Một người đang có 70% vốn điều lệ tại một công ty sau đó trở thành công chức thì có phải bán phần vốn điều lệ (cổ phần hoặc vốn góp) của mình không?

0
987

Việc sở hữu 70% phần vốn góp của cá nhân tại một công ty trách nhiệm hữu hạn là không bị cấm vì đây là quyền sở hữu của công dân. Kể cả trong trường hợp công dân trở thành công chức thì cũng không thể loại bỏ quyền sở hữu tài sản. Do đó, việc một cá nhân sở hữu 70% vốn rồi trở thành công chức thì không vi phạm bất cứ quy định nào của pháp luật.

Luật Doanh nghiệp 2005, pháp luật về cán bộ công chức và Luật phòng chống tham nhũng 2005 chỉ cấm cán bộ, công chức, viên chức thành lập, tham gia thành lập, tham gia quản lý điều hành và góp vốn vào doanh nghiệp. Trong câu hỏi trên, cá nhân sở hữu phần vốn rồi mới trở thành công chức nên không có các hành vi thành lập, tham gia thành lập, tham gia quản lý điều hành và góp vốn vào doanh nghiệp. Do đó, cá nhân không cần phải bán phần vốn của mình trong công ty. Tuy nhiên, cần có quy định một công chức có chức vụ quản lý Nhà nước một cấp nào đó thì phải giao việc quản lý vốn lại cho một tổ chức nào đó.

 Tình huống: Ông Nguyễn Văn M có 70% phần vốn tại công ty trách nhiệm hữu hạn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên. Sau đó, ông M trở thành công chức. Ông M có được giữ lại 70% phần vốn của mình tại công ty trách nhiệm hữu hạn này không? Ông M có phải bỏ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên không?

Theo phân tích ở trên thì không có quy định nào buộc ông M phải bán phần vốn của mình khi trở thành công chức. Tuy nhiên, điểm b khoản 1 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng 2005 lại cấm cán bộ, công chức, viên chức “Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Việc ông M giữ lại 70% vốn thì vẫn là thành viên Hội đồng thành viên và bỏ phiếu để thông qua các quyết định của Hội đồng thành viên. Điều này dẫn đến có ý kiến cho rằng cá nhân có hành vi “tham gia quản lý, điều hành” doanh nghiệp, mà hành vi này bị cấm bởi Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng 2005.

Vì vậy, yêu cầu bức thiết hiện nay là làm rõ khái niệm “tham gia quản lý, điều hành” doanh nghiệp quy định tại Luật phòng chống tham nhũng 2005 để cơ quan nhà nước và nhất là cán bộ, công chức hành xử cho đúng pháp luật.

Đối với chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên, theo quy định tại khoản 17 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005 thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người quản lý doanh nghiệp. Nhưng khi ông M trở thành công chức thì pháp luật cán bộ công chức cấm ông M “tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp”, mà người quản lý doanh nghiệp chắc chắn là tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp nên ông M bị cấm làm người quản lý doanh nghiệp. Vì vậy, ông M phải từ bỏ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Theo Luật gia: Cao Bá Khoát và Luật sư : Trần Hữu Huỳnh.