Giải pháp tránh tranh chấp tên miền

0
388

Để tránh tranh chấp tên miền, cần áp dụng các biện pháp sau:

 

1. Bảo hộ tên miền quốc gia .vn như một đối tượng SHTT

 

Những tranh chấp tên miền quốc gia .vn có liên quan đến nhãn hiệu, tên thương mại đang được bảo hộ là vấn đề cấp bách, đang được dư luận quan tâm. Đứng trước thực trạng đó, VNNIC đã đưa ra rất nhiều giải pháp khác nhau như đưa ra các quy định chặt chẽ về cấp phát tên miền, về đăng ký và sở hữu tên miền, về mua bán tên miền, …Tuy nhiên, nhiều giải pháp chưa thực sự hợp lý, các tranh chấp vẫn xảy ra và có xu hướng gia tăng.

 

Sau đây, tác giả đề tài muốn đề cập một giải pháp khác. Đó là bảo hộ tên miền quốc gia .vn, xem tên miền quốc gia .vn như một đối tượng Sở hữu trí tuệ. Dưới đây là các lý do để tác giả đưa ra giải pháp này:

 

2. Sử dụng tên miền mang nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại do mình sở hữu đang trở thành một nhu cầu tất yếu đối với các cá nhân, tổ chức trong thời đại thương mại điện tử

 

Ngày nay, trong nền kinh tế tự do cạnh tranh, tên miền Internet đang được phần lớn doanh nghiệp sử dụng như một phương tiện phục vụ cho việc giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu của mình, nhằm quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp, thúc đẩy thương mại hóa.

 

Với mục đích đó, các doanh nghiệp có xu hướng đặt tên miền trùng với tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa mà họ sở hữu. Đây cũng là một biện pháp nhằm tránh tình trạng nhãn hiệu, tên thương mại do mình sở hữu bị sử dụng bởi một chủ thể khác trên Internet.

 

Ngoài ra, các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên Internet tại Việt Nam có xu hướng sử dụng tên mền .vn hơn là tên miền quốc tế. Việc đăng ký domain .vn phải thực hiện bằng văn bản tuy mất nhiều thời gian của các doanh nghiệp nhưng lại đem lại sự an toàn bảo mật cao, được nhà nước quản lý. Trong khi đó, việc mua tên miền quốc tế được thực hiện chủ yếu qua e-mail rất đơn giản, thuận tiện lại dễ bị hacker nhòm ngó.

 

3. Sử dụng tên miền mang nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại của mình trong hoạt động thương mại là quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức

 

Tuy nhiên, quyền và lợi ích này của họ chưa được bảo vệ một cách chính đáng: Theo Điều 123 Luật SHTT về quyền của  chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp, chủ sở hữu đối tượng công nghiệp có các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với các đối tượng đó. Theo Điều 124 Luật SHTT về sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp và Điều 129 Luật SHTT về hành vi xâm phạm đối với nhãn hiệu, tên thương mại, quy định chỉ có chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại mới được phép sử dụng các dấu hiệu trùng hoặc tương tự nhãn hiệu, tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh.

 

Bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào muốn sử dụng chúng trong hoạt động kinh doanh đều phải được phép của chủ sở hữu các đối tượng đó. Nhưng trong hoạt động thương mại điện tử, quyền và lợi ích chính đáng của các chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại đang bị xâm phạm một cách nghiêm trọng. Thông qua nguyên tắc cấp phát tên miền .vn “bình đẳng”, “đăng ký trước cấp phát trước” của VNNIC, có rất nhiều tên miền mang nhãn hiệu, tên thương mại được cấp phát cho những chủ thể không phải là chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại đó. Điều này sẽ rất bất lợi cho các doanh nghiệp, thứ nhất khách hàng của họ có khả năng nhầm lẫn khi truy cập vào các tên miền này; thứ hai, thương hiệu của họ có thể bị các chủ thể tên miền trục lợi bất chính (như hiện tượng “đầu cơ”, “chiếm dụng”), lợi dụng tên miền để gây ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Một khi tranh chấp tên miền xảy ra, các doanh nghiệp cũng phải đầu tư rất nhiều tiền của, thời gian, công sức nhưng không phải họ cũng thành công trong việc đòi lại những quyền lợi chính đáng của mình đối với tên miền đó. Thực trạng trên đòi hỏi phải có một quy định mới về việc đăng ký, cấp phát tên miền quốc gia .vn để có thể bảo vệ cho quyền lợi của các chủ sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại đang được bảo hộ, và cũng để tránh những mâu thuẫn trong các quy định của pháp luật nhà nước.

