Xu hướng nhà đầu tư (NĐT) ngoại thâm nhập vào VN: lỗ hổng luật, chính sách và giải pháp

0
554

Xu hướng nhà đầu tư (NĐT) ngoại thâm nhập vào VN: lỗ hổng luật, chính sách và giải pháp

  1. Là người đứng đầu Sblaw, và cũng là một luật sư có nhiều kinh nghiệm tư vấn luật pháp cho các NĐT nước ngoài, anh có thể tóm tắt lại những điểm chung nổi bật về nhu cầu của các NĐT ngoại khi thâm nhập vào VN được hay không? Họ hay tìm đến anh với những khúc mắc như thế nào?

Trả lời:

Nhìn chung, các nhà đầu tư mong ổn định chính sách thu hút đầu tư nước ngoài; không ngừng đổi mới, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời, Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đó là vấn đề cải thiện cơ sở hạ tầng

Ngoài yếu tố về việc cải thiện cơ sở hạ tầng, yếu tố then chốt đề thu hút đầu tư, thì bên cạnh đó việc đảm bảo nguồn lao động chất lượng ở các thành phố lớn, cũng quan trọng.

Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính là điều cần thiết. Trong đó, các hoạt động liên quan đến môi trường pháp lý cần rõ ràng hơn.

Rõ ràng, trong bối cảnh mới, khi hoạt động thu hút đầu tư FDI trở nên cạnh tranh hơn, việc không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và làm “thoả mãn” những yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư, góp phần giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt của các nhà đầu tư trong khu vực và thế giới.

  1. Theo anh, trong Luật kinh doanh nói chung và Luật Đầu tư nước ngoài tại VN nói riêng còn tồn tại những lỗ hổng nào? Điều này dễ gây ra những hậu quả gì? Vậy thì về những chính sách hiện hành thì sao, thưa anh?

Trả lời:

Thực tiễn thi hành Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa một số quy định của các Luật này nhằm tiếp tục tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, an toàn và thân thiện cho mọi người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp là cần thiết. Qua đó, góp phần hoàn thiện quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh nhằm tiếp tục bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm hoặc quy định phải có điều kiện.

Đồng thời, cắt giảm chi phí đầu tư kinh doanh thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong hoạt động đầu tư kinh doanh; mở rộng, nâng cao quyền tự chủ của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư kinh doanh và quản lý doanh nghiệp phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế. Hoàn thiện cơ chế phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài trên cơ sở bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

  1. Cuối cùng, anh có thể đưa ra một vài hướng đi có thể giải quyết những nhược điểm đó được hay không?

Trả lời:

Vấn đề mang tính quan trọng then chốt trong việc tổ chức nhằm thu hút FDI là tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn. Môi trường đầu tư là tổng thể các bộ phận mà ở đó chúng tác động qua lại lẫn nhau và chi phối mạnh mẽ đến các hoạt động đầu tư. Buộc các nhà đầu tư phải tự điều chỉnh các mục đích, hình thức và phạm vi hoạt động cho thích hợp, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh và đưa đến hiệu quả cao trong kinh doanh.

Thứ nhất, về hoàn thiện cơ chế chính sách:

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến đầu tư, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ; Hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên nguyên tắc gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát để đảm bảo doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết đầu tư, tuân thủ đúng tiêu chí, điều kiện hưởng ưu đãi.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao; Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Thu hút FDI phải bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước. Do đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách để chủ động hỗ trợ thúc đẩy phát triển và nâng tầm doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, tạo sự liên kết, lan tỏa giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Thứ hai, về ngành, lĩnh vực:

Chuyển hướng ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Thứ ba, về đối tác:

Cần chú trọng thu hút FDI, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia liên kết với doanh nghiệp trong nước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị. Thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI liên kết với các tập đoàn đa quốc gia trong cụm liên kết ngành, từng bước tham gia vào các công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn.

Trong ngắn hạn, tiếp tục thu hút FDI vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày… nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

Tiếp tục thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng; Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.

Việc thu hút FDI từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ cũng phải đảm bảo điều kiện nâng cấp công nghệ và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, Việt Nam cần tận dụng lợi thế trong thị trường ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do tạo ra để thu hút FDI; Chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI vào Việt Nam có công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ một số nước trong khu vực để có giải ngăn chặn kịp thời.