Cây tiền tài lộc – Thú chơi mới liệu có vi phạm pháp luật?

0
904

Gần đây, thị trường“cây tiền tài lộc” – được tạo bởi các tờ tiền có các mệnh giá khác nhau đang trở nên “nóng”.

Việc sở hữu “cây tiền tài lộc” trong nhà mình vào dịp Tết Nguyên đán nhằm mong muốn sang năm mới sẽ gặp nhiều điều may mắn, hoạt động kinh doanh buôn bán diễn ra thuận lợi.

Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn liệu thú chơi mới này có vi phạm pháp luật vì hủy hoại đồng tiền quốc gia hay không?.

Để làm rõ vấn đề này, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trao đổi với Phóng viên Việt Trinh, Kênh VTC14.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

PV: Xin ông/bà cho biết, Việc sử dụng tiền làm nguyên liệu sản xuất cây cảnh có vi phạm điều luật nào của VN?

Luật sư trả lời: Tìm một điều luật cụ thể và trực tiếp điều chỉnh hành vi này thì chưa thấy trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về tiền tệ.

Có một văn bản có liên quan là Quyết định 130 ban hành năm 2003 của Thủ tướng về bảo vệ tiền Việt Nam, trong đó nêu rõ cấm hủy hoại đồng tiền Việt Nam bằng bất cứ hình thức nào.

Tuy nhiên, như thế nào là hủy hoại đồng tiền Việt Nam thì lại chưa được định nghĩa cụ thể. Nên việc áp quy định này cho hành vi sử dụng tiền làm nguyên liệu sản xuất cây cảnh nhưng không cắt, ko xé, ko làm rách nát đồng tiền thật cũng chưa thỏa đáng.

Còn nếu người sử dụng đồng tiền thật Việt nam mà lại cắt ra, hoặc làm rách nát đồng tiền đó thì có thể khép vào hành vi HỦY HOẠI đồng tiền và chịu chế tài xử phạt vi phạm hành chính.

PV: Việc vi phạm này sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư trả lời: Như trên tôi đã nêu, nếu người ta chỉ sử dụng đồng tiền làm nguyên liệu mà ko làm rách, nát thì khó có thể khép vào hành vi HỦY HOẠI đồng tiền Việt Nam. Do đó, khó có thể xử lý được.

Nếu việc sử dụng mà phải cắt, hoặc làm rách đồng tiền thì bị khép vào hành vi hủy hoại đồng tiền và chịu xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP ban hành ngày 17/10/2014 thì mức xử phạt từ 10 – 15 triệu đồng.

Cây tiền tài lộc

PV: Việc sản xuất cây “tiền tài lộc” có được nhà nước khuyến khích không?

Luật sư trả lời: Theo thông tin báo chí thì tôi được biết đại diện ngân hàng nhà nước không ủng hộ hành vi này. Ý kiến từ phía ngân hàng nhà nước là hành vi này chưa đúng quy định về bảo vệ tiền tệ Việt Nam.

PV: Trước thực trạng đang mọc lên ngày càng nhiều cơ sở sản xuất cây “tiền tài lộc” theo quan điểm cá nhân ông/bà thì hướng giải quyết như thế nào?

Luật sư trả lời: Theo tôi, hướng giải quyết phải phụ thuộc vào quan điểm và định hướng của cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể và trực tiếp là Ngân hàng nhà nước.

Theo thông tin báo chí thì tôi được biết đại diện ngân hàng nhà nước không ủng hộ hành vi này.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có một quy định nào trực tiếp điều chỉnh hành vi này. Nếu áp hành vi này vào quy định “hủy hoại đồng tiền Việt Nam” cũng là chưa thỏa đáng.

Vì vậy, hướng giải quyết thực trạng nêu trên, theo tôi là cần có văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ về các hành vi sử dụng đồng tiền Việt Nam bị cấm. Trên cơ sở đó mới xử lý được hiện tượng này trên thực tế.