 

4. Bảo hộ tên miền quốc gia .vn như một đối tượng SHTT là một giải pháp hiệu quả, hợp lý

 

Việc tách riêng hai lĩnh vực đăng ký tên miền với quyền SHTT là nguyên nhân cơ bản dẫn đến  tranh chấp tên miền giữa các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử. Chính vì vậy, Bộ Bưu chính viễn thông cần phối hợp làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ và có cơ chế cộng tác cụ thể giữa VNNIC với Cục Sở hữu trí tuệ. Khi việc cấp tên miền có tham vấn về quyền SHTT hiện đang bảo hộ ở Việt Nam thì độ chính xác, tin cậy cao hơn rất nhiều, hoạt động “chiếm dụng”, “đầu cơ” tên miền cũng được ngăn chặn hiễu quả hơn.

 

Việc cấp phát tên miền quốc gia .vn vẫn tuân theo nguyên tắc “bình đẳng, không  phân biệt”, “Tổ chức, cá nhân đăng ký trước được quyền sử dụng trước” nhưng cần phải điều chỉnh, bổ sung thêm một quy định mới là tên miền đăng ký “Không trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu, tên thương mại đang được bảo hộ tại Việt Nam của các chủ thể khác”. Điều này dẫn đến một hệ quả, các cá nhân, tổ chức nếu không có quyền và lợi ích hợp pháp đối với nhãn hiệu, tên thương mại đang được sở hữu bởi các chủ thể khác, sẽ không có quyền được sử dụng các kí tự trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các đối tượng sở hữu công nghiệp ấy trong cấu trúc tên miền mà mình đăng ký. Chỉ khi quy định như vậy, tên miền – domain có liên quan đến nhãn hiệu, tên thương mại mới được cấp phát đúng chủ sở hữu, tránh tình trạng “đầu cơ”, “chiếm dụng” tên miền quốc gia .vn.

 

4. Điều kiện bảo hộ tên miền quốc gia .vn

 

Theo Điểm 2.2 khoản 2 mục II, Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông: “Các tổ chức, các nhân trong nước hoặc nước ngoài tham gia hoạt động Internet được đăng ký sử dụng tên miền cấp 2 dưới tên miền quốc gia .vn ( trừ tên miền chung cấp 2 ( gSLD) được quy định tại điểm 1.2 và điểm 1.3 khoản 1 mục II) và tên miền cấp 3 dưới tên miền chung cấp 2”.

 

Như vậy, tên miền của các cá nhân, tổ chức tham gia Internet tại Việt Nam được phép đăng ký, sẽ có 2 dạng:

– Tên miền cấp 2 .vn, có cấu trúc: Tên.vn

– Tên miền cấp 3 dưới tên miền chung cấp 2, có cấu trúc: Tên.com.vn; Tên.biz.vn;…

 

5. Các điều kiện đăng ký bảo hộ tên miền quốc gia .vn

 

 Điều kiện bảo hộ tên miền quốc gia .vn

– Tên miền đăng ký là tên miền hoạt động vì mục đích thương mại. Đối với các tên miền hoạt động vì mục đích phi thương mại sẽ không bị điều chỉnh bởi các quy định về bảo hộ tên miền quốc gia .vn.

