Hiện nay, việc giải quyết tranh chấp thương mại ở nước ta chủ yếu thông qua hệ thống tòa án. Trong bối cảnh đó, hòa giải thương mại – một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (Alternative Dispute Resolution – ADR) – có thể là một lựa chọn tốt để đa dạng hóa phương thức giải quyết tranh chấp và giảm gánh nặng cho toà án. Hòa giải thương mại luôn được coi là phương thức hữu hiệu và khá phổ biến trênthế giới, nhất là ở các nước phát triển. Bài viết tập trung làm rõ hai vấn đề: (i) thực trạng khung pháp luật về hòa giải thương mại tại Việt Nam; (ii) một số khuyến nghị hoàn thiện khung pháp luật về hòa giải thương mại ở Việt Nam.
1. Thực trạng khung pháp luật về hòa giải thương mại tại Việt Nam
Tính tới thời điểm năm 2012, phần lớn các tranh chấp thương mại ở Việt Nam được giải quyết bằng phương thức tố tụng tòa án. Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài dù có được sử dụng, nhưng còn hạn chế – chỉ đạt khoảng 1% trong tổng số tranh chấp thương mại[1]. Hòa giải thương mại cũng đã được các bên tranh chấp lựa chọn nhưng phạm vi và hiệu quả áp dụng rất thấp[2]. Thủ tục hòa giải thường chỉ được tiến hành kết hợp với thủ tục tố tụng trọng tài hay tòa án, và trọng tài viên hay thẩm phán đang thụ lý vụ việc đóng luôn vai trò là hòa giải viên[3]. Dịch vụ hoà giải tư nhân hiện cũng được cung cấp bởimột số chuyên gia, công ty tư vấn, văn phòng luật và hiệp hội. Tuy nhiên, các tổ chức này chưa coi hòa giải là một hoạt động chuyên nghiệp, cũng như chưa chú trọng phương thức này[4]. Hơn nữa, một số cá nhân, tổ chức khác có ý định thực hiện hoạt động hoà giải cũng không biết nên bắt đầu từ đâu vì chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng để dịch vụ hoà giải hình thành, tồn tại và phát triển. Về các tổ chức hòa giải chuyên nghiệp, chỉ mới có Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) bên cạnh Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam đưa ra Bộ quy tắc hòa giải và tiến hành cung cấp dịch hòa giải từ năm 2007[5]. Đây là một nỗ lực lớn của VIAC trong việc định hướng cho các bên lựa chọn hòa giải viên và khuyến nghị trình tự, thủ tục cho các bên lựa chọn làm căn cứ cho quá trình hòa giải ngoài tố tụng tư pháp. Tuy nhiên, tính đến năm 2010, VIAC mới chỉ giải quyết 5 vụ việc hòa giải[6]. Nhìn chung, hoà giải thương mại với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp độc lập vẫn còn ít được áp dụng ở Việt Nam[7].
Về phương diện pháp lý, một số điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên như các Hiệp định bảo hộ và khuyến khích đầu tư, Hiệp định thương mại song phương và đa phương cũng quy định hòa giải là một trong các biện pháp cần được ưu tiên khi giải quyết các tranh chấp phát sinh[8]. Cam kết về dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập Tổ chứcThương mại thế giới (WTO) cũng bao gồm cam kết đối với dịch vụ hòa giải thương mại[9]. Trong pháp luật quốc gia, phương thức hòa giải mới chỉ được ghi nhận rất sơ lược trong các văn bản pháp luật như Bộ luật Dân sự 2005, Luật Thương mại 2005, Luật Đầu tư 2005, Luật Trọng tài thương mại 2010[10]. Mặc dù từ năm 1998, Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh về Tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở, nay được thay thế bằng Luật Hòa giải cơ sở năm 2013, hình thức hòa giải cộng đồng được đề cập trong các văn bản pháp luật này không thực sự gắn kết với hoạt động thương mại, mà việc hòa giải – được tiến hành thông qua Tổ hòa giải và hòa giải viên – chỉ nhằm giúp giải quyết các tranh chấp nhỏ phát sinh liên quan đến đời sống hàng ngày ở các khu dân cư[11]. Dù Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã thể hiện chủ trương “khuyến khích giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”, đến nay, pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu các quy định điều chỉnh trực tiếp, toàn diện hòa giải thương mạinhư một phương thức giải quyết tranh chấp độc lập với tòa án và trọng tài.
