Việt Nam và cuộc chiến phòng vệ thương mại

0
502

Theo Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) mới đây cho thấy:
Trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, trong 7 tháng đầu năm nay, tần suất các
vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức
độ cao (trung bình 1 vụ/1 tháng).
Trong khi đó, số vụ việc phòng vệ thương mại do Việt Nam khởi kiện rất nhỏ trong
tương quan với các vụ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu bị kiện. Trong khi đó, các quốc
gia nhập khẩu đã tiến hành hơn 300 vụ tự vệ, gần 5.000 vụ chống bán phá giá và gần
400 vụ chống trợ cấp đối với nhiều mặt hàng của Việt Nam (thép, sợi, thủy sản…)
Truyền Hình Nhân Dân muốn thực hiện talk về vấn đề này (sẽ phát sóng tối chủ nhật
ngày 18/8) với chủ đề: Việt Nam và cuộc chiến phòng vệ thương mại

1. Theo ông, phòng vệ thương mại với mật độ dày như những tháng đầu năm 2019 vừa
qua cho thấy điều gì?
Trả lời:
Việt Nam trong khi năng lực tài chính và khả năng ứng phó của một số ngành hàng,
doanh nghiệp trong nước còn yếu lại liên tiếp phải đối phó với sự bùng nổ các vụ kiện
phòng về thương mại. Xu hướng các vụ kiện phòng vệ thương mại trên thế giới đối với
hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào kiện chùm, kiện chống lẩn
tránh thuế, kiện domino, kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp).
Sản phẩm bị khởi kiện ngày càng đa dạng, trước đây chỉ mặt hàng có kim ngạch lớn
như thủy sản, da giầy, nhưng nay, ngay cả những mặt hàng có kim ngạch chỉ vài chục
triệu đô-la Mỹ (như lò xo, giường ngủ…) cũng phải đối mặt với các vụ kiện.
Lý do khiến các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với Việt Nam tiếp tục gia tăng trong
thời gian tới là phần lớn các đối tác thương mại vẫn xem Việt Nam là nền kinh tế phi
thị trường (NME). Điều này thường dẫn đến kết quả là biên độ phá giá cao hơn, các
bên tham gia vào quá trình điều tra phải bỏ thêm nhiều công sức và chi phí.
Nhiều nước cũng đã lạm dụng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng hóa
trong nước. Gần đây, một số nước đặc biệt là các nước phát triển đang cố gắng tạo ra
những rào cản đối với thương mại quốc tế. Đó là các biện pháp gắn với môi trường và
tiêu chuẩn lao động để hạn chế nhập khẩu. Nếu bị áp dụng các biện pháp này, các sản
phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ rất khó thâm nhập thị trường các quốc gia này.
Thời gian qua, thông tin hàng hóa của Việt Nam đến thị trường nước ngoài còn nhiều
hạn chế. Trong khi đó, nhiều báo chí trong và ngoài nước liên tục phản ánh hàng hóa
Việt Nam có gian lận xuất xứ. Theo đó, các nước đã đặt nghi vấn về việc một lượng
lớn hàng hóa của các nước khác di chuyển sang Việt Nam để gian lận xuất xứ, nhằm
tận dụng tối đa ưu đãi thuế xuất khẩu. Vì vậy, các nước sẽ sử dụng tới các công cụ
phòng vệ thương mại nhiều hơn để bảo vệ lợi ích của mình trong cuộc cạnh tranh với
hàng hóa nhập khẩu.
2. Chúng ta bị kiện với hàng xuất khẩu mà nhiều hơn với cả hàng nhập khẩu dưới
nhiều hình thức như chống bán phá giá, chống trợ cấp, điều tra chống lần tránh thuế>
Phải chăng những thách thức hội nhập này chưa được DN chúng ta chuẩn bị kỹ hay
chúng ta có số “vốn” quá ít trên sân chơi hội nhập?
Trả lời:
Việt Nam đã hội nhâp ngày một sâu rộng hơn với nhiều hiệp định quan trọng đặc biệt
là CPTPP vào cuối năm 2018 và gần nhất là Hiệp định Thương mại Tự do với EU
(EVFTA) vừa được ký kết cuối tháng 6 vừa qua. Tính cho tới nay, Việt Nam đã ký 13