– Tên miền đăng ký không được trùng với tên miền của các chủ thể khác đã đăng ký trước đó.

– Tên miền đăng ký không vi phạm quyền SHTT đối với tên thương mại và nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

 

Quyền đăng ký bảo hộ tên miền quốc gia .vn:

– Tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động thương mại hợp pháp bằng tên miền đó.

– Tổ chức, cá nhân sở hữu nhãn hiệu, tên thương mại đang được bảo hộ tại Việt Nam có quyền đăng ký tên miền quốc gia .vn trùng hoặc tương tự nhãn hiệu, tên thương mại đó.

– Tổ chức, các nhân được chuyển giao quyền đăng ký dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật.

 

 Yêu cầu chung đối với đăng ký bảo hộ tên miền quốc gia .vn

– Phải xuất trình thông tin tên miền đăng ký  không vi phạm quyền SHHT đối với nhãn hiệu và tên thương mại đang được bảo hộ tại Việt Nam. Các văn bản cần thiết gồm văn bằng bảo hộ (còn hiệu lực) ở Việt Nam; Văn bản tra cứu về tình trạng pháp lý đối với tên riêng của tên miền đó. Ví dụ: tên miền sony.com.vn, tra cứu từ riêng Sony có vi phạm quyền SHTT của ai đang được bảo hộ ở Việt Nam hay không.

– Thông báo mục đích thương mại của tên miền: thông báo lĩnh vực hoạt động; hình thức hoạt động; loại dịch vụ và sản phẩm được cung cấp.

– Bản thiết kế giao diện website.

 

Khi tên miền quốc gia .vn trở thành đối tượng sở hữu trí tuệ, các chủ thể sẽ không được sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên riêng của tên miền quốc gia .vn đang được bảo hộ bởi một chủ thể khác.

 

6. Nguyên tắc bảo hộ tên miền quốc gia .vn

 

Bên cạnh các nguyên tắc của VNNIC về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia .vn đã quy định tại điểm 2.2, khoản 2 mục II, Thông tư số 09/2008/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Để tên miền quốc gia .vn được bảo hộ như một đối tượng SHTT, người viết đề tài kiến nghị những quy tắc sau:

 

Trong cấu trúc tên miền .vn, chỉ bảo hộ phần “Tên” mà không bảo hộ phần mở rộng của tên miền ( như .vn, com.vn, biz.vn,…)

 

Tên riêng trong cấu trúc tên miền không được trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên miền một chủ thể khác.

 

Tương tự gây nhầm lẫn ở đây là dùng từ viết không dấu, viết tắt, phát âm tương tự, tương tự về cấu trúc, phiên âm, dịch nghĩa, cách phát âm.

 

Điều này có nghĩa là khi đã tồn tại tên miền thànhcông.vn thì các tên miền sau sẽ không được phép đăng ký:

– Viết không dấu: thanhcong.vn

– Trùng tên ( mặc dù phần mở rộng tên miền khác nhau): thànhcông.com.vn; thànhcông.biz.vn

– Tương tự về mặt cấu trúc: thành-công.vn; thanh-cong.vn

Hay khi tồn tại tên miền nguoilaodong.vn thì không được phép đăng ký tên miền nld.vn ( viết tắt).

 

Tên miền không được chứa các ký tự trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu, tên thương mại của một chủ thể khác đang được bảo hộ tại Việt Nam

Ví dụ: Nhãn hiệu “SAO VÀNG” đang được bảo hộ tại Việt Nam, các tên miền không được đăng ký là các tên miền có chứa các ký tự như sau:

– Trùng tên: saovàng.*

– Viết không dấu: saovang.*

– Phiên âm tiếng nước ngoài: goldenstar.*

– Tương tự về cấu trúc: sao-vang.*

Hay trường hợp tương tự về cách đọc như vincom.vn và vimcom.vn sẽ không được quyền đăng ký.

