Vấn đề sở hữu trí tuệ trong đàm phán TPP

0
493

Trong chuyên đề Việt Nam và Thế Giới, kênh VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam, phát sóng vào 9h ngày 13 tháng 04 năm 2014, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch S&B Law đã có những trao đổi về vấn đề sở hữu trí tuệ trong vòng đàm phán TPP.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này:

Biên tập viên (BTV): Xin ông cho biết về tình hình thực hiện cam kết về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ WTO của Việt Nam cho đến nay, những thành tựu đã đạt được cũng như những khó khăn còn tồn tại?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện tại, các cam kết trong WTO về sở hữu trí tuệ được quy định trong Hiệp định TRIPS (AGREEMENT ON TRADE – RELATED ASPECTS OF IPR).

Theo hiệp định này, các cam kết của Việt Nam cam kết bảo hộ và thực thi việc bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ. Đối với các cam kết về bảo hộ cho các đối tượng sở hữu trí tuệ, Việt Nam cam kết bảo hộ và duy trì việc bảo hộ đối với các đối tượng như bản quyền và quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp, thông tin bí mật, khống chế các hoạt động chống cạnh tranh trong hợp đồng li xăng.

Đối với các cam kết về thực thi việc bảo hộ, Việt Nam cam kết đảm bảo các biện pháp thực thi quyền, các biện pháp và chế tài dân sự và hành chính, các biện pháp tạm thời, biện pháp kiểm soát biên giới, thủ tục hình sự

Khi xem xét các cam kết trên, có thể nói hiện tại Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết của mình.

Với việc ban hành Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dưới luật để hướng dẫn thi hành luật này đối với các đối tượng quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, hệ thống các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã tương đồng và phù hợp với các cam kết WTO theo hiệp định TRIPS mà Việt Nam đã tham gia cũng như các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên như công ước Berne về bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, Công ước Paris về quyền sở hữu công nghiệp và công ước UPOV về bảo hộ giống cây trồng.

Đối với việc thực thi bảo hộ các đối tượng, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về thủ tục hành chính trong việc xử lý vi phạm, các thủ tục dân sự và hình sự theo Bộ luật tố tụng dân sự và Bộ luật tố tụng hình sự, Việt Nam cũng đã có những biện pháp để thúc đẩy việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ như chính phủ đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác thực thi quyền sở hữu công nghiệp số 845/CT-Ttg ngày 02/06/2011, Bộ khoa học và công nghệ cũng đã ban hành 18/2004/CT-BKHCN ngày 14/7/2004 về tăng cường công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước và hàng hóa xuất nhập khẩu để đảm bảo tăng cường hoạt động thực thi trên thực tế.

Với các chỉ thị đã ban hành thì hoạt động thực thi đã được nâng cao rõ rệt, nếu như trong năm 2008, co quan quản lý thị trường các cấp chỉ xử lý 2697 vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì đến năm 2012, tổng số vụ việc mà cơ quan này xử lý đã lên đến hơn 9556 vụ việc.[1]

Biên tập viên: Chúng ta còn gặp những khó khăn gì và phải cải thiện những điều gì trong thời gian tới?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:Hiện tại, một trong những khó khăn mà chúng ta đang gặp phải trong quá trình thực hiện TRIPS theo tôi chính là việc thực thi bảo hộ quyền trên thực tế.

Một trong những nguyên tắc trong việc thực thi quyền chính là phải có đơn yêu cầu của chủ sở hữu quyền thì các cơ quan chức năng mới có cơ sở để thực hiện việc áp dụng các biện pháp hành chính.

Mặc dù pháp luật có quy định những lĩnh vực mà cơ quan chức năng có thẩm quyền có thể chủ động áp dụng các biện pháp hình sự và hành chính trong quá trình hoạt động (trong trường hợp hàng hóa liên quan đến các lĩnh vực quan trọng như dược phẩm, thực phẩm chức năng, các sản phẩm nông nghiệp, lương thực thực phẩm, phương tiện giao thông, vật liệu xây dựng). Tuy nhiên, việc chủ động xử lý của các cơ quan chức năng cũng có nhiều hạn chế do khó khăn trong việc xác định chủ thể quyền của các đối tượng bị xâm phạm.

Một trong những khó khăn nữa cần phải nhắc đến chính là việc tuân thủ các thời hạn do pháp luật đặt ra trong việc thẩm định bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp.

