Quyền thừa kế quyền sử dụng đất của Việt Kiều

0
509

Trong chương trình Nhịp cầu Netviet, Kênh VTC10, luật sư Nguyễn Thanh Hà chủ tịch SBLAW đã trả lời phóng viên về tình huống quyền thừa kế quyền sử dụng đất của Việt Kiều như sau:

Câu hỏi: Tôi là một Việt Kiều Đức, đã định cư tại Đức hơn hai mươi năm.

Nay, bố mẹ tôi di chúc để lại thừa kế cho tôi và một người em trai một ngôi nhà tại Hà Nội.

Hỏi: tôi có được cấp sổ đỏ mang tên tôi không? Tôi có được bán ngôi nhà đó không?

Vì là ngôi nhà bố mẹ tôi để lại cho tôi và người em trai nên tôi phải tiến hành những thủ tục gì khi bán ngôi nhà này? Xin hãy chỉ dẫn cho tôi

Luật sư tư vấn:

Với câu hỏi của bạn, cần hiểu rõ các vấn đề sau đây:

  1. Quyền thừa kế của người Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với tài sản là nhà và đất.
  2. Trình tự, thủ tục cần phải thực hiện để có được quyền đó.

Tôi đi vào từng vấn đề cụ thể như sau:

(i) Căn cứ pháp lý là các văn bản pháp luật sau đây:

– Bộ luật dân sự năm 2005;

– Luật Đất đai năm 2013;

-Luật Nhà ở năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành các luật nêu trên.

(ii) Quyền thừa kế nhà và đất dành cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài:

-Về quyền thừa kế, thì bạn có quyền thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự. Cụ thể trường hợp này, bố mẹ bạn đã di chúc thừa kế cho bạn thì bạn được thừa kế theo di chúc, nếu như di chúc của bố mẹ bạn được xác nhận là hợp pháp.

– Tuy nhiên, bạn có được đứng tên sở hữu tài sản thừa kế là nhà và đất hay không, lại tùy thuộc vào việc bạn có thuộc trường hợp là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà và đất không?

– Đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quyền sở hữu nhà và đất (tức là được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở – mà người Việt Nam hay gọi tắt là Sổ đỏ) được xác định theo quy định tại Điều 126 Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung năm 2009, cụ thể như sau:

Điều 126 của Luật nhà ở được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 126. Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam:

a) Người có quốc tịch Việt Nam;

b) Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư;

người có công đóng góp cho đất nước;

nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam;

người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

2. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.”

– Nếu bạn không đáp ứng được các điều kiện nêu tại Điều 126 Luật Nhà ở như nêu ở trên thì bạn không được quyền sở hữu nhà và đất mà bố mẹ bạn để lại, tức là không được cấp sổ đỏ mang tên của bạn.

(iii) Trình tự, thủ tục cần thực hiện để có được quyền thừa kế:

– Trước tiên, sau khi di chúc có hiệu lực – là thời điểm bố và mẹ của bạn đã qua đời và đã có Giấy chứng tử, bạn và em trai bạn cần phải có mặt tại Phòng công chứng nhà nước hoặc Văn phòng công chứng để tiến hành thủ tục khai nhận thừa kế.

– Sau khi đã hoàn tất thủ tục khai nhận thừa kế, thủ tục tiếp theo cần phải thực hiện sẽ là khác nhau tùy thuộc vào việc bạn thuộc hay không thuộc đối tượng được quyền sở hữu nhà và đất tại Việt Nam, cụ thể như sau:

(a) Trường hợp bạn thuộc đối tượng được quyền sở hữu nhà và đất như nêu tại Điều 126 Luật Nhà ở sửa đổi bổ sung năm 2009 thì bạn và em trai bạn tiến hành thủ tục xin cấp sổ đỏ. Hai anh em bạn có thể cùng đứng tên trên một Sổ đỏ là đồng sở hữu đối với toàn bộ nhà và đất được thừa kế. Hoặc tách thành 02 Sổ đỏ, tùy thuộc vào lúc khai nhận thừa kế, hai anh em bạn đã thống nhất lựa chọn phương án sở hữu chung hay đã tách riêng thành 02 phần.

(b) Trường hợp bạn không thuộc đối tượng được sở hữu nhà và đất tại Việt Nam, thì bạn sẽ không được cấp sổ đỏ mang tên bạn, riêng hoặc chung cùng với em trai bạn.

Trong trường hợp này, bạn có thể thỏa thuận bán ½ thuộc quyền thừa kế của bạn cho em trai bạn hoặc cho một người thứ ba nào khác để nhận thừa kế là giá trị của phần tài sản mà bạn được thừa kế. Bạn cũng có thể tặng cho em trai của bạn phần của bạn.

Hoặc nếu ở giai đoạn khai nhận thừa kế mà bạn từ chối nhận thừa kế thì toàn bộ tài sản thừa kế đó sẽ thuộc về em trai của bạn.

Mời các bạn xem phần tư vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà.