Việt Nam trong cộng đồng kinh tế ASEAN

0
456

Trải qua 54 năm hình thành và phát triển, vai trò và bản lĩnh của ASEAN không ngừng được củng cố và tôi luyện. Đến nay, ASEAN có quan hệ đối tác đối thoại với 11 quốc gia và tổ chức quan trọng (Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU,…), trong đó Anh là quốc gia vừa được ASEAN trao quy chế Đối tác Đối thoại tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 diễn ra từ 2 – 6/8/2021. Nhiều quan điểm và quy định của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), … được quốc tế và các đối tác hoan nghênh và ủng hộ, từ đó thúc đẩy hợp tác và nâng tầm quan hệ với ASEAN.

Hai năm vừa qua là khoảng thời gian vô cùng khó khăn cho toàn thế giới, bao gồm các quốc gia khối ASEAN. Theo phát biểu của ông Satvinder Singh, Phó tổng thư ký Cộng đồng Kinh tế ASEAN trong Hội nghị Cạnh tranh ASEAN lần thứ 9 trong ngày 01 và 02/12 vừa qua thì “Đại dịch đã gây thiệt hại đến 3,3% GDP của ASEAN khi hầu hết các nước thành viên bị tác động tiêu cực bởi đại dịch; đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực suy giảm 24,6% so với trước đại dịch và nhiều ngành, lĩnh vực bị suy giảm nghiêm trọng”. 

Ngoài ra, theo các số liệu được ghi nhận thì năm 2020, GDP của Singapore giảm 6,2% chủ yếu là do khối lượng thương mại giảm; GDP của Thái Lan và Campuchia giảm lần lượt là 8% và 4%, do các ngành du lịch và khách sạn chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Trong khi đó, nền kinh tế Philippines giảm 7,3% do chịu ảnh hưởng của thiên tai, sự đóng băng của ngành du lịch và kiều hối giảm (-7,3%). Nền kinh tế Brunei ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế khiêm tốn (1,4%). Mặc dù cũng phải vật lộn với dịch bệnh, song nền kinh tế của Indonesia chỉ bị tác động nhẹ và GDP giảm 1%.

Nhìn chung năm 2020 vừa qua là một năm “kém may mắn” với hầu hết các nước trong khối ASEAN. Do sự hoành hành của dịch bệnh, kinh tế của các nước đều chịu những tác động tiêu cực: không chỉ khiến tốc độ phát triển chậm lại hay ngừng tăng mà thậm chí còn khiến các chỉ số đo lường sự phát triển kinh tế của các nước về âm.

Tuy nhiên, nằm ngoài những tín hiệu tiêu cực đó, dù có ghi nhận những ca nhiễm virus Sars-Covi 2 và một số lĩnh vực chịu tác động của các làn sóng dịch bệnh Covid-19, song với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, GDP Việt Nam vẫn tăng trưởng nhẹ. Điều này đã khiến các quốc gia trong khối dành nhiều sự quan tâm, nhìn nhận tích cực đến chúng ra.

TS. Chayodom Sabhasri của Khoa Kinh tế thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) nhấn mạnh: “Kinh tế Việt Nam đang thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Gần đây, rõ ràng, đầu tư nước ngoài trực tiếp của phương Tây đã chuyển từ một số thành viên ASEAN sang Việt Nam. Đầu tư của Nhật Bản ở Thái Lan năm 2020 cũng đã chuyển hướng sang Việt Nam. Chắc chắn, Việt Nam sẽ sớm theo kịp các thành viên hàng đầu ASEAN”.

Theo chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực ASEAN của Hiệp hội doanh nghiệp Đức tại châu Á-Thái Bình Dương (OAV) – ông Daniel Müller nhận định trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại của Việt Nam đạt 206,5 tỷ Đô la Mỹ, cao nhất trong vòng 10 năm qua, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Những lời nhận xét, đánh giá nêu trên không phải những “lời khen có cánh” mà đều xuất phát từ những con số thực tế. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 tăng 2,91% so với năm trước, tuy là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 năm 2020 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98% (cao nhất trong số 3 khu vực kinh tế) đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%. Những thành tựu này có được đều nhờ sự nỗ lực, cố gắng của nước ta để thực hiện hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”.

Mặc dù là nước hiếm hoi có mức tăng trưởng dương trong khối ASEAN suốt thời kì dịch bệnh vừa qua nhưng chúng ta không thể phủ nhận được nhờ việc tham gia vào khối đã mang đến những cơ hội tốt đẹp, góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của quốc gia. Trên cơ sở là một thành viên của ASEAN, chúng ta đã mở rộng quan hệ đối tác, hội nhập cả về kinh tế và chính trị từ đa phương, khu vực đến song phương. Trong đó tiêu biểu nhất có thể kể đến việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Việt Nam – EU (EVFTA).

Tới đây Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Đây là Hiệp định được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 05 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15 tháng 11 năm 2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch. Hiệp định sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, FTA này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới. 

Việt Nam được nhận định sẽ là một trong các quốc gia nhận được nhiều lợi ích từ RCEP do các tiêu chuẩn nhập khẩu trong hiệp định không quá khắt khe, thị hiếu tiêu dùng giữa các nước cũng khá tương đồng, tạo thuận lợi cho việc giao thương. Bên cạnh đó, nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực này, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, …

Tuy nhiên, khi đứng trước những cơ hội mới này, chúng ta không thể chủ quan. Lý do là bởi sự cạnh tranh hàng hoá sẽ trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết do các nước đều có cơ cấu sản phẩm tương tự chúng ta nhưng lại có lợi thế hơn về số lượng cũng như chất lượng. Đặc biệt là Trung Quốc – luôn được biết tới là quốc gia cung ứng hàng hoá hàng đầu với lợi thế phong phú về chủng loại cùng giá thành rẻ.

Đứng dưới góc độ là một luật sư, việc tham gia Hiệp định RCEP nói riêng cũng như các Hiệp định FTAs nói chung còn có những tác động tích cực đến ngành nghề cung cấp dịch vụ pháp lý ở nước ta. Nhất là khi những rào cản kỹ thuật về thương mại được từng bước gỡ bỏ thông qua việc tham gia các hiệp định này, việc giao thương giữa các nước sẽ trở nên phổ biến hơn nhưng cùng với đó sẽ là sự cẩn trọng phải tăng lên khi giao kết do sự khác nhau về pháp luật giữa các nước. Các luật sư sẽ có nhiều cơ hội để thể hiện năng lực của mình khi đồng hành cùng các doanh nghiệp tham gia vào quá trình hợp tác quốc tế cũng như được cọ xát với những đồng nghiệp đến từ các quốc gia khác nhau. Đây đồng thời cũng chính là thách thức của các Luật sư khi phải liên tục trau dồi kiến thức không chỉ gói gọn trong pháp luật Việt Nam mà phải mở rộng ra các nước trên thế giới. Bên cạnh đó cũng cần phải chú trọng rèn luyện thêm ngoại ngữ, tăng khả năng giao tiếp và xây dựng một tác phong chuyên nghiệp nhằm tạo dựng hình ảnh tốt đẹp về người Luật sư Việt Nam trong mắt các bạn bè quốc tế.