Biện pháp xứ lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

0
502

SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung bài trả lời phỏng vấn của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW với Đài Truyền hình Hòa Bình trong chương trình Sở hữu Trí tuệ và cuộc sống với chủ đề xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và biện pháp khắc phục

PV: Xin kính chào quý vị và các bạn.

Thưa quý vị và các bạn, trong tiến trình hội nhập WTO với sự đa dạng hóa của nền kinh tế thị trường thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và hàng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nói riêng đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Các cơ quan chức năng như công an kinh tế, quản lý thị trường, hải quan, cơ quan thanh tra, UBND cấp huyện trở lên là những cơ quan có chức năng xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên các cơ quan này đều gặp phải những khó khăn và trở ngại khi thực thi xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Vậy giải pháp nào để khắc phục những khó khăn này và làm thế nào để doanh nghiệp bảo vệ mình trước những hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. Đây sẽ là nội dung chính của buổi tọa đàm ngày hôm nay của chúng tôi.

Xin chào. Xin cám ơn các vị khách mời đã tham gia buổi tọa đàm hôm nay của chúng tôi.

Trước khi vào cuộc trao đổi, mời quý vị và các bạn cùng các vị khách mời theo dõi một đoạn phóng sự ngắn sau đây do nhóm phóng viên chúng tôi thực hiện.

 Phóng sự: Thực trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

Nội dung phóng sự.

Trong khi nền kinh tế chưa khởi sắc trở lại để tạo đà làm ăn thuận lợi cho các doanh nghiệp, thì vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu và những hành vi gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, càng đặt các doanh nghiệp chân chính vào thế “khó”. Đáng lưu ý, tình trạng hàng giả xuất xứ đang có chiều hướng gia tăng, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sau đó thay đổi nhãn ghi là hàng xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trong năm vừa qua, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý tới 84.493 vụ vi phạm trên tổng số 161.239  vụ kiểm tra. Tổng số tiền phạt thu nộp ngân sách lên tới 328,97 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu là 123 tỷ đồng. Trong đó, 14.008 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm an toàn thực phẩm, 57.774 vụ vi phạm về gian lận thương mại và các vi phạm khác.

Theo thống kê của chi cục thị trường Hòa Bình trong tháng 1 năm 2014 đã kiểm tra 297 trường hợp, xử lý 248 vụ vi phạm hành chính với tổng mức tiền phạt và trị giá hàng hóa tịch thu gần 530 triệu đồng, trong đó phạt vi phạm hành chính 378 triệu đồng, trị giá hàng tịch thu 150 triệu đồng. Đáng chú ý, 29 vụ vi phạm về chất lượng hàng hóa và 154 vụ vi phạm về đo lường, nhãn hàng hóa.

Những con số trên đã cho thấy việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay tại Việt Nam đang diễn ra ngày một phức tạp hơn.

Thưa quý vị và các bạn! Qúy vị và các bạn cùng chuyên gia vừa xem một đoạn phóng sự về vấn đề thực trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Vậy Trước hết xin được hỏi Ông Hà, Ông có nhận định như thế nào sau khi xem phóng sự vừa rồi về thực trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hiện nay tại Việt Nam?

Luật sư: Qua phóng sự vừa rồi thì tôi nhận thấy rằng số lượng vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không tăng nhiều, nhưng tính chất và mức độ phức tạp thì ngày càng tinh vi hơn. Điều này nó thể hiện ở hai góc độ của nó

Thứ nhất là đối với tình hình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Còn ở góc độ thứ 2 là đối với các doanh nghiệp thì người ta quan tâm nhiều hơn tới việc thực thi quyền và bảo vệ quyền của doanh nghiệp, họ chung tay cùng với các cơ quan chức năng để mà thực thi và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Nhưng hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn còn thờ ơ, lo ngại về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với doanh nghiệp của mình. Như tình trạng nhiều doanh nghiệp khi phát hiện ra hàng hóa cũng như dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình thì họ đã không nhiệt tình hợp tác với các cơ quan chức năng để thực hiện việc thực thi quyền của mình.

PV: Vậy còn luật sư, ông có nhận định gì về vấn đề này và có phải một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do một phần chế tài của luật sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh để có tính răn đe không ạ.?

Luật sư: Theo tôi thì trong thời gian qua, các cơ quan chức năng, cũng như doanh nghiệp cũng đã nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật và trong công tác thực thi.

