Luật sư Nguyễn Thị Thu – Giám đốc Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về vụ khởi tố Tổng giám đốc Công ty Việt Á trên báo An ninh Thủ đô. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Mới đây Tổng Giám đốc Công ty Việt Á cùng Giám đốc CDC Hải Dương bị khởi tố vì “bắt tay” nâng khống giá Kit xét nghiệm COVID-19, hưởng lợi hàng chục tỉ đồng.
Ngoài ra, CQĐT cũng đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và những người thuộc Công ty Việt Á trị giá trên 320 tỉ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến… Liên quan đến vụ việc này nhiều người đăt câu hỏi tài khoản cá nhân bị phong tỏa khi nào?
Pháp luật hiện quy định rất chặt chẽ về các trường hợp tài khoản ngân hàng bị phong tỏa. Trong đó, việc phong tỏa tài khoản theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật chuyên ngành – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Theo Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-NHNN và Thông tư 02/2019/TT-NHNN, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô,…) thực hiện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng trong các trường hợp:
Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền; Có thông báo bằng văn bản của một trong các chủ tài khoản về việc phát sinh tranh chấp về tài khoản thanh toán chung giữa các chủ tài khoản thanh toán chung;
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện thấy có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền…
Cũng theo Luật sư Thu, trong hoạt động tố tụng hình sự, để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp yêu cầu phong tỏa tài khoản.
Trình tự, thủ tục yêu cầu phong tỏa tài khoản được thực hiện theo quy định tại Điều 129 Bộ luật TTHS 2015. Theo đó, phong tỏa tài khoản chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà BLHS 2015 quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước.
Phong tỏa tài khoản cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.
Điều luật cũng nêu rõ, chỉ phong tỏa số tiền trong tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại. Người được giao thực hiện lệnh phong tỏa, quản lý tài khoản bị phong tỏa mà giải tỏa việc phong tỏa tài khoản thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS.
Ngay sau khi nhận được lệnh phong tỏa tài khoản, tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc Nhà nước đang quản lý tài khoản của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc tài khoản của người khác có liên quan đến hành vi phạm tội của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải thực hiện ngay việc phong tỏa tài khoản và lập biên bản về việc phong tỏa tài khoản.
“Biện pháp phong tỏa tài khoản đang áp dụng phải được hủy bỏ khi thuộc một trong các trường hợp: Đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án; Đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can; Bị cáo được Tòa án tuyên không có tội; Bị cáo không bị phạt tiền, tịch thu tài sản và bồi thường thiệt hại” – Luật sư Thu nhấn mạnh.
Nguồn: https://anninhthudo.vn/tu-vu-khoi-to-tong-giam-doc-cong-ty-viet-a-tai-khoan-ca-nhan-bi-phong-toa-khi-nao-post490334.antd