Việc tuân thủ các thời hạn này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo hộ của chủ sở hữu quyền, giúp tiết kiệm thời gian và kinh phí cho việc đăng ký bảo hộ, cũng như đẩy nhanh việc hiện thực hóa các kế hoạch kinh doanh của các chủ thể quyền trên thực tế.

BTV: Thưa ông, theo một số chuyên gia, các điều khoản về SHTT trong TPP  hay còn được gọi là  TRIPS+ là luật chơi mà các “đại gia về sáng chế” như Mỹ đặt ra. Vậy các nước phát triển như Mỹ và Úc sẽ có lợi gì với TRIPS+?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Để có thể đánh giá vấn đề này, cần phải biết được các điều khoản về SHTT trong TPP do Mỹ đề xuất như thế nào.

Hiện nay, tài liệu rõ ràng nhất về vấn đề sở hữu trí tuệ trong TPP do Mỹ đề xuất được trang web wikileaks tiết lộ tháng 11 năm 2013 là tài liệu thể hiện rõ ràng nhất quan điểm của Mỹ về vấn đề sở hữu trí tuệ trong TPP. Tài liệu này bao gồm 95 trang bằng tiếng Anh bao gồm 9 chương được đánh thứ tự theo vần chữ cái từ A đến I trong đó có chương về Các quy định chung (Section A), Về sự hợp tác (Section B), Nhãn hiệu  (Section C), Chỉ dẫn địa lý (Section D), Sáng chế và Các đối tượng có thể bảo hộ sáng chế (Section E), Kiểu dáng công nghiệp (Section F), Quyền tác giả và quyền liên quan  (Section G), Vấn đề thực thi (Section H), Tổ chức cung cấp dịch vụ Internet (Section I).

Trong số các vấn đề đề xuất có một số vấn đề đáng chú ý bao gồm việc mở rộng phạm vi đối tượng được bảo hộ sáng chế bao gồm cả các phương pháp sử dụng, các tính năng mới, kéo dài thời hạn bảo hộ sáng chế và hạ thấp các điều kiện bảo hộ về sáng chế; bảo hộ chỉ dẫn địa lý dưới dạng nhãn hiệu; kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan; độc quyền dữ liệu

Với những đề xuất của Mỹ nêu ra như được nêu ở trên rõ ràng các quốc gia mạnh về sở hữu trí tuệ (đặc biệt là về sáng chế, giải pháp hữu ích) sẽ có ưu thế lớn đặc biệt là trong lĩnh vực dược phẩm. Mỹ vốn nổi tiếng là quốc gia có điều kiện bảo hộ sáng chế khá là dễ dàng nên số lượng các sáng chế ở quốc gia này rất lớn.

Việc mở rộng thời hạn bảo hộ (theo giải thích của Mỹ là để bù vào khoảng thời gian hành chính để được bảo hộ sáng chế tại các quốc gia) sẽ khiến cho các công ty giữ công nghệ nguồn có lợi thế độc quyền với thời hạn bảo hộ được tăng lên.

Việc độc quyền dữ liệu (là quy định về khoảng thời gian mà một chủ sở hữu sáng chế được giữ bí mật các dữ liệu thử nghiệm đã được sử dụng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả của một loại thuốc mà không phải chia sẻ cho các nhà sản xuất thuốc giá rẻ, đại trà (thuốc generic – thuốc đã hết thời hạn bảo hộ sáng chế) để được phép lưu hành các loại thuốc tương đương về mặt hóa học) về cơ bản tạo ra một đối tượng bảo hộ mới, hạn chế việc tiếp cận các loại thuốc mới có giá rẻ của các quốc gia đang phát triển.

Việc liên kết sáng chế yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành của các quốc gia thành viên phải kiểm tra xem liệu một loại thuốc mới được đăng ký có vi phạm những sáng chế đã bảo hộ hay không? Quy định này nếu được áp dụng sẽ khiến cho việc đăng ký thuốc ở các quốc gia đang phát triển sẽ khó khăn hơn, khiến cho việc sản xuất các loại thuộc có nhu cầu lớn trong cộng đồng cũng sẽ khó khăn.

