Công nghiệp ô tô Việt Nam, góc nhìn luật sư.

0
407

Trong chương trình luật sư doanh nghiệp kênh truyền hình VITV, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn về các quy định phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

PV: Thưa Luật sư, Luật sư có thể nêu những thay đổi chủ yếu trong biểu thuế suất nhập khẩu linh kiện ô tô vài năm trở lại đây? (Có thể từ năm 2000).

 Luật sư trả lời: Có thể nói, công cụ thuế trong đó có thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô có ảnh hưởng rất lớn đến định hướng và sự phát triển của ngành sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước. Chính phủ, mà ở đây là thông qua Bộ Tài Chính đã dùng công cụ thuế để điều chỉnh nhằm đạt mục tiêu bảo hộ nhà sản xuất trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hoá trong quá trình sản xuất xe.

Từ trước thời điểm năm 2005, việc đánh thuế đối với linh kiện ô tô được áp  theo bộ linh kiện dạng CKD và IKD, tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, Bộ Tài Chính đã xây dựng Biểu thuế suất cho từng linh kiện phụ tùng để thay thế cho cách tính thuế theo bộ linh kiện CKD, IKD. Với cách tính này, thuế suất nhập khẩu linh kiện ô tô đã tăng dần lên và theo hướng giảm bớt sự bảo hộ của nhà nước đối với ngành sản xuất và lắp ráp của các nhà sản xuất ô tô trong nước.

Xu hướng chung là thuế suất nhập khẩu linh kiện ô tô ngày càng tăng, tuy nhiên các mức thuế suất này đã không được duy trì một cách ổn định, lâu dài, ví dụ như trong năm 2008, Bộ Tài Chính đã có tới hơn 02 lần điều chỉnh mức thuế suất nhập khẩu đối với linh kiện và phụ tùng ô tô theo hướng tăng thuế, tuy nhiên, sang đầu năm 2009, mức thuế suất lại được điều chỉnh giảm xuống từ 2 đến 5% so với mức thuế suất cũ.

PV: Trong những thay đổi về chính sách từ trước đến nay, Luật sư cho rằng thay đổi nào có tác động mạnh nhất đến hoạt động sản xuất ô tô trong nước? (Tích cực và tiêu cực)

Luật sư trả lời:  Theo quan điểm của tôi, việc thay đổi chính sách thuế trong giai đoạn nêu trên là việc thực hiện mục tiêu của Chính phủ nhằm xây dựng được một ngành công nghiệp ô tô đích thực cho Việt Nam, tuy nhiên, có thể nhận thấy việc dung công cụ thuế như trên đã không đem lại hiệu quả như mong muốn là xây dựng được ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển, nâng dần tỷ lệ nội địa hoá, ví dụ nhà nước sẽ tăng thuế đối với những linh kiện mà trong nước đã sản xuất được và áp dụng mức thuế xuất thấp đối với các linh kiện Việt Nam chưa sản xuất được.

Tuy nhiên, chính sách này cũng không đem lại hiệu quả khi các nhà sản xuất trong nước không nâng dần tỷ lệ nội địa hoá lên bởi vì chính sách tăng thuế suất đối với linh kiện lại không được đi kèm với các chính sách đồng bộ khác.

 PV: Những thay đổi trong thông tư gần đây nhất của Bộ tài chính về Biểu thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện ô tô? (Thông tư 38/2009/TT-BTC)

Luật sư  trả lời: Như Quý vị đã biết, bước vào năm 2009, nền kinh tế Việt Nam và thế giới rơi vào khủng hoảng sâu và ảnh hưởng rất lớn đến các nhà sản xuất ô tô trong nước vì nhu cầu tiêu dùng xe giảm. Đứng trước thực trạng đó, Bộ TC đã ban hành Thông tư số 38/2009/TT-BTC ngày 27/2/2009, theo đó từ ngày 09/03/2009, thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các linh kiện, phụ tùng ô tô trong Biểu thuế nhập khẩu đãi được điều chỉnh giảm từ 2 – 5%.

