Trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu?

0
341

Trong bài viết Trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu? của tác giả Vân Hằng – Việt Tâm trên tờ Kinh tế-đô thị có trích dẫn của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW về vấn đề xử lý vi phạm đối với gói 30.000 tỷ trong kinh doanh bất động sản.

SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài viết:

Bằng “chiêu lách luật tinh vi”, chủ đầu tư dự án (DA) BĐS đã chia số tiền phải trả để mua căn hộ ra thành 2 hợp đồng, “qua mặt” ngân hàng để trục lợi chính sách.
Khu nhà ở xã hội Đặng Xá II, Gia Lâm.  	Ảnh: Quỳnh Linh

Khu nhà ở xã hội Đặng Xá II, Gia Lâm. Ảnh: Quỳnh Linh

Cụ thể, căn hộ 61m2 giá khoảng 1,2 tỷ đồng được chủ đầu tư phân thành 2 hợp đồng. Một hợp đồng mua nhà ký trực tiếp với chủ đầu tư có giá 590 triệu đồng, một hợp đồng ký với sàn giao dịch có giá 610 triệu đồng. Bằng cách này, chủ đầu tư đã hợp pháp hóa được các điều kiện để khách hàng vay gói 30.000 tỷ đồng, tăng thanh khoản cho DA. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nhiều chuyên gia dù không tỏ ra bất ngờ, nhưng đều chung quan điểm là “không thể chấp nhận được hành vi gian dối này”. Thậm chí, một luật sư còn cho rằng, có thể xem xét xử lý hình sự đối với các bên liên quan trong hành vi này. Bởi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng là một trong những chính sách nhằm “kích cầu” thị trường của Chính phủ, không thể để xảy ra tình trạng tổ chức, cá nhân trục lợi. Điều đáng ngạc nhiên là, thực tế “mánh khóe” được chủ đầu tư DA áp dụng nhằm trục lợi… đơn giản đến nỗi “ai cũng biết”, nhưng không hiểu vì lý do gì đã dễ dàng “qua mặt” cả ngân hàng cũng như các cơ quan quản lý? Một lần nữa, câu hỏi về “trách nhiệm” lại được đặt ra!

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLAW:
Cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng với mục đích là tạo thuận lợi cho đối tượng người thu nhập thấp có khả năng mua được nhà ở, đây là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ và cũng giúp thúc đẩy sự phát triển của thị trường BĐS, đặc biệt là nhà ở xã hội. Tuy nhiên, việc một số chủ đầu tư lợi dụng chính sách này, tìm các cách để “lách” luật, nhằm việc trục lợi sẽ gây ra một số hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn tới xã hội. Thứ nhất, bằng cách lách này, người thực sự có nhu cầu mua nhà ở xã hội lại càng khó tiếp cận hơn và vì vậy mục đích của gói hỗ trợ không đạt được. Thứ hai, việc trục lợi từ gói hỗ trợ này sẽ làm méo mó thị trường BĐS và đôi khi, chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho giới đầu cơ. Thứ ba, việc này sẽ gây mất niềm tin của người mua nhà vào các chính sách đúng đắn của Chính phủ và sẽ cản trở việc hồi phục của thị trường BĐS.
Đứng trước hiện tượng này, theo quan điểm của tôi, các cơ quan chức năng, đặc biệt là thanh tra ngành xây dựng cần tiến hành thanh tra, giám sát việc thực hiện gói 30.000 tỷ đồng, nếu phát hiện sai phạm, cần tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hiện nay, hành lang pháp lý cho việc xử lý đã có, cụ thể là Thông tư số 07/2013/TT-BXD 3 của Bộ Xây dựng có quy định: Các tổ chức, cá nhân có hành vi gian dối về đối tượng, điều kiện được vay hỗ trợ nhà ở để thuê, thuê mua, mua nhà ở theo quy định trong Thông tư này thì ngoài việc bị xử phạt theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý và phát triển nhà ở, còn bị buộc phải trả lại số tiền đã vay, chấm dứt hợp đồng vay đã ký với các tổ chức tín dụng. Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định liên quan đến xác nhận đối tượng đủ điều kiện được vay để hỗ trợ nhà ở theo quy định trong Thông tư này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Người có hành vi vi phạm nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của chủ đầu tư, của ngân hàng và đặc biệt là người mua nhà để tránh được hành vi trục lợi.
TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam:
Trách nhiệm cuối cùng thuộc về ngân hàng