 

Tên miền có chứa các ký tự trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của chủ thể khác, mặc dù khác nhau về lĩnh vực hoạt động, kinh doanh vẫn không được đăng ký

 

Khác với các sản phẩm, dịch vụ khác trên thị trường, sản phẩm, dịch vụ trên Internet không thể nhìn thấy, không thể nhận dạng được, trừ khi khách hàng truy cập vào các địa chỉ Internet cung cấp chúng.

 

Ta có thể lấy một ví dụ để làm rõ vấn đề trên. Nhãn hiệu ABC đang được bảo hộ cho sản phẩm bánh quy, nhưng một chủ thể khác hoàn toàn có thể lấy nhãn hiệu ABC làm nhãn hiệu cho sản phẩm bóng bàn của mình. Thực tế khách hàng không thể nhầm lẫn một chiếc bánh ABC với một quả bóng bàn ABC được, họ hoàn toàn có thể phân biệt được chúng một cách dễ dàng. Nhưng đối với các sản phẩm, dịch vụ trên Internet thì khác. Một Website có tên ABC.vn cung cấp thông tin về bánh quy mang nhãn hiệu ABC và một Website có tên ABC.com.vn cung cấp thông tin về bóng bàn mang nhãn hiệu ABC. Hai Website này cung cấp 2 sản phẩm khác nhau nhưng để nhận biết được sự khác nhau này khách hàng phải truy cập vào địa chỉ của chúng. Đến khi đó, việc truy cập nhầm này của các vị khách cũng đã giúp chủ tên miền đạt được những lợi ích nhất định.

 

Tránh đăng ký các tên miền liên quan tới các tên chung của một ngành kinh tế, chủng loại hàng hoá, sản phẩm, tên các loại dược phẩm

 

Những người muốn sử dụng tên miền chung phải kèm theo các điều kiện do cơ quan chủ quản quy định và phải thêm phần tên riêng của họ.

 

Ví dụ: Có nhiều loại ôtô và có nhiều công ty cung cấp ôtô, tất nhiên sẽ phải có cái chung và cái riêng. Cá nhân phải dùng tên riêng kết hợp với tên miền chung. Khi tìm kiếm tên miền chung, sẽ ra tất cả các tên riêng, từ đó có thể phân biệt loại ôtô và công ty cung cấp.

 

Ta có thể lấy một số trường hợp điển hình như: mycar.vn; anycar.vn; wow-car.com.vn; …

 

Trường hợp các tên miền được phép có tên riêng trùng hoặc tương tự nhau là các trường hợp sau

– Đăng ký tên miền cấp 3 dưới tên miền cấp chung cấp 2 là .edu.vn; .gov.vn; .org.vn; .int.vn; .ac.vn, vì đây là các lĩnh vực này có tính khác biệt lớn về chuyên môn, về tính chất hoạt đông, về các dịch vụ và sản phẩm cung cấp, người truy cấp có thể dễ dàng phân biệt được. Người truy cập Internet không thể nhầm lẫn một tên miền thanglong.edu.vn của một trường đại học với tên miền thanglong.com.vn của một doanh nghiệp được.

 

– Trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên miền có hoạt động phi thương mại.

Ví dụ: Khi đang tồn tại tên miền trungnguyen.com.vn của doanh nghiệp Trung Nguyên thì tên miền clubtrungnguyen.vn hay clubtrungnguyen.com.vn của những người thích sản phẩm của Trung Nguyên vẫn có thể đăng ký do nó không có mục đích hoạt động thương mại.

 

7 Chuyển nhượng quyền sở hữu tên miền quốc gia .vn

– Tên miền gắn với tên thương mại được chuyển nhượng cùng với sự chuyển nhượng quyền sở hữu tên thương mại của chủ thể.

– Tên miền gắn với nhãn hiệu hàng hóa được chuyển nhượng cùng với sự chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa của chủ thể.