Giải pháp ngăn chặn “thổi giá” trang thiết bị y tế

0
728

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law đã có quan điểm về thực trạng đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế . Dưới đây là nội dung chi tiết:

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, nhiều cơ sở y tế đã đẩy mạnh đầu tư mua sắm, xã hội hóa trang thiết bị y tế hiện đại để phục vụ người bệnh, nâng cao chất lượng điều trị và khám bệnh. Tuy nhiên, tình trạng cơ sở y tế “bắt tay” các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối trang thiết bị y tế “thổi giá” để trục lợi trong thời gian qua khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Thực trạng sai phạm hiện nay

Một trong những vụ việc nổi cộm gần đây là việc nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã nâng khống giá thiết bị y tế qua đó đẩy chi phí phẫu thuật cho người bệnh khi sử dụng những thiết bị này lên nhằm hưởng phần tiền chênh lệch. Theo đó ngày 20/2/2017, Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) đã cấp chứng thư thẩm định giá robot Rosa 39 tỉ đồng, robot Mako 44 tỉ đồng cho Bệnh viện Bạch Mai nhằm hợp thức hóa giá thiết bị đưa vào liên doanh, liên kết với bệnh viện. Tuy nhiên trên tờ khai nhập khẩu thể hiện robot Rosa được nhập khẩu mới từ Pháp có giá 7,4 tỉ đồng, đã gồm thuế, như vậy, thiết bị này bị nâng giá tới hơn 31 tỉ đồng.

Hay như trong suốt 2 năm vừa qua khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành, khi toàn xã hội cùng dốc sức, san sẻ gánh nặng cho nhau thì “thừa nước đục thả câu”, xuất hiện hàng loạt các vụ sai phạm đấu thầu thiết bị vật tư y tế.

Nổi bật là vụ việc vào giữa năm 2020, ông Nguyễn Nhật Cảm, khi đó là Giám đốc CDC Hà Nội, bị khởi tố và bắt giam để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội. Ông Cảm bị xác định có vai trò chủ mưu, đã lợi dụng dịch bệnh, vụ lợi, thông đồng nâng giá hệ thống Realtime PCR tự động dùng trong xét nghiệm Covid-19 lên 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập. Nhiều cán bộ cấp dưới của ông Cảm và lãnh đạo một số doanh nghiệp trang thiết bị y tế cũng bị khởi tố, bắt giam.

Hay gần đây nhất là vụ việc “thổi giá” kit test Covid-19 của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á khi cung ứng cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng. Hòng thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng không giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm. Trong đó, CDC tỉnh Hải Dương đã ký nhiều hợp đồng mua bán thiết bị, sinh phẩm y tế đối với Công ty Việt Á, do ông Phan Quốc Việt làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Bước đầu, qua kiểm tra 5 hợp đồng có tổng trị giá 151 tỉ đồng đã xác định ông Phan Quốc Việt chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương với tổng số tiền gần 30 tỉ đồng.

Kẽ hở từ các quy định pháp luật?

Có thể thấy điểm chung của những sự việc kể trên đều đến từ việc những người tham gia đã lợi dụng kẽ hở trong quy định pháp luật để trục lợi. Trong đó lỗ hổng trong Luật đấu thầu chính là nguyên nhân quan trọng, tiên quyết dẫn tới thực trạng nêu trên.

Đầu tiên phải kể đến quy định về chỉ định thầu theo Điều 22 Luật đấu thầu 2013. Đây là một trong các hình thực lựa chọn nhà thầu được quy định tại Mục 1 Chương 2 của Luật này. Theo đó một trong các trường hợp được chỉ định thầu là gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần thực hiện để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách.

Đặc biệt, việc thực hiện chỉ định thầu với gói thầu này khi chiếu theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật đấu thầu 2013 thì không phải chịu bất cứ điều kiện, ràng buộc nào bao gồm việc phải có quyết định đầu tư được phê duyệt, trừ gói thầu tư vấn chuẩn bị dự án; có kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt; đã được bố trí vốn theo yêu cầu tiến độ thực hiện gói thầu; có dự toán được phê duyệt theo quy định, trừ trường hợp đối với gói thầu EP, EC, EPC, gói thầu chìa khóa trao tay; có thời gian thực hiện chỉ định thầu kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng không quá 45 ngày; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp không quá 90 ngày; nhà thầu được đề nghị chỉ định thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu. Đây chính là kẽ hở vô hình trung tạo điều kiện thuận lợi để cho các đối tượng (điển hình là các bị can trong vụ án CDC Hà Nội) áp dụng hình thức chỉ định thầu để phục vụ cho động cơ trục lợi mà không phải thông qua sự kiểm duyệt của bất cứ tổ chức có thẩm quyền nào khác.