Trong bối cảnh thiếu vắng khung pháp lý điều chỉnh phương thức hòa giải thương mại, việc gấp rút xây dựng một Nghị định quy định trực tiếp về hòa giải thương mại theo như chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 808/QĐ-TTg ngày 29/6/2012 về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 là hết sức cần thiết. Nghị định này sẽ tạo hành lang pháp lý để khuyến khích việc sử dụng hòa giải như một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại, góp phần giảm tải cho hoạt động xét xử của toà án. Việc ban hành Nghị định riêng về hòa giải thương mại cũng tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành, phát triểncác tổ chức hòa giải và thể chế hóa cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
2. Một số khuyến nghị hoàn thiện khung pháp luật về hòa giải thương mại
Việc xây dựng khung pháp luật riêng cho hòa giải thương mại theo mô hình hòa giải độc lập ở Việt Nam là hết sức cần thiết. Dù nhiều quốc gia không ban hành khung pháp luật riêng về hòa giải thương mại và nhiều học giả cho rằng, điều đó cũng không cần thiết bởi hòa giải là việc riêng tư và tự nguyện của các bên tranh chấp, thì việc ban hành pháp luật riêng về vấn đề này ở Việt Nam là rất có ý nghĩa. Đây sẽ là bước đi mạnh mẽ và minh bạch của Việt Nam trong việc thể chế hóa cam kết gia nhập WTO, cũng như để khuyến khích việc sử dụng độc lập phương thức giải quyết tranh chấp này ngoài mô hình truyền thống đã có là kết hợp với trọng tài hay tòa án. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, khung pháp luật riêng về hòa giải thương mại không chỉ có ý nghĩa về mặt pháp lý với tư cách như những quy phạm tạo khuôn mẫu cho việc hành xử giữa các bên tranh chấp mà còn mang ý nghĩa giáo dục, góp phần vào việc nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội, đặc biệt là các doanh nhân đối với phương thức giải quyết tranh chấp này. Việc ghi nhận mô hình hòa giải độc lập này bằng một Nghị định như chỉ đạo của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay là phù hợp, về dài hạn có thể hướng tới việc tổng kết, rút kinh nghiệm để ban hành một luật riêng về hòa giải thương mại như ở Ấn Độ, Nhật Bản hay Phi-lip-pin[12].
Khi xây dựng nội dung Nghị định về hòa giải thương mại, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề cốt lõi sau đây:
Thứ nhất, về tiêu chuẩn hòa giải viên
Với tư cách là người hỗ trợ các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp, không phải là người đưa ra kết luận, quyết định hay phán quyết cuối cùng như trọng tài hay thẩm phán, hòa giải viên giỏi không đơn thuần là người có hiểu biết về chuyên môn mà quan trọng hơn phải là người có khả năng thuyết phục, đàm phán, dẫn dắt các bên tranh chấp đạt được tiếng nói chung. Dù một số văn bản pháp luật như Luật mẫu về Hòa giải thương mại của UNCITRAL 2002 không đề cập vấn đề tiêu chuẩn hòa giải viên, nhưng xét trong bối cảnh một đất nước đang phát triển và để đảm bảo bước đầu cho sự phát triển ổn định của phương thức hòa giải, việc đưa ra các quy định pháp lý về tiêu chuẩn tối thiểu về chuyên môn hay năng lực hành vi dân sự của hòa giải viên ở Việt Nam là chấp nhận được. Các tiêu chuẩn thiên về định tính như kỹ năng hòa giải, dù rất cần thiết và mang tính sống còn đối với hoạt động hòa giải, nhưng khó định lượng, nên để cho các trung tâm hòa giải tự quy định và thẩm định.
