Quy định luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài và hoạt động tư vấn hôn nhân tại Việt Nam.

0
377

SBLAW giới thiệu một số nội dung theo dạng hỏi đáp về quy định luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài và hoạt động tư vấn hôn nhân tại Việt Nam như sau:

Câu hỏi: Việc tổ chức kết hôn quốc tế giữa Nam và Nữ có được thừa nhận bởi pháp luật trong phạm vi đất nước Việt Nam hay không?

Trả lời: Theo quy định khoản 1 Điều 103 Luật Hôn nhân và Gia đình về kết hôn có yếu tố nước ngoài quy định:

Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.

Việc kết hôn giữa những người nước ngoài với nhau tại Việt Nam trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn”

Căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 103 Luật hôn nhân và Gia đình nêu trên thì việc kết hôn giữa người Việt Nam và người nước ngoài hay giữa những người nước ngoài với nhau ở Việt Nam được điều chỉnh bởi Luật Hôn nhân và Gia đình.

Mặt khác theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình về thẩm quyền giải quyết các việc về hôn nhân và gia đình có yêu tố nước ngoài như sau: “Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc đăng ký kết hôn, nuôi con nuôi và giám hộ có yếu tố nước ngoài theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam”.

Để hướng dẫn quy định về tổ chức kết hôn có yếu tố nước ngoài thì Điều 11 Nghị định 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có quy định về lễ đăng ký kết hôn ở Việt Nam như sau:

“1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn, Sở Tư pháp thực hiện tổ chức lễ đăng ký kết hôn.

2. Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại trụ sở Sở Tư pháp. Khi tổ chức lễ đăng ký kết hôn phải có mặt hai bên nam, nữ. Đại diện Sở Tư pháp chủ trì hôn lễ, yêu cầu hai bên cho biết ý định lần cuối về sự tự nguyện kết hôn. Nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện Sở Tư pháp ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn, yêu cầu từng bên ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ đăng ký kết hôn và trao cho mỗi bên vợ, chồng 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.

3. Giấy chứng nhận kết hôn có giá trị kể từ ngày tổ chức lễ đăng ký kết hôn theo nghi thức quy định tại Khoản 2 Điều này. Việc cấp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn từ sổ đăng ký kết hôn do Sở Tư pháp thực hiện theo yêu cầu của vợ, chồng.

4. Trường hợp có lý do chính đáng mà hai bên nam, nữ yêu cầu gia hạn thời gian tổ chức lễ đăng ký kết hôn quy định tại Khoản 1 Điều này thì được gia hạn ngày tổ chức lễ đăng ký kết hôn, nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn. Hết thời hạn này mà hai bên nam, nữ không đến tổ chức lễ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Giấy chứng nhận kết hôn được lưu trong hồ sơ.

Trường hợp hai bên vẫn muốn kết hôn với nhau thì phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu”.

Như vậy việc Tổ chức kết hôn có yếu tố nước ngoài được Tổ chức tại Sở tư pháp do đại diện Sở tư pháp trủ trì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp tỉnh Cấp Giấy chứng nhận kết hôn.

Câu hỏi: Công ty tư vấn hôn nhân ở Nhật Bản có thể thực hiện hoạt động tư vấn hôn nhân trực tiếp ở Việt Nam mà không cần thành lập chi nhánh hay VPĐD hay không?

Trong trường hợp được thì

+  Công ty đó có thể tập hợp các thành viên nữ có mong muốn kết hôn với người Nhật được không ? ( Nếu không được vui lòng giải thích nguyên nhân )

+ Có thể sắp xếp 1 cuộc gặp gở riêng tư cho người nam và người nữ tìm hiểu nhau không? ( có thông dịch viên đi cùng)

+ Có thể tự làm giấy tờ kết hôn và hướng dẫn cách phỏng vấn với Sở Tư Pháp không ?

Trả lời: Theo quy định tại Điều 29 Nghị định 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài về địa vị pháp lý của Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài quy định:

Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (sau đây gọi là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hoặc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Hội Liên hiệp phụ nữ). Hội Liên hiệp phụ nữ ban hành Quyết định thành lập Trung tâm”.

Mặt khác theo quy định tại Điều 31 Nghị định 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 về Điều kiện thành lập Trung tâm thì các Trung tâm phải đáp ứng các Điều kiện sau:

“1.Có quy chế hoạt động bảo đảm nguyên tắc phi lợi nhuận được Hội Liên hiệp phụ nữ phê duyệt.

2. Có địa điểm, trang thiết bị, nhân lực cần thiết bảo đảm hoạt động của Trung tâm.

3. Người dự kiến đứng đầu Trung tâm là người không có tiền án”.

Như vậy chỉ các Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài phải là đơn vị sự nghiệp thuộc Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hoặc Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Công ty tư vấn hôn nhân ở Nhật Bản không được thực hiện hoạt động tư vấn hôn nhân có yếu tố nước ngoài trực tiếp ở Việt Nam.