Hiện tại, quy trình tiếp cận gói ưu đãi này chủ yếu dựa vào 3 đối tượng chính: Chủ đầu tư, người mua nhà và ngân hàng. Cho nên, rất có thể các nhóm đối tượng này bắt tay với nhau để trục lợi. Nhưng theo tôi, trách nhiệm cuối cùng thuộc về ngân hàng. Bởi lẽ, trong quy trình trên, ngân hàng là khâu then chốt để quyết định có cho vay hay không. Thực tế, nhiều ngân hàng đang tham gia vào gói vay 30.000 tỷ đồng chỉ thích cho người mua nhà ở thương mại vay tiền bởi khả năng trả nợ cao hơn khách mua nhà ở xã hội. Từ đó dẫn đến tình trạng tiếp nhận hồ sơ chiếu lệ, thẩm định qua loa để cho các DA nhà thương mại được hưởng gói vay thay vì đối tượng thu nhập thấp cần mua nhà ở.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thấy các ngân hàng có động thái xử lý và thu hồi các khoản vay không hợp lệ lại từ các chủ đầu tư. Cần phải hành động nhanh hơn để đảm bảo tối đa quyền lợi của đối tượng người thu nhập thấp và định hướng đúng đắn của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mà Chính phủ đề ra từ lúc đầu.
Ông Nguyễn Văn Đực – Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh:
Nên buộc chuyển sang gói vay thương mại

Tình trạng chủ đầu tư trục lợi từ gói 30.000 tỷ đồng diễn ra khá phổ biến, nhất là sau khi Bộ Xây dựng nới lỏng điều kiện cho vay. Nhiều DN đã tìm cách hạ giá bán căn hộ để người mua đủ điều kiện vay, có thể là ký hợp đồng mua bán phần thô hoặc trực tiếp giảm giá bán căn hộ, phần chênh lệch so với giá thị trường sẽ được thanh toán ngoài hợp đồng. Việc này đều có lợi cho hai phía: DN bán được hàng, người mua được vay với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, rất khó để ngăn chặn tình trạng này khi mà cả DN và người mua nhà cùng thỏa thuận bắt tay thực hiện. Thực tế hiện nay cũng chỉ có thể phát hiện khi nghi ngờ những DA cao cấp có dấu hiệu bán giá trung bình… Do đó, nếu xác định DN có trục lợi từ gói hỗ trợ thì ngoài các biện pháp xử lý theo quy định của Nhà nước, theo tôi, nên buộc chuyển những trường hợp vay ưu đãi từ gói 30.000 tỷ đồng sang vay thương mại, phần chênh lệch giữa lãi suất vay ưu đãi và vay thương mại sẽ do DN gánh chịu.
Luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty Luật Basico:
Có thể xem xét trách nhiệm hình sự

Quan điểm của ông về tình trạng trục lợi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng? Việc trục lợi này có lợi cho ai? Chủ đầu tư được lợi gì từ việc này?
– Đây là việc làm vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm nhằm tạo điều kiện để khách hàng được vay vốn ưu đãi. Khách hàng vay vốn để mua nhà có phần được hưởng lợi, vì được vay vốn với lãi suất thấp. Nhưng sai phạm của DN chủ yếu nhằm hướng tới việc dễ dàng bán được hàng, thu lợi (nếu khách hàng không vay được lãi suất thấp thì có thể không mua nhà). Đồng thời, qua đó, DN còn gián tiếp được hưởng lợi về giá bán, vì có thể bán giá cao hơn so với thông thường.
Có giải pháp nào để ngăn chặn một cách hiệu quả tình trạng trục lợi này?
– Cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm khắc gian lận này. Việc phát hiện không khó, vì giá bán nhà không thể quá khác biệt trên thị trường và phải bao gồm tất cả các chi phí để có thể được nhận căn hộ. Phí môi giới, tư vấn nếu có thì chỉ rất thấp, chứ không thể nào chiếm đến mấy chục phần trăm giá trị căn nhà. Vì vậy, các cơ quan chức năng và ngân hàng thương mại tham gia vào gói cho vay 30.000 tỷ đồng không thể không có trách nhiệm.
Nếu xác định là có trục lợi từ gói tín dụng này thì sẽ bị xử lý như thế nào?
– Nếu là DN được vay vốn, thì sẽ không được hưởng lãi suất ưu đãi, phải tính theo lãi suất thương mại và trả lại vốn vay cho ngân hàng, vì là gian lận hồ sơ, điều kiện vay vốn. Trường hợp người mua nhà được vay vốn, thì cần xem xét lại, nếu có đủ điều kiện thì tiếp tục được vay từ gói này, còn nếu không đủ điều kiện thì phải chuyển sang vay vốn thương mại. Ngoài ra, nếu mức độ gây thiệt hại lớn cho ngân sách, thì có thể xem xét trách nhiệm hình sự của các cá nhân liên quan về hành vi trốn thuế hay vi phạm quy định về cho vay hoặc cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguồn: http://www.ktdt.vn/kinh-te/thi-truong-tai-chinh/2015/07/8102D811/trach-nhiem-cua-cac-co-quan-quan-ly-o-dau/