Tuy nhiên như chúng ta đã biết tình hình vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sở hữu trí tuệ nói riêng còn rất nhiều phức tạp. Điều đó không chỉ  ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và người tiêu dùng mà nghiêm trọng hơn nó sẽ làm xấu đi môi trường đầu tư của nước ta, và làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.

Hiện tại chúng ta đã tham gia vào rất nhiều các hiệp ước quốc tế về sở hữu trí tuệ, và chúng ta cũng là thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO. Vì vậy mà hệ thống pháp luật của chúng ta cũng cần phải đạt đến những chuẩn mực quốc tế, hay nói cách khác là phải hài hòa với luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên còn có rất nhiều điểm theo tôi cần phải tiếp tục hoàn thiện. Một trong những điều này là chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa đủ mạnh để răn đe.

Nó thể hiện ở chỗ là mức xử phạt còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu được từ hoạt động….Và chừng nào những hành vi đó chưa đủ để răn đe thì các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp.

PV: Xin cảm ơn ý kiến vừa rồi của luật sư, xin Ông cho biết là hiện nay có bao nhiêu cơ quan chức năng xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp?

Luật sư: Theo quy định của luật sở hữu trí tuệ thì hiện nay Việt Nam có 6 cơ quan tham gia xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và được chia làm 3 nhóm biện pháp khác nhau:

Biện pháp thứ nhất là nhóm hành chính gồm có: Hải quan, Quản lý thị trường, UBND cấp huyện trở lên và cảnh sát kinh tế

Biện pháp thứ 2 là nhóm dân sự gồm có: Tòa án dân sự, Tòa án nhân dân các cấp.

Biện pháp thứ 3 là nhóm hình sự gồm có: Cảnh sát kinh tế.

PV: Theo như Ông cho biết thì có 6 cơ quan chức năng xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vậy thì ông có thể cho chúng tôi biết liệu có sự chồng chéo chức năng giữa các cơ quan này hay không? Và trong trường hợp nào doanh nghiệp cần lựa chọn cơ quan xử lý nào cho phù hợp ạ?

Luật sư: Theo tôi việc có nhiều cơ quan cùng tham gia vào quá trình xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì có nhiều thuận lợi như: Doanh nghiệp có nhiều lựa chọn khi áp dụng các biện pháp để chống lại các hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Tuy nhiên cũng có khó khăn cho doanh nghiệp là trong một số trường hợp doanh nghiệp còn băn khoăn.

Lo ngại không biết là sẽ nên yêu cầu xử lý vi phạm đó ở cơ quan nào. Khi quyền sở hữu trí tuệ của mình bị xâm phạm cần lựa chọn cơ quan nhà nước có thẩm quyền phù hợp thì doanh nghiệp cần phải căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của các cơ quan thực thi cũng như là mục đích của doanh nghiệp đối với việc ngăn chặn đó.

Ví dụ như khi hàng hóa có dấu vi phạm đang trong quá trình làm thủ tục hải quan thì doanh nghiệp cần phải liên hệ ngay với cơ quan hải quan để được hướng dẫn các thủ tục tiến hành các biện pháp tạm ngừng thông quan đối với các hàng hóa có dấu hiệu vi phạm đó.

Thứ hai là đối với mục đích của doanh nghiệp muốn đơn vị vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình phải bồi thường về mặt dân sự thì họ nhất thiết phải liên hệ với Tòa án đề đưa vụ việc đó ra tòa án dân sự.

Nhưng mục đích của doanh nghiệp không đòi bồi thường mà họ chỉ mong muốn chấm dứt hành vi vi phạm đó thì có thể nghĩ đến biện pháp hành chính và có thể liên hệ với các cơ quan có chức năng xử lý về hành chính như; thanh tra, quản lý thị trường, công an kinh tế để được hướng dẫn các thủ tục để tiến hành các biện pháp hành chính để chấm dứt hành vi vi phạm.

Trên thực tế các cơ quan cũng có sự phối hợp tương đối tốt trong vấn đề xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

PV: Thưa quý vị và các bạn. Hiện nay việc vi phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp đang gia tăng và diễn ra hết sức phức tạp.

Vậy. Xin luật sư cho biết. Đối với những hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu sáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì sẽ được xử lý như thế nào?

Luật sư: Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì sẽ được xử lý như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ một lần đến hai lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã phát hiện được đối với tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm sau đây nhằm mục đích kinh doanh hoặc không chấm dứt hành vi xâm phạm mặc dù đã được chủ Sở hữu công nghiệp yêu cầu trong trường hợp sản phẩm hàng hóa vi phạm có giá trị đến 20 triệu đồng:

+Sản xuất (chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói) sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.

