Nhượng quyền thương mại tại Việt Nam.

0
503

Trong bài trả lời phỏng vấn kênh VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn về hoạt động nhượng quyền thương mại (franchise) tại Việt Nam.

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn này:

PV: Hiện nay, có rất nhiều franchise mới vào Việt Nam (ví dụ như Burger King, Dunkin Donuts, Domino, vv). Ông có thể giới thiệu tóm tắt các bước để một franchisee (người được nhượng quyền thương hiệu) đi đàm phán với 1 franchiser (người nhượng quyền thương hiệu) để mang thương hiệu đó về Việt Nam?

Luật sư: Không có một quy trình chuẩn chung nào trong quá trình thương lượng nhượng quyền thương mại.

Tuy nhiên, trước khi quyết định tham gia vào một hệ thống nhượng quyền thương mại, thì người nhận quyền cần thực hiện các công việc sau đây để đảm bảo sự thành công sau khi nhận nhượng quyền và vận hành trên thực tế:

– Xác định khả năng của bản thân ở đây bao gồm khả năng về mặt tài chính, về nguồn nhân lực, kinh nghiệm thực tế của bản thân, kỹ năng quản lý, mục tiêu đạt được;

– Xác định thương hiệu và tìm hiểm về hệ thống nhượng quyền: Cần phải chắc chắn rằng thương hiệu và hệ thống nhượng quyền được lựa chọn là phù hợp với mục tiêu, khả năng của bản thân.

– Thực hiện việc thương lượng với hệ thống nhượng quyền. Thực tế đối với các hệ thống nhượng quyền thương mại đã được chuẩn hóa cao thì việc thương lượng để thay đổi nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại là rất khó vì việc kinh doanh theo mô hình nhượng quyền cần phải đảm bảo việc vận hành bình thường của toàn hệ thống với cùng một điều kiện cụ thể.

Do đó, việc cố gắng thương lượng để thay đổi nội dung của hợp đồng nhượng quyền là một công việc tốn thời gian và chi phí.

Việc thương lượng lúc này chỉ đảm bảo rằng bạn sẽ hiểu rõ hơn về hệ thống, nắm được các quy định của hệ thống nhượng quyền, các rủi ro trong khi thực hiện hợp đồng và có kế hoạch cụ thể để khắc phục được các hạn chế rủi ro này và tận dụng các lợi thế của một hệ thống nhượng quyền thương mại.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn VTV4 về hoạt động franchise
Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn VTV4 về hoạt động franchise

PV: Quan hệ franchiser, franchisee đó phải tuân thủ luật về nhượng quyền như thế nào? Cụ thể trong bối cảnh ở Việt Nam là như thế nào?

Luật sư: Hoạt động franchise tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về nhượng quyền thương mại.

Luật thương mại năm 2005 đã dành riêng một mục để quy định về nhượng quyền thương mại và Nghị đinh 35/2006/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền sẽ phải tuân thủ một số các quy định sau đây:

– Quy định về điều kiện để được thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại;

– Quy định về quản lý hoạt động nhượng quyền thương mại (đăng ký hoạt động nhượng quyền, báo cáo hoạt động nhượng quyền thương mại hàng năm);

– Quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động nhượng quyền thương mại.

Thông thường điều kiện về kinh doanh hoạt động nhượng quyền thương mại đối với bên nhượng quyền chủ yếu là thời gian hoạt động trên thực tế của hệ thống nhượng quyền, đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ngành nghề kinh doanh nhượng quyền được phép kinh doanh.

Đối với bên nhận nhượng quyền điều kiện để có thể nhận nhượng quyền là có đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp với.

Trong quá trình hoạt động, hệ thống nhượng quyền phải đảm bảo tuân thủ các điều kiện về đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại, báo cáo hoạt động nhượng quyền thương mại hằng năm.