BTV: Xin ông nêu ra một số điểm đề xuất về sở hữu trí tuệ của Mỹ trong đàm phán TPP mà Việt Nam coi là bất lợi.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:Như trên đã trình bày, các điểm đề xuất trong TPP của Mỹ như sau:

– Mở rộng đối tượng bảo hộ sáng chế bao gồm cả phương pháp chữa bệnh, các cách thức sử dụng mới cũng như các tính năng mới, các loại giống cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp.

– Bảo hộ độc quyền dữ liệu cho phép các chủ sở hữu sáng chế được giữ bí mật các dữ liệu thử nghiệm đã được sử dụng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả của một loại thuốc mà không phải chia sẽ cho các nhà sản xuất thuốc giá rẻ, đại trà (thuốc generic).

– Bảo hộ chỉ dẫn địa lý như một nhãn hiệu.

– Mở rộng thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan. Tùy theo cách tính mà đề xuất của Mỹ kéo dài thời hạn bảo hộ lên 15-20 năm so với thời hạn bảo hộ hiện tại.

– Mở rộng đối tượng bảo hộ quyền tác giả bao gồm cả tín hiệu vệ tinh, các công nghệ bảo vệ tác phẩm.

– Coi vấn đề sở hữu trí tuệ là một hình thức đầu tư trong chương đầu tư.

Phần lớn các nội dung đề xuất nêu trên được coi là bất lợi không chỉ cho Việt Nam mà còn cả các quốc gia đang phát triển khác tham gia đàm phán TPP.

Khi xem xét vấn đề có hay không có lợi này, để đánh giá công bằng cần phải xét trên quan điểm của từng quốc gia. Mỹ, với tư cách là một quốc gia dẫn đầu trên thế giới, nắm giữ số lượng lớn các loại sáng chế quan trọng trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, dược phẩm, nông nghiệp thì rõ ràng các đề xuất nêu trên là hoàn toàn hợp lý, đảm bảo quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân Mỹ, đem lại một lợi thế cạnh tranh rõ rệt cho các tổ chức cá nhân của Mỹ. Nhưng cũng chính điều này lại gây ra khó khăn, bất lợi cho các cá nhân, tổ chức từ các quốc gia đang phát triển và đặc biệt là các lợi ích công cộng trong các lĩnh vực an ninh lương thực, quyền được khám chữa bệnh.

BTV: Các điều khoản TPP về sở hữu trí tuệ ngăn cản các nước đang phát triển quyền tiếp cận đối với công nghệ tiên tiến, ý kiến của ông về vấn đề này?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Để trả lời câu hỏi này, cần phải xác định rõ thế nào là “quyền tiếp cận đối với công nghệ tiên tiến”. Rõ ràng, để tiếp cận công nghệ tiên tiến, các quốc gia hoặc là tự mình đầu tư tài chính và trí lực để phát triển công nghệ hoặc  một cách khác là nhận chuyển giao công nghệ từ các quốc gia có công nghệ nguồn.

Nếu như các quốc gia tự bỏ chi phí tài chính và trí lực để nghiên cứu công nghệ đấy sẽ là con đường đầy khó khăn và thử thách, với chi phí bỏ ra rất lớn. Nhưng nếu thực hiện theo cách nhận chuyển giao công nghệ, thì đấy sẽ là con đường dễ dàng hơn nhưng cũng cần phải đầu tư chi phí để nhận chuyển giao công nghệ.

Một cách khác để có thể tiếp cận công nghệ chính là việc áp dụng các sáng chế đã hết hiệu lực bảo hộ, đây cũng là cách mà Việt Nam đang áp dụng trong chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ.

Như vậy, với các cách tiếp cận đối với công nghệ tiên tiến nêu trên, rõ ràng TPP không hẳn đã “ngăn cản quyền” của các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, nó khiến cho việc tiếp cận công nghệ tiên tiến trở nên khó khăn hơn (phát sinh thêm chi phí, thời hạn tiếp cận lâu hơn).