Về việc đào tạo nghề cho hòa giải viên, Luật mẫu về Hòa giải thương mại của UNCITRAL 2002 không đề cập, nhưng thế giới hiện tồn tại 3 mô hình tiếp cận cơ bản liên quan việc đào tạo nghề cho hòa giải viên: (i) mô hình đào tạo nghề bắt buộc theo chương trình do nhà nước quy định và được thực hiện bởi cơ quan nhà nước; (ii) mô hình đào tạo nghề theo chương trình khung do nhà nước ban hành nhưng có thể do tổ chức tư nhân thực hiện; (iii) mô hình đào tạo nghề hoàn toàn do các tổ chức tư nhân thực hiện[13]. Mô hình thứ nhất hiện có rất ít quốc gia sử dụng (ví dụ Áo, Nga), trong đó có sự can thiệp sâu của nhà nước cả về chương trình lẫn cơ quan tổ chức đào tạo. Ở mô hình thứ hai, nhà nước (ví dụ ở Đức) chỉ can thiệp về mặt chương trình đào tạo để định hướng các kiến thức, kỹ năng cần phải có của một hòa giải viên. Trong khi đó, mô hình thứ ba trao toàn bộ quyền quyết định về yêu cầu đào tạo, yêu cầu chuyên môn và kỹ năng của hòa giải viên cho thị trường tự quyết định. Theo đó, ví dụ ở Anh, việc đưa ra yêu cầu chuyên môn, kỹ năng và tổ chức đào tạo sẽ do các tổ chức/trung tâm hòa giải tự quyết[14]. Phù hợp với tính chất riêng tư và tự nguyện của hoạt động hòa giải và cũng tương tự như mô hình đào tạo hiện hành đối với trọng tài viên, Việt Nam nên áp dụng mô hình thứ 3, trao quyền cho các tổ chức nghề nghiệp chủ động trong việc đào tạo, bồi dưỡng đối với các hòa giải viên.
Thứ hai, về địa vị pháp lý của hòa giải viên
Theo đúng bản chất, phương thức hòa giải đặt trong tương quan so sánh với các phương thức giải quyết tranh chấp khác thì hòa giải viên luôn là người hỗ trợ, tư vấn cho các bên trong việc tìm kiếm tiếng nói chung, giải pháp chung đối với tranh chấp. Hòa giải viên không thể ở vị thế đưa ra phán quyết buộc các bên tuân theo như trọng tài viên.
Trong quá trình hòa giải, nghĩa vụ của hòa giải viên là phải hoạt động độc lập, khách quan, công bằng và theo lẽ phải. Đây là yêu cầu bao trùm đối với hòa giải viên. Hòa giải viên phải thông báo về các tình huống, yếu tố ảnh hưởng tới sự độc lập và vô tư của mình, cũng như từ chối tiến hành hòa giải nếu bản thân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc vì lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải. Hoà giải viên có nghĩa vụ bảo mật thông tin về vụ việc tranh chấp mà mình giải quyết, trừ trường hợp được sự chấp thuận của các bên tranh chấp, hoặc phải cung cấp thông tin cho các cơ quan thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hoà giải viên không được trở thành người đại diện hay tư vấn cho một trong các bên. Hòa giải viên cũng không được làm trọng tài viên đối với cùng vụ tranh chấp đang hoặc đã tiến hành hòa giải, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Tuy nhiên, như quy định trong Luật mẫu về hòa giải và Quy tắc hòa giải, cũng cần có các quy định để đảm bảo quyền hành xử mềm dẻo của hòa giải viên trong quá trình hoà giải. Theo đó, hoà giải viên có quyền yêu cầu các bên tranh chấp cung cấp bản tóm tắt vụ việc cũng như các thông tin liên quan. Hòa giải viên có quyền gặp trực tiếp hoặc liên lạc với các bên tranh chấp một cách riêng rẽ hoặc cùng lúc. Hòa giải viên có quyền đưa ra các đề xuất giải quyết vụ việc trong bất kỳ thời điểm nào của quá trình hòa giải.