hiệp định thương mại trong đó 12 đã có hiệu lực. Việt Nam cũng đang đàm phán 3 hiệp
định khác. Các cường quốc kinh tế lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc
đều đã có hiệp định thương mại với Việt Nam.
Các hiệp định đã tạo cơ hội rất thuận lợi cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh
trong nhiều năm qua. Hàng rào thuế quan giảm khi xuất khẩu sang các thị trường khác
đã góp phần rất lớn trong việc giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, giúp
việc thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Tuy nhiên, thực chất nền kinh tế của chúng ta vẫn yếu về nội lực khi hội nhập vào sân
chơi toàn cầu. Ngoài ra, với trình độ quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, công nghệ lạc
hậu, trình độ lao động tay nghề thấp, quy mô nhỏ… dẫn đến khả năng tham gia vào
chuỗi toàn cầu rất yếu. Hiện tại, 96% doanh nghiệp là vừa và nhỏ, trong đó, số doanh
nghiệp siêu nhỏ chiếm đến 70%.
Trước các rào cản thương mại, doanh nghiệp Việt dường như bị động, thiếu thông tin,
thiếu nguồn chi phí theo kiện, thậm chí thiếu nguồn nhân lực có kinh nghiệm về phòng
vệ thương mại dẫn đến bị thua thiệt. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ chưa
chú ý đúng mức tới công cụ được coi là “lá chắn” để bảo vệ ngành sản xuất trong
nước. Tuy vậy các doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
lại nhận thức rất tốt về phòng vệ thương mại.
Trong các FTA thế hệ mới, những quy định về phát triển bền vững cũng như các quy
định về hàng rào kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dịch tễ ngày càng chặt chẽ hơn, việc thực
thi trong ngắn hạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhất định đến chi phí của doanh nghiệp.
Điều đáng quan ngại là việc các nước có xu hướng tìm cách tận dụng triệt để các vấn
đề này như là những biện pháp bảo hộ cuối cùng sau khi hàng rào thuế quan gần như
được hoàn toàn xóa bỏ. Khi dư địa (cắt giảm thuế) không còn nhiều, mà chỉ còn ở các
nhóm hàng nhạy cảm, trong đó có hàng nông, thủy sản, rào cản về mặt kỹ thuật mới là
vấn đề Việt Nam đang gặp khó khăn để vượt qua.

3. Theo LS, chúng ta cần làm thế nào để xử lý tình hình hiện nay, bởi áp lực kiện tụng,
điều tra là điều không mong muốn với bất cứ Dn XNK nào?
Trả lời:
Thứ nhất, Việt Nam cần gấp rút thay đổi cơ cấu thị trường theo hướng “bỏ trứng vào
nhiều giỏ” để tránh trường hợp phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Biện pháp
phòng tránh tốt nhất với các vụ kiện là thường xuyên theo dõi nhằm phát hiện kịp thời
những nguy cơ bị kiện.
Việc tuyên truyền, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về thương mại liên quan đến sản
phẩm, thu thập thông tin để cảnh báo nguy cơ cần thực hiện thường xuyên, liên tục.
Thứ hai, cần khẩn trương rà soát điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các tiêu chuẩn về
chất lượng, kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, bao bì sản phẩm, vệ sinh an toàn thực
phẩm, các biện pháp kiểm dịch động thực vật phù hợp với cá yêu cầu của WTO và
thông lệ quốc tế.
Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam nên nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao khả
năng để vượt qua các rào cản về mặt kỹ thuật. Trong chiến lược kinh doanh của mình,
các doanh nghiệp cũng cần thể hiện rõ kế hoạch bảo vệ môi trường: chủ động lập kế
hoạch về các hạng mục cần đầu tư, kinh phí cần thiết, lộ trình thực hiện,…nhằm đưa
nhiệm vụ bảo vệ môi trường trở thành hoạt động cố kế hoạch đáp ứng yêu cầu trước
mắt và lâu dài.

Khi hàng hóa bị khởi kiện, các doanh nghiệp nên tích cực, chủ động trong quá trình
điều tra để hạn chế tới mức thấp nhất những tổn thất do vụ kiện gây ra. Tổ chức tốt
kênh thông tin cho các doanh nghiệp về rào cản thương mại của các nước nhập khẩu là
hết sức quan trọng. Cần tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các
doanh nghiệp cũng như đa dạng hóa các kênh thông tin.