Lựa chọn loại hình doanh nghiệp cho Việt Kiều khi kinh doanh tại Việt Nam

0
478

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trả lời phỏng vấn chương trình nhịp cầu Netviet về vấn đề lựa chọn loại hình doanh nghiệp cho Việt Kiều khi kinh doanh tại Việt Nam

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn:

Câu hi: Tôi là một Việt Kiều Mỹ.

Tôi đã định cư ở Mỹ hơn 10 năm, nhưng tôi vẫn còn chứng minh thư của Việt Nam và hộ chiếu Việt Nam.

Nay, tôi muốn về Việt Nam kinh doanh.

Tôi nghe nói là Luật doanh nghiệp mới có nhiều điểm thông thoáng và rất thuận lợi cho nhà đầu tư.

Vậy, cho tôi hỏi: Tôi dự kiến về Việt Nam vào tháng 8/2015.

Tôi nên lựa chọn hình thức doanh nghiệp tư nhân hay công ty TNHH một thành viên do cá nhân tôi làm chủ?  Lựa chọn nào giúp tôi có nhiều ưu đãi về thuế, cũng như thủ tục hành chính hơn?

Tư vn ca Lut sư:

Chào bạn, thật may là bạn vẫn còn chứng minh thư và hộ chiếu Việt Nam.

Nên tôi không phải chia ra thành các trường hợp giả định.

Với hộ chiếu Việt Nam và chứng minh thư Việt Nam, bạn sẽ chịu sự điều chỉnh của các quy định của Luật Doanh nghiệp đối với nhà đầu tư trong nước, tức là các nhà đầu tư mang quốc tịch Việt Nam.

Thời điểm bạn lựa chọn về Việt Nam đầu tư là tháng 8/2015, tức là sau khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015, nên văn bản điều chỉnh hoạt động kinh doanh của bạn tại Việt Nam sẽ là Luật doanh nghiệp năm 2014 – tức là Luật doanh nghiệp mới như bạn đã nghe nói đến.

Tôi không thể khuyên bạn nên chọn doanh nghiệp tư nhân hay chọn công ty TNHH một thành viên, mà tôi sẽ chỉ ra cho bạn thấy sự khác nhau giữa hai hình thức pháp lý này để bạn xem hình thức nào phù hợp với chiến lược và kế hoạch kinh doanh của bạn thì bạn hãy lựa chọn.

(i)      Về tư cách của chủ đầu tư:

–         Là như nhau. Cùng là do 1 cá nhân bỏ vốn ra để đầu tư và quyết định mọi hoạt động của doanh nghiệp.

(ii)    Về chế độ trách nhiệm:

–         Rất khác nhau:

  • Ở doanh nghiệp tư nhân, thì chủ đầu tư hay còn gọi là chủ doanh nghiệp, chủ sỡ hữu – tức người sở hữu doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn trước mọi khoản nợ của doanh nghiệp. Nghĩa là, không có sự giới hạn giữa tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản cá nhân của người chủ doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp phát sinh một nghĩa vụ phải trả bằng tiền hoặc bằng tài sản nói chung, thì nếu tài sản của doanh nghiệp tư nhân đó không đủ để trả thì người chủ đó phải bỏ thêm tiền, tài sản cá nhân của mình hoặc vay mượn đâu đó để trả cho bằng đủ.
  • Còn ở trong công ty TNHH 1 thành viên, tuy rằng cũng do 1 cá nhân làm chủ thôi, nhưng cá nhân đó sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ mà người đó đã đăng ký với cơ quan cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp, chứ không phải bỏ thêm tiền của nhà hay tiền từ các nguồn khác.

(iii)   Về tư cách pháp nhân:

–         Doanh nghiệp tư nhân thì không có tư cách pháp nhân, mặc dù cũng vẫn có đầy đủ Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp, có con dấu, có tài khoản ngân hàng, … Nhưng không có tư cách pháp nhân, do chế độ trách nhiệm không giới hạn của chủ doanh nghiệp.

–         Còn công ty TNHH một thành viên thì có tư cách pháp nhân, và chỉ chịu trách nhiệm bằng tài sản thuộc sở hữu của công ty đó, mặc dù người sở hữu cuối cùng thì vẫn là cá nhân người chủ doanh nghiệp.

(iv)  Quyền góp vốn vào các doanh nghiệp khác:

–         Rất khác nhau:

  • Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.
  • Trong khi Công ty TNHH một thành viên thì đương nhiên có quyền đó. Công ty TNHH 1 thành viên có thể đứng tên là một thành viên hoặc một cổ đông trong 1 công ty TNHH 2 thành viên khác, công ty hợp danh khác hoặc công ty cổ phần khác.

(v)    Quyền của chủ sở hữu doanh nghiệp trong việc tham gia góp vốn vào doanh nghiệp khác.

–         Rất khác:

  • Chủ doanh nghiệp tư nhân thì không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.
  • Trong khi đó, chủ sở hữu của một công ty TNHH một thành viên, cũng là 1 cá nhân thì không bị luật giới hạn bởi quy định đó.
  • Luật sư Nguyễn Thanh Hà làm việc cùng phóng viên Ánh Hường
    Luật sư Nguyễn Thanh Hà làm việc cùng phóng viên Ánh Hường

(vi)  Quyền rút vốn, quyền tăng giảm vốn:

–         Rất khác nhau:

  • Ở doanh nghiệp tư nhân thì: Trong quá trình hoạt động, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tăng hoặc giảm vốn đầu tư của mình vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tăng hoặc giảm vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp phải được ghi chép đầy đủ vào sổ kế toán. Trường hợp giảm vốn đầu tư xuống thấp hơn vốn đầu tư đã đăng ký thì chủ doanh nghiệp tư nhân chỉ được giảm vốn sau khi đã đăng ký với Cơ quan đăng ký kinh doanh.
  • Trong khi đó, ở công ty TNHH 1 thành viên, luật không quy định trường hợp được tự do giảm vốn điều lệ đã đăng ký.

Như vậy, việc tăng giảm vốn ở doanh nghiệp tư nhân được thực hiện linh hoạt hơn và đơn giản hơn.

Như bạn thấy về sự khác biệt cơ bản nêu trên của hai loại hình doanh nghiệp này, tùy thuộc và kế hoạch kinh doanh của bạn, bạn lựa chọn lấy một hình thức phù hợp.

Về mặt luật pháp, thì sự khác biệt cơ bản của hai loại hình này là ở chế độ trách nhiệm của người chủ sở hữu đối với các khoản nợ của doanh nghiệp và ở sự linh hoạt trong việc rút, tăng, giảm vốn của doanh  nghiệp. Theo đó, hình thức doanh nghiệp tư nhân sẽ phù hợp trong trường hợp lĩnh vực kinh doanh của bạn đòi hỏi uy tín cá nhân của bạn là yếu tố tiên quyết đối với bạn hàng. Còn trong xu hướng phát triển của ngành thương mại thế giới, thì thông thường các nhà đầu tư luôn muốn tách bạch giữa cuộc sống, tài chính cá nhân với các khoản đầu tư, nên họ thường chọn hình thức công ty – pháp nhân.

Chúc bạn lựa chọn được cho mình một hình thức đầu tư phù hợp.