Bên cạnh đó, việc chỉ định thầu với nhà đầu tư quy định theo khoản 4 Điều 22 Luật đấu thầu trong các trường hợp: “a) Chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện; b) Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn” cũng đã vô hình trung tạo ra sơ hở để các cơ quan, tổ chức có quyền chỉ định thầu đối với việc mua sắm thiết bị y tế nếu chứng minh được tính hợp pháp và hợp lý chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện hoặc chỉ có nhà đầu tư đó mới đáp ứng được các khả năng về các lĩnh vực được đưa ra ở điểm b nêu trên.

Ngoài ra một vấn đề nghiêm trọng khác phải kể đến là việc các quy định pháp luật đã trao quyền quá lớn cho các tổ chức thẩm định giá.

Theo đó quy định tại Điều 29 Luật giá 2012 về nguyên tắc hoạt động thẩm định giá bao gồm: tuân thủ pháp luật, tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam; chịu trách nhiệm về hoạt động thẩm định giá theo quy định của pháp luật; bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính trung thực, khách quan của hoạt động thẩm định giá và kết quả thẩm định giá,…

Cùng với đó Điều 42 Luật giá quy định doanh nghiệp thẩm định giá được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá và nhận thù lao dịch vụ thẩm định theo thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng. Đối với nghĩa vụ của các doanh nghiệp này, Luật quy định: tuân thủ quy định về hoạt động thẩm định giá theo quy định của Luật này và Luật doanh nghiệp; chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá; quản lý hoạt động nghề nghiệp của thẩm định viên về giá thuộc quyền quản lý; thực hiện chế độ báo cáo;…

Như vậy, nếu nhìn vào 2 quy định nêu trên của Luật giá 2012 thì các doanh nghiệp hoạt động thẩm định giá hoạt động trên tinh thần “tự nguyện” tôn trọng pháp luật bởi lẽ không có bất cứ một cơ quan hay cơ chế nào giám sát quá trình thực hiện để cho ra kết quả thẩm định giá này. Chỉ đến khi các vụ việc bị phát giác thì Thanh tra, Kiểm toán nhà nước mới vào cuộc thì “sự cũng đã thành” và việc khắc phục thiệt hại trở nên khó khăn, phức tạp khi đã can hệ đến nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Đây chính là điểm hổng lớn dẫn tới giá thành của các thiết bị y tế bị đội lên rất nhiều với giá trị thực, khi mà các thẩm định viên có thể dễ dàng thông đồng với các công ty cung ứng thiết bị và lãnh đạo của các cơ quan, tổ chức đấu thầu thực hiện mua sắm để cố tình làm sai lệch ngay từ khi bắt đầu quá trình định giá.

Hơn nữa, với quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật giá còn cho phép kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên liên quan xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản. Điều này cũng đã mở ra “cơ hội” cho những người đứng đầu cơ quan, tổ chức lợi dụng để gian lận thầu, khống giá hưởng chênh lệch.

Giải pháp khắc phục kẽ hở

Những vụ án trên cho thấy công tác tổ chức đấu thầu đang có những lỗ hổng tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng. Những “điểm mở” trong các quy định về đấu thầu và hoạt động định giá này đã khiến người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền dễ dàng bị thao túng, lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện những hành vi vi phạm hoạt động đấu thầu. Do đó để ngăn chặn hành vi này cần phải có sự điều chỉnh ngay những nội dung bất cập trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013.

Cùng với đó cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để hạn chế sự làm quyền của các thẩm định viên cũng như các doanh nghiệp hoạt động về thẩm định giá, bổ sung quy định khắt khe hơn về tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm, …

Hiện nay, Bộ y tế cũng đã triển khai Cổng Công khai giá với trên 1.600 doanh nghiệp thực hiện công khai giá bán với trên 60.000 mặt hàng trang thiết bị y tế công khai giá (8.256 thiết bị y tế; 36.191 vật tư y tế; 15.584 IVD) và 93.253 kết quả trúng thầu. Đây được xem là nguồn thông tin hữu hiệu hỗ trợ các địa phương, cơ sở y tế nắm bắt, tham khảo khi xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm, đấu thầu, sử dụng sản phẩm phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch.

Với trường hợp của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á vừa qua thì việc căn cứ vào giá được công bố trên cổng thông tin này cũng đang là vấn đề gây tranh cãi. Mặc dù Bộ Y tế đã thông báo đây chỉ là giá tham khảo chứ không phải giá bắt buộc áp dụng vậy nên các địa phương, đơn vị cần thực hiện mua sắm, đấu thầu theo đúng quy định và tự chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện.

Tuy nhiên, điều này cũng đẩy các địa phương, cơ sở y tế vào sự bối rối vì cũng không nắm được giá thành thật sự nên chỉ có thể lấy đúng giá công bố trên Cổng Công khai giá. Do đó, thiết nghĩ, Bộ y tế nên bổ sung thêm quy trình xem xét, kiểm tra và đánh giá chất lượng cũng như giá thành của các thiết bị này trước khi công bố trên Cổng Công khai giá để có thể trở thành kênh thông tin chính xác, đảm bảo việc đấu thầu thực hiện mua sắm thiết bị y tế trở nên minh bạch hơn.