Thứ ba, thành lập một Trung tâm hòa giải thương mại thí điểm
Đặt trong bối cảnh bước đầu xây dựng khung pháp lý riêng về hòa giải thương mại và đặc biệt là, khi nhận thức của cộng đồng về phương thức này còn hạn chế, việc cho phép thành lập nhiều trung tâm hòa giải thương mại có thể mang lại những ảnh hưởng tiêu cực. Hoạt động thiếu chuyên nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh của một vài trung tâm có thể dẫn tới sự đánh giá tiêu cực của xã hội đối với cả các trung tâm hòa giải hoạt động nghiêm túc cũng như cho cả phương thức hòa giải. Hệ lụy này đã và đang diễn ra ở chừng mực nhất định đối với các trung tâm trọng tài[15]. Thêm vào đó, việc cho phép thành lập nhiều trung tâm hòa giải ngay lúc này cũng không cần thiết do nhu cầu hòa giải hiện tại (như đã đề cập ở trên) và trong ngắn hạn – vẫn còn hạn chế. Dù kỳ vọng cộng đồng doanh nhân sẽ ngày càng sử dụng nhiều hơn phương thức hòa giải, nhưng không phải là chuyện một sớm một chiều. Có thể thấy rõ điều này ở lĩnh vực trọng tài, khi mà nhiều trung tâm trọng tài hiện vẫn chỉ tồn tại trên giấy tờ thay vì các hoạt động cụ thể.
Vì vậy, trong giai đoạn đầu, Nhà nước nên thành lập thí điểm một Trung tâm Hoà giải thương mại độc lập. Trung tâm hoà giải thương mại này là tổ chức phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, được giám sát, bảo trợ bởi Bộ Tư pháp hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có liên kết chặt chẽ với nhiều hiệp hội nghề nghiệp và thương mại. Kinh nghiệm hoạt động của Trung tâm Hòa giải thương mại độc lập thí điểm này sẽ là cơ sở để tổng kết, đánh giá và xác định các bước triển khai tiếp theo đối với mô hình tổ chức trung tâm hòa giải thương mại.
Thứ tư, về thủ tục hòa giải
Hiện nay, không có một quy trình hoà giải mang tính thống nhất, mà mỗi trung tâm hoà giải và mỗi hòa giải viên sẽ áp dụng những quy trình riêng phù hợp với nội dung và tính chất của vụ tranh chấp[16]. Theo đó, thủ tục hoà giải phải linh hoạt, đảm bảo các bên tranh chấp có thể sắp xếp thời gian, địa điểm, trình tự và nội dung hòa giải. Các bên có thể đề xuất với hoà giải viên về những thay đổi trong quy trình hoà giải sao cho phù hợp với hoàn cảnh của mình, đồng thời có thể tham gia cả quá trình cho đến khi hoà giải xong, hoặc ngừng tham gia hòa giải nếu thấy không hiệu quả hay muốn giải quyết bằng phương thức khác.
Các quy định về hoà giải thương mại cần thể hiện rõ sự khác biệt của thủ tục hòa giải với thủ tục trọng tài và tòa án; không khuyến khích các bên việc sử dụng thủ tục trọng tài hay tòa án khi đang tiến hành hòa giải.