 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời về vấn đề sở hữu trí tuệ trong đàm phán TPP
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời về vấn đề sở hữu trí tuệ trong đàm phán TPP
BTV: Thưa ông, hiện tại, Việt Nam đang chật vật trong vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ theo tiêu chuẩn của WTO, TRIPS. Tương quan với TRIPS, những yêu cầu SHTT trong TPP từ Mỹ tỏ ra khắc nghiệt hơn nhiều. Theo ông Việt Nam sẽ gặp những nguy cơ (khó khăn) gì trước những yêu cầu SHTT trong TPP từ Mỹ? Và những lĩnh vực nào sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện nay, theo tôi Việt Nam đang thực hiện rất tốt việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo tiêu chuẩn của WTO, tôi đánh giá riêng về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các quy định của pháp luật Việt Nam có sự tương đồng lớn với quy định của quốc tế và của phần lớn các quốc gia trên thế giới và tạo điều kiện rất lớn để các cơ quan, tổ chức và cá nhân được bảo hộ các tài sản trí tuệ của mình.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã và đang rất nỗ lực để thực hiện các cam kết WTO nói chung cũng như cam kết về SHTT nói riêng và đã đạt được những kết quả nhất định. Ý thức của người dân về SHTT cũng ngày càng được nâng cao. Vai trò của SHTT đã được các doanh nghiệp nhìn nhận một cách đúng đắn hơn và đã đưa lại nhiều lợi ích to lớn cho bản thân các doanh nghiệp.

Nếu như các đề xuất của Mỹ được các nước khác chấp nhận (thực tế là các quốc gia đang phát triển đều đã có những ý kiến bác bỏ các đề xuất này) rõ ràng lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất sẽ là dược phẩm, khám chữa bệnh và lĩnh vực nông nghiệp (giống cây trồng, vật nuôi).

Việc thực hiện các quy định của TPP theo đề xuất của Mỹ sẽ khiến cho Việt Nam có các khó khăn sau đây:

– Đối với các cơ quan chức năng: Việc phải thực hiện liên kết sáng chế sẽ tạo ra áp lực nặng nề trong quá trình xem xét cấp phép lưu hành dược phẩm. Điều này khiến cho chi phí quản lý hành chính sẽ tăng thêm và các yêu cầu, tiêu chuẩn về trình độ nghiệp vụ của cán bộ thực thi cũng sẽ tăng lên (lúc này không chỉ là về mặt quản lý dược phẩm nữa mà còn cả về việc đánh giá sáng chế có liên quan).

– Đối với các doanh nghiệp: Khả năng tiếp cận, nghiên cứu và sản xuất dược phẩm đối với các dược phẩm generic cũng sẽ bị hạn chế bởi việc độc quyền dữ liệu và liên kết sáng chế làm tăng chi phí và thời gian nghiên cứu.

– Đối với cộng đồng: Việc tiếp cận các phương pháp chữa bệnh mới, các cách thức sử dụng và tính năng công dụng mới sẽ bị hạn chể khi các đối tượng sáng chế mới được bảo hộ. Điều mà hiện nay luật sở hữu trí tuệ Việt Nam không chấp nhận bảo hộ các đối tượng này. Việc gia tăng thời hạn bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan cũng sẽ khiến cho người tiêu dùng tốn thêm một chi phí đáng kể trong khoảng thời gian bảo hộ được tăng thêm này.

BTV: Theo ông với những quy định khắc nghiệt hơn thì Việt Nam có lợi gì không (khuyến khích sáng chế trong nước chẳng hạn)? 

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Cần phải khẳng định rằng dù gia nhập hay không gia nhập TPP thì Việt Nam cũng cần phải xác định việc phát triển SHTT là một trong những con đường đúng đắn để nâng cao giá trị của nền kinh tế. Một đất nước đi gia công và xuất khẩu thô sẽ không thể là một đất nước có sự phát triển thần kỳ được.

Một trong những điểm chung của các quốc gia phát triển trên thế giới hiện nay là các quốc gia này đã có nhìn nhận rất đúng đắn về vai trò của SHTT trong nền kinh tế và dành sự quan tâm thích đáng cho việc bảo hộ và thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ này.

Việt Nam sẽ không thể và không bao giờ trở thành một nền kinh tế phát triển nếu như không đi theo con đường mà các quốc gia này đã và đang đi, đấy là coi trọng nghiên cứu và phát triển công nghệ, nhưng nếu chỉ nghiên cứu và phát triển công nghệ mà không đảm bảo bảo hộ được thành quả nghiên cứu thì sẽ không thể tạo thành động lực để thúc đẩy việc nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Khi xem xét vấn đề này, câu hỏi được đặt ra cũng tương tự như trước khi chúng ta gia nhập WTO, vào thời điểm đấy cũng đã có nhiều câu hỏi được đặt ra liệu chúng ta có bị thiệt hay không khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp của chúng ta có bị lép vế trên sân nhà hay không. Tuy nhiên, sau một thời gian gia nhập WTO, chúng ta đã có đủ thời gian để trả lời các câu hỏi được đặt ra. Tiếc rằng việc nền kinh tế thế giới gặp khủng hoảng đã khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập, nhưng rõ ràng, chúng ta đã đứng vững và hiện đang có những bước phát triển vững chắc trong WTO. Các điểm yếu và các điểm mạnh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp đã được nhìn nhận rõ và được đánh giá một cách đầy đủ.