Nhưng theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 33 Nghị định 24/2013/NĐ-CP về quyền hạn, nghĩa vụ của Trung tâm như sau: “ Được thực hiện hoạt động hợp tác với tổ chức tư vấn, hỗ trợ hôn nhân hợp pháp của nước ngoài hữu quan để giải quyết những vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài theo quy định của pháp luật”.

Vậy Công ty tư vấn hôn nhân hợp pháp của Nhật Bản chỉ được hợp tác với Trung tâm tư vấn hỗ trợ của Việt Nam.

Câu hỏi: Công ty Nhật có thể nhận tiền từ khách hàng Nhật ( không lấy phí từ khách hàng Việt Nam) được không ?

Trả lời: Theo các quy định và phân tích ở trên thì Công ty Nhật Bản không được thực hiện hoạt động Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài trực tiếp tại Việt Nam.

Vì vậy Công ty Nhật Bản không được nhận tiền từ khách hàng Nhật liên quan đến hoạt động tư vấn, hỗ trợ kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Hiện nay theo thông tin chúng tôi được cung cấp từ Trung ương hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì Trung ương hội đang dự thảo nội dung quy chế tổ chức và hoạt động của các Trung tâm, trong đó có nội dung hợp tác với tổ chức tư vấn, hỗ trợ hôn nhân hợp pháp của nước ngoài.

Nếu sau này Công ty Nhật Bản hợp tác với Trung tâm tư vấn của Việt Nam thì nếu quy chế hợp tác không quy định khác thì Công ty Nhật Bản được thu phí để trang trải chi phí hoạt động và được thanh toán các chi phí hợp lý khác theo quy định pháp luật nhưng phải đảm bảo nguyên tắc phi lợi nhuận.

Điều này được quy định tại điển i khoản 1 Điều 33 Nghị định 24/2013/NĐ-CP về quyền hạn, nghĩa vụ của Trung tâm như sau: “Được nhận thù lao để trang trải chi phí hoạt động và được thanh toán chi phí thực tế hợp lý khác theo quy định của pháp luật, bảo đảm nguyên tắc phi lợi nhuận”.

Câu hỏi: Trường hợp Công ty buộc phải liên kết với Trung tâm tư vấn hôn nhân trực thuộc quản lý của Hội phụ nữ Việt Nam, nếu trung tâm tại khu vực đó không muốn hợp tác, thì công ty có thể liên kết với trung tâm ở tỉnh khác không ?

Trả lời: Hiện tại theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 33 Nghị định 24/2013/NĐ-CP về quyền hạn, nghĩa vụ của Trung tâm như phân tích ở trên thì Công ty Nhật Bản muốn hoạt động tư, hỗ trợ hôn nhân có yếu tố nước ngoài buộc phải thực hiện hợp tác với một Trung tâm hoạt động hợp pháp của Việt nam.

Hiện tại Nghị định 24/2013/NĐ-CP mới quy định quyền của Trung tâm là hợp tác với tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ hôn nhân hợp pháp ở nước ngoài.

Hiện nay Trung ương hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang dự thảo nội dung quy chế tổ chức và hoạt động của các Trung tâm, trong đó có nội dung hợp tác với tổ chức tư vấn, hỗ trợ hôn nhân hợp pháp của nước ngoài. Trong quy chế tổ chức và hoạt động của các Trung tâm sẽ quy định quyền và nghĩa vụ của Trung tâm trong hoạt động hợp tác đối với Tổ chức nước ngoài. Nếu Trung tâm đó không hợp tác với tổ chức nước ngoài trái quy chế thì phải chịu trách nhiệm theo quy chế.

Hiện nay các Trung tâm đang hoạt động trước thời điểm có hiệu lực của Nghị định 24/2013/NĐ-CP mà chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi tên gọi, mô hình tổ chức, hoạt động theo quy định của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP thì không được thực hiện hoạt động hợp tác với tổ chức tư vấn hợp pháp của nước ngoài.

Điều này được quy định tại khoản 4 Điều 18 Thông tư 22/2013/TT-BTP ngày 31/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 24/2013/NĐ-CP ngày 28/3/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài về quyền hạn và nghĩa vụ của Trung tâm như sau:

Trung tâm hỗ trợ kết hôn được thành lập theo quy định của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP ngày 10/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, chưa chuyển đổi tên gọi, mô hình tổ chức, hoạt động theo quy định của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP thì chỉ được hoạt động tư vấn, hỗ trợ và cấp Giấy xác nhận của Trung tâm theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều này mà không được thực hiện các hoạt động theo quy định tại điểm g và điểm h khoản 1 Điều 33 của Nghị định số 24/2013/NĐ-CP.”