Thứ năm, về giá trị pháp lý của thỏa thuận lựa chọn phương thức hòa giải để giải quyết tranh chấp (thỏa thuận hòa giải)
Theo quy định của pháp luật nhiều nước, pháp luật Việt Nam hiện hành[17], Luật mẫu về hòa giải và Quy tắc hòa giải, thì cho dù đã có thỏa thuận hòa giải, tòa án hay trọng tài vẫn có thể thụ lý vụ việc tranh chấp của các bên để giải quyết. Trong khi đó, pháp luật một số nước (như Anh, Úc, Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản)[18] lại quy định tòa án hoặc trọng tài không được thụ lý vụ việc để giải quyết nếu các bên đã có thỏa thuận hòa giải. Với đặc thù của hoạt động hòa giải, việc quy định như Luật mẫu về hòa giải, Quy tắc hòa giải về giá trị pháp lý của thỏa thuận hòa giải là phù hợp và nên được tiếp thu. Thỏa thuận hòa giải có điểm giống với thỏa thuận trọng tài là đều là sự tự nguyện của các bên tranh chấp trong việc lựa chọn phương thức giải quyết. Tuy nhiên, trong hòa giải thì giải pháp giải quyết tranh chấp chỉ đạt được khi các bên tranh chấp thực sự có được tiếng nói chung, hòa giải viên chỉ là người hỗ trợ các bên đạt được điều đó, trong khi đối với trọng tài thì kết quả của tranh chấp phụ thuộc vào phán quyết của trọng tài viên chứ không nhất thiết phải có sự đồng thuận của các bên tranh chấp. Do đó, nếu một trong các bên tranh chấp không còn mong muốn thực hiện đúng thỏa thuận hòa giải, để tìm đến tòa án hay trọng tài, thì dù có quy định bắt buộc tòa án hay trọng tài phải từ chối thụ lý trong các trường hợp đó, thì cũng khó đem lại kết quả hòa giải thành giữa các bên.
Thứ sáu, về giá trị thi hành của thỏa thuận hòa giải thành
Luật mẫu về hòa giải (cũng như Quy tắc hòa giải) chỉ quy định việc các bên chịu sự ràng buộc với thỏa thuận hòa giải thành, nhưng để ngỏ phương thức thức thi hành thỏa thuận hòa giải thành. Các nước hiện có 3 cách tiếp cận chủ yếu đối với giá trị thi hành của thỏa thuận hòa giải thành:
Thứ nhất, thỏa thuận hòa giải thành không có giá trị pháp lý như là phán quyết của cơ quan tài phán, mà chỉ như một hợp đồng giữa hai bên tranh chấp (ví dụ ở Pháp, Thái Lan, Canada, Mỹ)[19]. Nếu một trong hai bên không thực thi, bên còn lại có thể khởi kiện ra toà án trên cơ sở bằng chứng là thoả thuận hoà giải. Thông thường, toà án sẽ ra quyết định công nhận thoả thuận này và yêu cầu thực thi như một phán quyết.
Thứ hai, thỏa thuận hòa giải thành được coi là một hợp đồng đặc biệt và được đăng ký và thi hành ngay, không cần có quyết định của tòa án (ví dụ ở Phi-lip-pin)[20].
Thứ ba, thỏa thuận hòa giải thành được công nhận giá trị thi hành bởi tòa án (thông qua quyết định công nhận hoặc xác nhận), nhưng không phải thông qua xét xử (ví dụ Ý, Trung Quốc, Ấn Độ)[21].
Trong khi mô hình thứ hai và thứ ba đều cho phép thi hành thỏa thuận hòa giải thành ngay lập tức hoặc thông qua sự công nhận của tòa án, thì mô hình thứ nhất chỉ ghi nhận thỏa thuận hòa giải thành như một hợp đồng mới giữa các bên. Tuy ở mô hình thứ nhất thỏa thuận hoà giải thành chỉ được coi như một hợp đồng mới giữa các bên tranh chấp, nhưng xét tới cùng, nếu tòa án xét xử đúng thì rốt cục cũng sẽ ghi nhận phương án đã được thống nhất giữa các bên. Vì vậy, để tiết kiệm thời gian, chi phí, đơn giản hoá thủ tục và cũng để khẳng định một cách mạnh mẽ giá trị thi hành của thỏa thuận hòa giải thành, tăng sức hấp dẫn của phương thức hòa giải, Việt Nam nên công nhận giá trị thi hành của thỏa thuận hòa giải thành như đối với phán quyết của trọng tài. Lẽ dĩ nhiên, để làm được việc đó, cần có sự sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan./.
