Tranh chấp bản quyền âm nhạc, Vấn đề nóng tại Việt Nam

0
545

Trong bài viết Tranh chấp bản quyền âm nhạc, Vấn đề nóng tại Việt Nam của tác giả Phương Vy trong chuyên mục Góc nhìn luật sư trên Báo Đời sống và Pháp luật có nêu ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà, công ty Luật SBLAW, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này.

(ĐSPL) – Trong thời gian vừa qua, những tranh cãi liên quan đến bản quyền âm nhạc trong chương trình biểu diễn của nữ ca sỹ Khánh Ly giữa Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam và Công ty TNHH Giải trí Đồng Dao đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật SB Law để hiểu rõ hơn về bản quyền trên thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay.

PV: Thưa Luật sư, theo quan điểm của mình luật sư có thể cho biết vấn đề bản quyền âm nhạc tại Việt Nam đã được tuân thủ theo đúng quy định chưa?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Hiện tại, theo quy định của pháp luật Việt Nam, vấn đề bản quyền tác giả nói chung và bản quyền âm nhạc nói riêng đã được quy định trong hầu hết các văn bản pháp lý liên quan như Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, việc tôn trọng bản quyền tác giả âm nhac hiện nay chưa được tuân thủ triệt để. Gần đây, đã có những vụ việc tranh chấp bản quyền như việc bản quyền đối với chương trình biểu diễn của ca sỹ Khánh Ly về nước biểu diễn với các đơn vị đại diện tập thể quyền tác giả.

Các tranh chấp chủ yếu về bản quyền đó là các đơn vị sử dụng tác phẩm đã không tiến hành trả phí bản quyền cho tác giả, không đàm phán được mức phí bản quyền phải đóng trên thực tế.

PV: Luật sư có thể cho biết lý do tại sao lại xảy ra những vấn đề tranh chấp bản quyền như hiện nay?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Sở dĩ có những tranh chấp về bản quyền nêu trên vì có những lý do ý thức tuân thủ bản quyền âm nhạc của các đơn vị tổ chức chương trình chưa cao. Phí bản quyền phải được coi như một phần tất yếu của chương trình như là phí trả cho ca sỹ, trả cho đơn vị cho thuê địa điểm. Tuy nhiên, nhiều chương trình đã diễn ra rồi hoặc sát ngày diễn vẫn chưa mua bản quyền hoặc chưa đàm phán xong về mặt bản quyền.

Sự chưa quyết liệt của các tác giả và cơ quan quản lý tập thể quyền tác giả trong việc bảo hộ bản quyền. Luật đã cho phép đó là khi bị vi phạm bản quyền, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và các đơn vị đại diện có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, rất ít hoặc hầu như là không có các vụ kiện về bản quyền được giải quyết theo con đường tòa án, lý do tranh chấp không được giải quyết bằng tòa án là do:

– Thủ tục giải quyết theo con đường tòa án rất tốn kém về mặt thời gian và tiền bạc.

– Việc chứng minh thiệt hại cũng rất khó khăn theo quy định của pháp luật hiện hành.

Một lý do nữa là luật cho phép cơ quan quản lý nhà nước như cơ quan thanh tra có thể áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với việc vi phạm bản quyền, mức phạt tối đa đối với tổ chức là 500 triệu đồng và cá nhân là 250 triệu đồng, tuy nhiên, qua những vụ việc vi phạm bản quyền vừa qua, cũng chưa thấy việc xử phạt vi phạm hành chính nào về hành vi vi phạm được công bố, nếu có quyết định xử phạt, các cơ quan chức năng có thể công bố, đây cũng được coi là có tính răn đe đối với hành vi vi phạm bản quyền âm nhạc.

PV: Theo Luật sư, để hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc như hiện nay, Nhà nước cần có những biện pháp gì?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Để hạn chế tình trạng vị phạm bản quyền tác phẩm âm nhạc, một số biện pháp sau đây có thể tính tới:

Cơ quan chức năng có thể sửa quy định hiện hành theo đó việc cấp phép cho chương trình biểu diễn cần phải kèm theo thỏa thuận hoặc hợp đồng tác quyền với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có tác phẩm được sử dụng trong chương trình.

Chủ sở hữu tác phẩm và tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả có thể khởi kiện một số vụ việc tiêu biểu, từ đó nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề bản quyền.

Các cơ quan chức năng cũng có thể áp dụng biện pháp hành chính để xử lý các vi phạm bản quyền, từ đó sẽ nâng cao ý thức của các đơn vị và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn.

Cần nâng cao nhận thức của xã hội về vấn đề bản quyền âm nhạc, bản quyền, đặc biệt các tổ chức đại diện cần phải phổ biến về mức phí tác quyền, phân tích xem mức phí đó là cao hay thấp, lắng nghe nhau để xem việc mua bản quyền như thế là hợp lý chưa?

Có thể nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia có điều kiện kinh tế xã hội gần giống Việt Nam và các quốc gia phát triển xem họ đã tổ chức việc thu phí bản quyền thế nào? Chống vi phạm bản quyền ra sao? Từ đó có thể áp dụng các cách thức và biện pháp hợp lý cho Việt Nam.

Chỉ khi các biện pháp nêu trên được thực hiện thì vấn đề bản quyền mới có thể giải quyết được.

Xin chân thành cảm ơn Luật sư!

PHƯƠNG VY

Nguồn: Bài viết về vấn đề bản quyền âm nhạc