Cụ thể là đối với động cơ đốt trong kiểu piston chuyển động tịnh tiến hoặc kiểu piston chuyển động quay tròn, đốt cháy bằng tia lửa điện dùng cho xe chở người dưới 16 chỗ ngồi, chưa lắp ráp hoàn chỉnh áp dụng thuế suất mới 20% thay cho mức 22 – 23% như Thông tư cũ, các bộ phận động cơ giảm xuống còn 15% thay cho mức 20%.

PV: Trong biểu thuế mới này, thuế nhập khẩu linh kiện ô tô giảm nhiều hơn so với trước đây, theo Luật sư, điều này có gây khó khăn cho các DN SX ô tô trong nước hay không?

Luật sư  trả lời: Có thể nhận định là, sau hàng loạt các Quyết định tăng thuế trong năm 2008, thì đây là lần giảm thuế đầu tiên trong năm 2009 sau khi có các kiến nghị của các nhà sản xuất ô tô trong nước về việc giảm thuế trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô.

Với việc giảm thuế này, có thể nhận định các doanh nghiệp SX ô tô trong nước đã tác động được các nhà làm chính sách và việc giảm thuế này sẽ đem lại các lợi ích nhất định cho doanh nghiệp cụ thể là việc giảm thuế đối với linh kiện và phụ tùng dẫn tới giá thành xe lắp ráp trong nước cũng giảm theo, từ đó sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hạ giá thành xe và kích cầu tiêu dùng. giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do khủng hoảng kinh tế.

PV. Theo Luật sư cần có biện pháp gì để tạo thuận lợi hơn cho các DN SX ô tô trong nước? Luật sư có thể nêu một số kinh nghiệm bảo hộ ô tô trong nước của các nước Trung Quốc, nhất là Malaysia, có thể áp dụng cho VN? (VD: hãng Proton của Malaysia.

Luật sư  trả lời: Đứng dưới góc độ pháp luật, theo tôi, để tạo thuận lợi hơn cho các DN SX ô tô trong nước, các nhà làm luật và chính sách, cụ thể ở đây là Chính Phủ, Bộ Tài Chính cần xây dựng được một chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô nhất quán và rõ ràng thông qua các văn bản pháp lý cụ thể như các Nghị định và Thông tư.

Tuy nhiên, trong từng thời kỳ cụ thể, để đạt được mục tiêu của chiến lược, cần phải ban hành những văn bản pháp luật có tính minh bạch, khách quan và có tính dự đoán.. Trước khi ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành sản xuất ô tô trong nước, cần có sự nghiên cứu thấu đáo, lắng nghe ý kiến của các nhà sản xuất trong nước nhằm ban hành được các văn bản có tính ổn định, minh bạch, công khai và nhằm dung hoà được quyền lợi của nhà sản xuất, người tiêu dùng và lợi ích của chính phủ.  

Kinh nghiệm của các nước đi trước Việt Nam trong lĩnh vực bảo hộ ngành sản xuất ô tô trong nước như kinh nghiệm của Malaysia đối với thương hiệu xe Proton cho thấy Chính phủ cần phải có một chính sách rõ ràng ngay từ đầu và thực hiện nó một cách cương quyết, có lộ trình bảo hộ cụ thể. Malaysia đã nhập nguyên, mua đứt bản quyền với hãng Mitsubishi Corp. (Nhật Bản) một dây chuyền sản xuất ô tô bình dân, theo phương thức chìa khoá trao tay, và sản xuất ra chiếc ô tô Proton.

Với chính sách bảo hộ đánh thuế 300% xe nhập và bán trả góp giá thấp, chỉ 3.000USD mỗi chiếc Proton  trong một sớm một chiều, mỗi người dân Ma-lai-xi-a đều có thể sở hữu một chiếc ô tô, và chỉ trong một thời gian ngắn đầu tư này hoàn vốn rồi sinh lãi. Đây cũng được coi là một bài học quý cho các nhà hoạch định chính sách phát triển ngành ô tô Việt Nam, có nghĩa là công cụ thuế chỉ là một mắt xích trong toàn bộ quá trình phát triển ngành công nghiệp ô tô, nó không thể là một biện pháp duy nhất mà cần có sự phối hợp đồng bộ.