Chiến lược khai thác quyền sở hữu trí tuệ

0
430

Nhận lời mời của ban biên tập chương trình Sở Hữu Trí tuệ Và cuộc sống, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty Luật SBLAW đã có phần trao đổi về vấn đề Khai thác quyền sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.

SBLAW trân trọng giới thiệu nội dung chương trình:

BTV: Thưa quý vị và các bạn. Để giúp các doanh nghiệp cũng như các cá nhân, tổ chức có thể khai thác tốt quyền sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu công nghiệp thì trong chuyên mục ý kiến chuyên gia tuần này, chúng tôi có cuộc trao đổi với chuyên gia về vấn đề này. Xin mời quý vị và các bạn theo dõi.

Xin chào Ông.Cám ơn Ông đã tham dự chương trình của chúng tôi ngày hôm nay.  Thưa Ông trong quá trình hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các doanh nghiệp cần lưu ý những gì khi đầu tư cho các đối tượng sở hữu công nghiệp ạ?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Từ lợi ích cơ bản của sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, tên thương mại, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cần phải xây dựng chiến lược đầu tư cho các đối tượng này:

Đầu tư vào sản xuất, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để tạo ra ưu thế về công nghệ, để tạo ra sáng chế, giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp mới. Đầu tư vào nghiên cứu và điều tra thị trường nhằm thăm dò, nhận xét về thị hiếu, khẩu vị của người tiêu dùng, phong cách sống, nhằm xác định những sự đổi mới trong tiêu dùng trong từng giai đoạn.

Đầu tư cho việc đưa thông tin đến người tiêu dùng nhằm khuyến khích tính độc đáo của tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá, chỉ dẫn địa lý, tạo ra sự vượt trội (sự nhận biết) đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp của mình so với người khác.

Nếu thiếu sự quảng cáo thì không phát huy được giá trị tiềm ẩn của các đối tượng này, không làm cho người khác biết. Đầu tư cho các đối tượng này chỉ sinh lợi nếu như thông tin nhanh chóng về đến được với công chúng. Vì vậy cần đánh giá, nghiên cứu, có chiến lược quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp sao cho có hiệu quả.

BTV: Thưa Ông. Chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các chính sách xác lập quyền, khai thác quyền đó và chính sách giám sát quyền sở hữu trí tuệ. Một chính sách hoàn thiện như vậy sẽ giúp doanh nghiệp bảo vệ và phát triển giá trị cốt lõi của chính doanh nghiệp mình. Vậy Ông có thể đưa ra một số chiến lược bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp được không ạ?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Một chiến lược Sở hữu trí tuệ cơ bản thường bao gồm chính sách về xác lập quyền Sở hữu trí tuệ. Mỗi sản phẩm, dịch vụ nhất định có thể được bảo hộ dưới các hình thức quyền sở hữu trí tuệ khác nhau.

Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải xem xét để lựa chọn hình thức bảo hộ phù hợp nhất và đảm bảo rằng tất cả những quyền Sở hữu trí tuệ phải được xác lập đầy đủ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng phải cân đối các chi phí và lợi ích của việc yêu cầu xác lập quyền nhất là đối với sáng chế để phù hợp ngân sách và chính sách phát triển thị trường của mình.

Bên cạnh chính sách tổng thể về xác lập quyền thì định hướng khai thác Sở hữu trí tuệ cũng rất quan trọng.

Các tài sản Sở hữu trí tuệ có thể được khai thác theo nhiều cách khác nhau. Đó có thể là thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ mang đối tượng Sở hữu trí tuệ được bảo hộ; bán các tài sản Sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp khác; thành lập các liên doanh; sử dụng quyền Sở hữu trí tuệ để tiếp cận công nghệ của Công ty khác thông qua các hợp đồng chuyển giao quyền Sở hữu trí tuệ nhằm trao đổi hoặc sử dụng Sở hữu trí tuệ để có được nguồn đầu tư tài chính cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp nên quyết định cho từng trường hợp cụ thể cách thức khai thác tốt nhất.

Chính sách giám sát Sở hữu trí tuệ cũng là một trong những nội dung rất quan trọng trong hoạt động quản lý quyền Sở hữu trí tuệ.

Đó là việc thường xuyên tham khảo các cơ sở dữ liệu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu nhằm phát hiện những giải pháp kỹ thuật hiện tại và các công nghệ mới, xác định đối tác mới cho việc chuyển giao quyền Sở hữu trí tuệ hoặc nhà cung ứng, các thị trường mới tiềm năng, theo dõi các hoạt động của đối thủ cạnh tranh, xác định những người có khả năng xâm phạm và tránh việc xâm phạm các quyền của đối thủ cạnh tranh. doanh nghiệp cũng cần có một chiến lược rõ ràng về thực thi Sở hữu trí tuệ.

Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định vì những thiệt hại có thể phải gánh chịu bởi sự xuất hiện xâm phạm quyền trên thị trường và chi phí tốn kém trong một số tranh chấp về Sở hữu trí tuệ.