Quy định mới về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

0
560

Chính phủ ban hành Nghị định số 21/2015/NĐ-CP vào ngày 14/2/2015 quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác

Nghị định 21 sẽ thay thế các Chương I, III, IV, VII, VIII, IX và Chương X của Nghị định số 61/2002/NĐ-CP ngày 11/6/2002 của Chính phủ về chế độ nhuận bút theo quy định tại Nghị định số 61/2002/NĐ-CP.

So với Nghị định số 61/2002/NĐ-CP, Nghị định 21 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, đối tượng hưởng và mức nhuận bút, thù lao cho phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 và phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Nghị định 21 cũng bổ sung một số chức danh sáng tạo, thay đổi tên gọi của một số chức danh sáng tạo cho phù hợp với thực tế;

Nghị định cũng chỉnh sửa, bổ sung và cụ thể hóa một số thể loại, quy mô tác phẩm và khung nhuận bút, thù lao đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cho phù hợp thực tiễn nhằm tạo sự linh hoạt để bên sử dụng tác phẩm và bên sáng tạo có thể thỏa thuận căn cứ vào chất lượng tác phẩm, nguồn kinh phí được phép sử dụng để chi trả nhuận bút, thù lao và nhằm khuyến khích hơn nữa hoạt động sáng tạo.

Một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất: Quy định về phạm vi điều chỉnh

Nghị định có phạm vi điều chỉnh về nhuận bút, thù lao đối với việc sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

Ngày 14/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2014/NĐ-CP quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Vì vậy, Nghị định số 21/2015/NĐ-CP cùng với Nghị định số 18/2014/NĐ-CP thay thế hoàn toàn Nghị định 61/2002/NĐ-CP.

Thứ hai: Quy định về đối tượng áp dụng của Nghị định.

Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm bằng nguồn kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm mà chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.

3. Về nguyên tắc trả nhuận bút, thù lao

Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số nguyên tắc trả nhuận bút, thù lao quy định tại Nghị định số 61/2002/NĐ-CP cho phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ và thực tiễn:

Nguyên tắc thỏa thuận giữa bên sử dụng tác phẩm với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, giữa các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu với nhau;

Nguyên tắc đảm bảo nhuận bút cho không chỉ tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm phái sinh mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc khi tác phẩm phái sinh được khai thác, sử dụng.

Thứ 4: Quy định về chế độ nhuận bút đối với tác phẩm điện ảnh

Nghị định quy định khung nhuận bút trả cho các chức danh sáng tạo tác phẩm điện ảnh theo tỷ lệ phần trăm (%) của chi phí sản xuất được duyệt, không phân biệt vật liệu ghi hình, căn cứ vào thể loại, chất lượng dành cho phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim phóng sự, phim hoạt hình.

Tên gọi một số chức danh điện ảnh như đạo diễn hình ảnh, thiết kế âm thanh, người làm kỹ xảo được thay đổi; một số mức nhuận bút điện ảnh được điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tiễn. Mức nhuận bút khuyến khích đối với tác phẩm điện ảnh cùng thể loại dành cho thiếu nhi, dân tộc thiểu số được tăng tối đa đến 10%.

Thứ năm: Quy định về nhuận bút đối với tác phẩm mỹ thuật

Nghị định quy định khung nhuận bút đối với tác phẩm mỹ thuật tính theo tỉ lệ phần trăm (%) giá thành tác phẩm, theo đó việc thỏa thuận giữa bên sử dụng tác phẩm mẫu với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không được vượt quá mức này.

Nghị định cũng quy định trong trường hợp tác giả chỉ vẽ mẫu thì được hưởng từ 50% đến 70% mức nhuận bút, phần còn lại trả cho những người dựa vào mẫu vẽ để thể hiện thành tác phẩm mẫu. Tác giả tác phẩm mỹ thuật phái sinh được hưởng từ 40% đến 55% mức nhuận bút, phần còn lại được trả cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc.

Thứ sáu: Quy định đối với tác phẩm mỹ thuật và nhiếp ảnh được sử dụng để trưng bày, triển lãm

Nghị định quy định nhuận bút đối với tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh sử dụng để trưng bày, triển lãm không phụ thuộc vào chất liệu, kích thước, quy mô thể hiện của tác phẩm, được tổ chức, cá nhân trưng bày, triển lãm thanh toán cho tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo khung nhuận bút tính theo mức tiền lương cơ sở. Nghị định điều chỉnh mức nhuận bút trên cơ sở quy mô trưng bày, triển lãm và loại hình tác phẩm để phù hợp với thực tiễn.

Đối với tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh được sử dụng để trưng bày, triển lãmtrong các hoạt động từ thiện, liên hoan, giao lưu hoặc các hoạt động khác không mang tính thương mại, mức nhuận bút do Ban Tổ chức thoả thuận với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Thứ bảy: Quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác

Nghị định quy định hai hình thức thanh toán nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác là theo khung nhuận bút, thù lao hoặc theo khung tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu cuộc biểu diễn. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm thỏa thuận thanh toán với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả theo một trong hai cách thức đó.

Nghị định quy định khung nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác cho 84 chức danh sáng tạo tác phẩm sân khấu, chương trình nghệ thuật tổng hợp, tác phẩm múa và tác phẩm âm nhạc theo quy mô và chất lượng tác phẩm. Nghị định cũng quy định khung tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu cuộc biểu diễn chi trả cho chức danh sáng tạo các tác phẩm sân khấu, chương trình nghệ thuật tổng hợp, tác phẩm múa và tác phẩm âm nhạc để bên sử dụng và tác giả, chủ sở hữu có cơ sở thỏa thuận.

Đối với cuộc biểu diễn thuộc loại hình nghệ thuật xiếc, Nghị định chỉ quy định một hình thức thanh toán nhuận bút, thù lao là theo tỷ lệ phần trăm (%) doanh thu cuộc biểu diễn.

Nghị định cũng đặt ra những quy định khác về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác như nhuận bút, thù lao cho thành phần sáng tạo dạng chuyển thể, phóng tác; nhuận bút khuyến khích đối với một số loại hình tác phẩm; thỏa thuận trả thù lao diễn viên và các chức danh khác thông qua hợp đồng thỏa thuận …

Với những sửa đổi, bổ sung phù hợp với hệ thống pháp luật và điều kiện thực tiễn, mang tính khả thi cao hơn, Nghị định còn nhằm tạo dư luận xã hội quan tâm hơn nữa đến vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả nói riêng vẫn còn mới mẻ và rất phức tạp tại Việt Nam. Từ đó, những người sáng tạo yên tâm hơn trong hoạt động sáng tạo, nhà sử dụng yên tâm khai thác, sử dụng quyền tác giả để có được các sản phẩm giá trị về tư tưởng, văn học, nghệ thuật và khoa học phục vụ công chúng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/4/2015.