Như vậy, rõ ràng cơ hội để Việt Nam phát triển sáng chế nói riêng và sở hữu trí tuệ luôn luôn có dù chúng ta có gia nhập hay không gia nhập TPP. Vấn đề là chúng ta có nắm bắt được cơ hội này hay không và chúng ta phải làm như thế nào để phát triển cơ hội thành hiện thực.

BTV: Thưa ông trong trường hợp những đề xuất của phía Mỹ được chấp thuận, Việt Nam sẽ có thể phải áp dụng những đối sách nào để tránh phải đi “hầu tòa” liên tục hậu TPP?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Trong trường hợp chúng ta chấp thuận đề xuất của Mỹ (việc chấp thuận hay không chấp thuận là quyền của chúng ta và một khi chấp thuận thì TPP phải đảm bảo được nguyên tắc WIN-WIN) thì đấy sẽ là cam kết của Việt Nam đối với quốc tế và một khi đã là cam kết thì chúng ta cần phải thực hiện bằng các biện pháp rõ ràng.

Việc hoàn thiện pháp luật trong nước, kiện toàn bộ máy quản lý và nâng cao năng lực của cán bộ công chức sẽ là một yêu cầu bắt buộc mà chúng ta cần phải thực hiện.

Các doanh nghiệp cũng cần phải nhận thức rõ ràng và đầy đủ hơn về TPP để trước hết bảo vệ các quyền và lợi ích của mình. Có một điều đáng mừng là ngay cả khi đang đàm phán TPP đã tạo ra một sự quan tâm đặc biệt trong cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đã có những động thái chủ động rõ ràng hơn so với khi chúng ta gia nhập WTO. Tiếng nói của các doanh nghiệp đã là một kênh quan trọng của các cơ quan chức năng trong quá trình đàm phán TPP.

Ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng để giúp tránh các vụ việc phải hầu tòa. Khi nhắc đến vấn đề ý thức tôn trọng quyền này, các tổ chức, cá nhân có thể không biết đối tượng này thuộc quyền sở hữu của ai, nhưng phải biết chắc chắn rằng nó không thuộc quyền sở hữu của mình và một khi không thuộc quyền sở hữu của mình thì rõ ràng việc sử dụng, áp dụng các đối tượng này một cách miễn phí sẽ tạo ra các nguy cơ pháp lý rõ ràng từ việc xâm phạm quyền của chủ thể khác.

BTV: Thưa ông chúng ta sẽ cần làm gì trong thời gian tới để tuân thủ cam kết về sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ WTO- TRIPS và hướng tới những cam kết trong TPP?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện tại, tôi cho rằng một số vấn đề sau đây cần phải được thực hiện để có thể thực hiện tốt hơn nữa các cam kết WTO cũng như sắp tới là TPP:

Tiếp tục tăng cường và đẩy mạnh hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Nếu như việc bảo hộ là việc thừa nhận về mặt pháp lý của nhà nước đối với việc bảo hộ một đối tượng sở hữu trí tuệ thì việc thực thi quyền sẽ là sự thừa nhận về mặt thực tế của nhà nước.

Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc thực thi biện pháp hành chính, rút ngắn thời gian xét xử các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ hay tập trung vào việc điều tra, truy  tố, xét xử các vụ án hình sự liên quan đến sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra niềm tin cho các chủ sở hữu quyền, bảo vệ tốt các quyền của họ sẽ giúp có động lực để các tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ phục vụ hoạt động kinh doanh và qua đó đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Video: Ls.Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn:


 


[1]Nguồn: Báo cáo của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ tại “Hội thảo sở hữu trí tuệ, cạnh tranh và thực thi quyền sở hữu trí tuệ: kinh nghiệm của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia” diễn ra ngày 4-5/6/2013 tại Hà Nội