[1]Báo cáo định hướng xây dựng Dự thảo Nghị định về Hoà giải thương mại tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn xây dựng Nghị định về hòa giải thương mại”, TP. Hồ Chí Minh, 2014.
[2] Dương Quỳnh Hoa, Hòa giải – một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế; Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp; số 23/2011
[3] Lưu Hương Ly, ‘Hòa giải trong thương mại và phát triển phương thức hòa giải trong thương mại ở Việt Nam‘ Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp; 10/2011 .
[4] Lê Thị Hoàng Thanh, Một số vấn đề cần quan tâm khi xây dựng thể chế pháp lý về hoà giải thương mại Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Kinh nghiệm Quốc tế và thực tiễn xây dựng Nghị định về hoà giải thương mại (2014).
[5] Lưu Hương Ly, xem chú thích 3.
[6] Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), Dự án điều tra cơ bản về “Thực trạng tranh chấp và giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam, vai trò của các thiết chế tư pháp, bổ trợ tư pháp (2010).Tính đến nay, VIAC mới chỉ giải quyết 8 vụ hòa giải (Phát biểu của LS Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn xây dựng Nghị định về hòa giải thương mại”, TP. Hồ Chí Minh, 2014).
[7] Như trên.
[8] Dương Quỳnh Hoa, xem chú thích 2.
[9] Cam kết về dịch vụ hoà giải tranh chấp giữa các thương nhân được ghi nhận trong Biểu cam kết dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO, phần dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý CPC 86692.
[10] Điều 12 Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 quy định: “Trong quan hệ dân sự, việc hòa giải giữa các bên phù hợp với quy định của pháp luật được khuyến khích”. Điều 317 Luật Thương mại 2005 quy định hòa giải là một trong các hình thức giải quyết tranh chấp trong thương mại. Điều 12 Luật Đầu tư 2005 quy định: “Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hoà giải, Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định của pháp luật”. Điều 9 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên có quyền tự do thương lượng, thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Hội đồng trọng tài hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp”.
[11] Hoàng Anh, ‘Một số vấn đề cần quan tâm khi xây dựng dự thảo Nghị định về hòa giải thương mại’ (2013) <http://www.moj.gov.vn/ct/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=5950>, truy cập ngày 8/9/2014.
[12] Luật về Trọng tài và hòa giải (năm 1996) của Ấn Độ; Luật về Các biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng (năm 2004) của Phi-lip-pin; Luật Khuyến khích sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài tố tụng (năm 2004) của Nhật Bản.
[13]Lê Văn Tuấn, Quản lý hoạt động hòa giải thương mại – Kinh nghiệm một số nước và việc áp dụng đối với thực tiễn ở Việt Nam (Paper presented at the Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn xây dựng Nghị định về hòa giải thương mại”, TP. Hồ Chí Minh, 2014)
[14] Như trên.
[15] Bình luận của LS Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), tại Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn xây dựng Nghị định về hòa giải thương mại”, TP. Hồ Chí Minh, 2014)
[16] Lê Thị Hoàng Thanh, xem chú thích 4.
[17] Như trên.
[18] Như trên.
[19] Như trên.
[20] Như trên.
[21] Như trên.
Nguyễn Bá Bình, TS. Phó Trưởng khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Đại học Luật Hà Nội.
Nguyễn Thị Anh Thơ, ThS. Khoa Pháp luật thương mại quốc tế, Đại học Luật Hà Nội.
Nguồn: http://www.nclp.org.vn/thuc_tien_phap_luat/phap-luat-ve-hoa-giai-thuong-mai-va-mot-so-khuyen-nghi-hoan-thien