+Áp dụng quy trình xâm phạm quyền đối với sáng chế.

+ Khai thác công dụng (dùng trong hoạt động kinh doanh) sản phẩm xâm phạm quyền đối với sáng chế.

+ Bán, vận chuyển, quảng cáo, chào hàng, tàng trữ để bán sản phẩm xâm phạm quyền đối  với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.

+ Nhập khẩu sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

–        Phạt tiền từ 2 – 3 lần giá trị sản phẩm hàng hóa vi phạm đã phát hiện được trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng

–        Phạt tiền từ 3 -4 lần giá trị sản phẩm hàng hóa vi phạm đã phát hiện được trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ trên 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng

–        Phạt tiền từ  4 -5 lần giá trị sản phẩm hàng hóa vi phạm đã phát hiện được trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 60 triệu đồng trở lên.

Hình thức phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm bị phạt nêu trên

Đình chỉ hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ xâm phạm từ 2 – 6 tháng đối với các hành vi vi phạm bị phạt nêu trên.

Biện pháp khắc phục hậu quả

Buộc phải bỏ các yếu tố vi phạm trên sản phẩm, hàng hóa, phương tiện kinh doanh đối với các hành vi vi phạm.

Buộc phân phối, dử dụng với mục đích phi thương mại hoặc buộc tiêu hủy hàng hóa có chất lượng kém, gây hại chó sức khỏe cho con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường đối với các hành vi vi phạm nêu trên.

Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, phương tiện vi phạm.

PV: Vâng! Xin hỏi luật sư, Ông có thể cho biết thêm đối với những hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại bị xử lý như thế nào ạ?

Luật sư: Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại bị xử lý như sau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ một đến 2 lần giá trị hàng hóa vi phạm đã phát hiện được đối với cá nhân tổ chức thực hiện một trong các hành vi dưới đây xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại gây thiệt hại cho người tiêu dùng và cho xã hội; không chấm dứt hành vi vi phạm quyền mặc dù đã yêu cầu trong trường hợp hàng hóa vi phạm phát hiện được có giá trị đến 15.000.000 đồng.

– Phạt tiền từ 2 – 3 lần giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm  phát hiện được trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ vi phạm có giá trị từ trên 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng

– Phạt tiền từ 3 – 4 lần giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm  phát hiện được trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ vi phạm có giá trị từ trên 30 triệu đồng đến 45 triệu đồng.

– Phạt tiền từ 4 – 5 lần giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm  phát hiện được trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ vi phạm có giá trị từ trên 15 triệu đồng đến 30 triệu đồng.

Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đối với hành vi gắn (in, dán, đính, đúc, dập….) lên phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biểu hiện dấu hiện vi phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý.

 

PV: Thưa luật sư, để hỗ trợ các cơ quan chức năng xử lý vi phạm quyền sở hữu công nghiệp một cách hiệu quả nhất thì doanh nghiệp khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần phải làm gì ạ?

Luật sư: Trong một số trường hợp họ không muốn người tiêu dùng và xã hội biết được sản phẩm của doanh nghiệp mình có hàng nhái, hàng giả làm ảnh hưởng tới thương hiệu và uy tín, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nên doanh nghiệp không hoàn toàn hợp tác với các cơ quan chức năng.

Vì thế doanh nghiệp cần đóng vai trò và chủ động hơn nữa trong việc phòng chống hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp cần chủ động phát hiện các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và chủ động tích cực hơn nữa trong việc thông tin phối hợp với các cơ quan chức năng thực thi trong việc xử lý hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ..

PV: Thưa quý vị và các bạn. Hy vọng những thông tin mà các vị khách mời vừa trao đổi là những thông tin bổ ích cho các cá nhân và doanh nghiệp trong việc xây dựng và bảo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng một cách hiệu quả.

Điều quan trọng để giảm tình trạng xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thì các doanh nghiệp phải là người chủ động và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng. Có như vậy thì tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mới được ngăn chặn một cách kịp thời, hạn chế được các thiệt hại về kinh tế và uy tín của doanh nghiệp cũng như đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Buổi tọa đàm hôm nay của chúng tôi xin được tạm dừng tại đây. Một lần nữa xin cám ơn hai vị khách mời. Cám ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn. Xin kính chào và hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong các chương