CSCĐ có được xử phạt giao thông?

0
470

Lực lượng cảnh sát cơ động chỉ được phép dừng xe và xử phạt người tham gia giao thông với một số lỗi nhất định được quy định rõ trong điều 68 Nghị định 171/2013/NĐ-CP.

Một tình huống mà bạn đọc đã gửi đến Autocar Vietnam như sau:

“Khoảng 22h30, tôi đang điều khiển chiếc xe máy của mình lưu thông bình thường trên đường phố thì bị hai cảnh sát cơ động (CSCĐ) ngồi trên chiếc xe máy khác chạy áp sát và ra tín hiệu dừng xe lại. Sau khi kiểm tra đẩy đủ giấy tờ xe thì CSCĐ ra quyết định xử phạt tôi với lỗi không có gương chiếu hậu bên trái.

Hỏi pháp luật xử lý như thế nào trong trường hợp này. Lực lượng CSCĐ có được phép tự ý dừng xe người tham gia giao thông hay không? Họ có quyền xử phạt những lỗi vi phạm nào không? Họ có quyền dẫn giải tôi với lỗi không gương về công an phường hay không?”

 

Trả lời

Về thẩm quyền dừng xe của CSCĐ

CSCĐ chỉ được dừng xe vi phạm khi tuân thủ đúng các quy định tại Nghị định số 27/2010/NĐ-CP quy định việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông (CSGT). Khoản 2 Điều 9 Nghị định 27 nêu rõ CSCĐ chỉ khi được huy động phối hợp với CSGT đường bộ theo kế hoạch đã được phê duyệt mới được quyền dừng phương tiện tham gia giao thông.

Còn nếu CSCĐ không được sự điều động của CSGT và không có kế hoạch được phê duyệt thì không có quyền dừng phương tiện vi phạm.

Theo quy định của Nghị định 27 nêu trên, thì khi phối hợp tuần tra, CSCĐ tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có CSGT đường bộ đi cùng thì phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thường xuyên thông báo cho lực lượng CSGT đường bộ về việc tuần tra, kiểm soát của mình.

Nếu phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì được xử phạt vi phạm hành chính những hành vi thuộc quyền xử phạt của mình theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền xử phạt của mình thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.

Như vậy là CSCĐ không có quyền dừng xe và xử phạt đối với lỗi không có gương chiếu hậu bên trái nếu không có kế hoạch phối hợp với CSGT.

Còn nếu có kế hoạch phối hợp thì họ có quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định khi có CSGT đi cùng. Cũng cần biết thêm rằng Khoản 4 điều 68 của nghị định 171/2013/NĐ-CP không quy định việc cho phép CSCĐ xử phạt những vi phạm tại điều 17 của nghị đình này (xe không có gương chiếu hậu bên trái vi phạm điểm a khoản 1 điều 17).

CSCĐ cũng không được dẫn giải người vi phạm giao thông với lỗi như trên về công an phường.

Về thẩm quyền xử phạt của CSCĐ

Khoản 4 điều 68 của Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định thẩm quyền xử phạt của một số lực lượng công an trong đó có CSCĐ. Tuy nhiên, một số lỗi thông thường không nằm trong thẩm quyền xử phạt của CSCĐ đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy như:

+ Điều khiển xe không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng.

+ Điều khiển xe gắn biển số không đúng quy định; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng.

+ Điều khiển xe không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng.

+ Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt.

+ Người đang điều khiển xe sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; người ngồi trên xe sử dụng ô.

+ Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước.

+ Không sử dụng đèn chiếu sáng khi trời tối hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.

+ Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, trừ việc lạng lách đánh võng hay đua xe trái phép…

Làm gì khi bị CSCĐ dừng xe

Lời khuyên cho người tham gia giao thông khi bị CSCĐ tạm dừng phương tiện là cần hỏi rõ lý do tại sao lại bị dừng phương tiện, việc tuần tra kiểm soát có thực hiện theo kế hoạch phối hợp với cảnh sát giao thông hay không? Có được cấp có thẩm quyền phê duyệt hay không?

Nếu không đáp ứng các điều kiện nêu trên, cần bình tĩnh xử lý và đề nghị CSCĐ lập biên bản vụ việc và khiếu nại lên cấp có thẩm quyền.

Các trường hợp lực lượng chức năng được phép dừng xe người tham gia giao thông

Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 65/2012/TT-BCA thì cán bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện để kiểm soát trong các trường hợp sau:

+ Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;

+ Thực hiện kế hoạch, mệnh lệnh tổng kiểm soát của Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;

+ Thực hiện kế hoạch, phương án công tác của Trưởng phòng Hướng dẫn và Tổ chức tuần tra, kiểm soát giao thông thuộc Cục Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên về việc kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ theo chuyên đề;

+ Có văn bản của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra từ cấp huyện trở lên; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự;

+ Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.

Như vậy là khi người tham gia giao thông bình thường, không thuộc các đối tượng nêu trên thì lực lượng chức năng không có quyền dừng xe để kiểm tra.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Công ty Luật SB Law (S&B Law)

Nguồn: http://www.autocarvietnam.com/auto-features/csc272-c243-2734327907c-x7917-ph7841t-giao-th244ng-398515.aspx