải hiểu rõ khái niệm của vắc xin được đề cập trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Căn cứ vào Khoản 10 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, ta có:

“10. Vắc xin là chế phẩm chứa kháng nguyên tạo cho cơ thể khả năng đáp ứng miễn dịch, được dùng với mục đích phòng bệnh.”

Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng theo pháp luật hiện hành “Tiêm vắc xin” là một hoạt động phòng bệnh không phải là một hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, nên nó sẽ không áp dụng Điều 12 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009về quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

COVID-19 được liệt vào danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Như vậy, COVID-19 thuộc vào nhóm ngoại lệ không thể từ chối tiêm?

Trả lời:

Có thể thấy rằng COVID-19 là bệnh có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và có tỷ lệ tử vong cao, do đó, bệnh này đã được phân loại vào nhóm A theo Điểm a Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007. Điều 29 Luật này cũng quy định rõ đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịchthìbắt buộc phải sử dụng vắc xinđối với các bệnh đã có vắc xin.

Tuy nhiên, trong danh mục các bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc tại Thông tư 38/2017/TT-BYT thì hiện chưa được bổ sung vắc xin Covid-19. Nên hiện tại, chưa có cơ sở xử phạt cũng như thực tế các cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện khuyến khích người dân đi tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe.

Như vậy, đối với vắc-xin Covid-19, chỉ khi nào cơ quan có thẩm quyền ra các quy định yêu cầu bắt buộc người đủ điều kiện tiêm chủng (sức khỏe, độ tuổi, …) mà người đó từ chối, không chịu tiêm chủng thì mới bị xử phạt theo quy định.

Kết luận về việc: trong hoạt động tiêm chủng tại Việt Nam, khi có xảy ra trường hợp người dân từ chối tiêm vắc xin, thì luật gì sẽ được áp dụng? Trường hợp nào thì bác sĩ và nhân viên y tế được phép bắt buộc tiêm với bệnh nhân?

Trả lời:

Căn cứ theo khoản 1 Điều 27 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, Vắc xin được sử dụng theo hình thức tự nguyện hoặc bắt buộc.

Theo Điều 29 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007, những trường hợp phải tiêm vắc xin bắt buộc bao gồm:

– Người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.

– Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, hiện nay là tại Thông tư 38/2017/TT-BYT.

Nếu đã có các quy định yêu cầu bắt buộc tiêm vắc xin mà đối tượng bắt buộc phải tiêm từ chối, không chịu tiêm thì sẽ bị xử phạt theo quy định.Cụ thể, điểm a khoản 2 điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng hoặc cản trở việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh trong trường hợp có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch hoặc đến vùng có dịch theo yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Luật sư có ý kiến như thế nào về trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin của Việt Nam?

Trả lời:

Đúng như khẩu hiệu của Đảng và Nhà nước ta đề ra “Tiêm vắc xin là quyền lợi với cá nhân, là trách nhiệm với xã hội.”Tiêm vắc xin không chỉ tạo cơ hội cho người dân giảm thiểu khả năng bị nhiễm các loại biến thể Covid-19, quay về cuộc sống “bình thường” mà còn là ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Bởi vậy, mỗi người dân cần ý thức rõ tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc xin là quyền lợi đồng thời là trách nhiệm cần thực hiện.

– Chuẩn bị tâm lý thoải mái, luôn tích cực phối hợp với cơ quan y tế khi tham gia chương trình tiêm chủng;

– Chuẩn bị tờ cần thiết trước khi tiêm; theo dõi tình trạng trong quá trình tiêm; thông báo cho cơ quan y tế ngay khi có dấu hiệu bất thường theo hướng dẫn đã có của Bộ Y tế;

– Đảm bảo 5K, giãn cách xuyên suốt và sau quá trình tiêm.

Ngoài ra, khi nhận thấy tin tức không chính xác, bóp méo, xuyên tạc liên quan đến chương trình tiêm chủng, người dân cần kiểm chứng lại với các nguồn tin chính thống (ví dụ: Ncov, Thời sự, …) và báo với cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn sự phát tát thông tin sai sự thật.