Đối với quyền và nghĩa vụ giữa các bên thì luật thương mại cho phép các bên được tự do thương lượng với nhau (với điều kiện các thỏa thuận không được trái các quy định của pháp luật việt nam)

PV: Khi đi phỏng vấn các franchise, chúng tôi nhận thấy, các franchisee có vẻ dè dặt trong việc trả lời. Theo ông, lý do có phải nằm ở chỗ, họ phải tuân thủ các nguyên tắc và cam kết với bên franchiser ở nước ngoài về việc trả lời báo chí hay không? Điều này cho thấy các franchise ở Việt Nam, nếu muốn đưa các hãng ở nước ngoài vào, thì phải tuân thủ các nguyên tắc của phía nước ngoài. Ông có nhận định gì về điều này? Cam kết này ở môi trường kinh doanh ở Việt Nam được thực thi có gì trở ngại/khác với ở các nước khác không?

Luật sư: Nếu một hợp đồng nhượng quyền được quy định chặt chẽ thì bên nhượng quyền luôn kiểm soát các hoạt động tiếp xúc với truyền thông của bên nhận nhượng quyền.

Do đó, viêc dè dặt trong quá trình tiếp xúc với báo chí, các phương tiện truyền thông là điều dễ hiểu.

Quy định này là điều dễ hiểu và có thể chấp nhận được. Vì nhượng quyền thương mại là hoạt động kinh doanh theo mô hình chuẩn và theo một mạng lưới thống nhất.

Do đó, bất cứ hành vi nào có thể đe dọa đến hoạt động bình thường của mạng lưới và sự ổn định của hệ thống đều cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Việc tiếp xúc với các phương tiện truyền thông cũng được coi là một hoạt động có thể dẫn đến sự mất cân bằng và ổn định cho hệ thống khi có thể tạo ra sự cạnh tranh nội bộ giữa các cửa hàng/điểm bán hàng trong hệ thống với nhau thông qua các phương tiện truyền thông.

Thông thường, các bên nhận nhượng quyền chỉ được quyền tiếp xúc, phát biểu với báo chí sau khi đã có sự đồng ý bằng văn bản của bên nhượng quyền.

PV: Luật về nhượng quyền ở Việt nam đang như thế nào? Nó tác động đến nghĩa vụ và quyền lợi của franchisee và franchiser như thế nào? 

Luật sư: Hiện tại, hệ thống các văn bản pháp luật về nhượng quyền gồm có các văn bản sau đây:

– Luật thương mại (Mục 8, chương 6);

– Nghị định số 35/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thương mại về nhượng quyền thương mại;

– Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP.

– Thông tư số 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành chủ yếu điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại ở góc độ quản lý hoạt động này trên thực tế mà không can thiệp quá xâu vào quyền và nghĩa vụ giữa các bên.

Về nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ giữa các bên là do các bên tự thỏa thuận miễn là các thỏa thuận này không trái với các quy định của pháp luật.

PV: Ông có kiến nghị gì về những điểm cần thay đổi về luật hay không? Những gì còn chưa hợp lý? Những gì có thể sửa đổi để hợp lý hơn?

Luật sư: Về vấn đề này tôi cho rằng các văn bản hướng dẫn thi hành cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn về hoạt động nhượng quyền thương mại, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến luật sở hữu trí tuệ.

Theo quy định của Luật thương mại thì nhượng quyền thương mại là việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền.

Theo quy định nêu trên thì hoạt động nhượng quyền thương mại luôn gắn liền với một đối tượng quyền sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, …)

Tuy nhiên, hiện tại các quy đinh về nhượng quyền thương mại vẫn chưa có những hướng dẫn rõ ràng liên quan đến các đối tượng sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì phần lớn các đối tượng như nhãn hiệu, biểu tượng kinh doanh cần phải đăng ký bảo hộ thì mới có thể được chuyển quyền sử dụng hợp pháp tại Việt Nam.

Tôi cho rằng quy định về nhượng quyền thương mại cần phải quy định rõ điều kiện để thực hiện hoạt động nhượng quyền thương mại là nhãn hiệu, tên thương mại phải là đối tượng đã được bảo hộ tại Việt Nam theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ để đảm bảo bảo vệ tốt nhất quyền lợi của bên nhận quyền.