Về “tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” KHÔNG GÂY HẬU QUẢ VẪN BỊ TRUY C ỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ

0
347

Đó là điểm khác biệt lớn nhất so với quy định cũ, luật sư Luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW- Hà Nội) khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Tạp chí Nông thôn mới .
Thưa luật sư, Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã có quy định về hành vi vi phạm và chế tài xử lý về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” , vì sao Bộ luật Hình sự năm 2015 phải quy định lại?
Vệ sinh, an toàn thực phẩm hiện đang là nỗi ám ảnh của toàn xã hội. Tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng” đã trở thành khá phổ biến; trong khi đó rất ít trường hợp người sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong trồng trọt, chăn nuôi và người chế biến thực phẩm bị xử lý. Và nếu có bị xử lý cũng chỉ là phạt tiền, đình chỉ hoạt động, rút giấy phép…Bởi vậy thực phẩm bẩn vẫn tràn lan, mà cơ quan chức năng khó có thể xử lý mạnh tay, cho dù Điều 244, Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã có chế tài xử lý về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Để xảy ra tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ lỗ hổng pháp luật quy định về tội danh này. Theo đó Khoản 1, Điều 244 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.” Như vậy, để xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi này, các cơ quan chức năng phải chứng minh được người chế biến, cung cấp biết rõ thực phẩm đó là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh và khi người tiêu dùng ăn phải những thực phẩm này phải xảy ra chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng thì mới bị phạt tù. Hay nói các khác, để cấu thành tội danh này thì dấu hiệu bắt buộc là phải có hậu quả xảy ra (chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe) và phải xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội với hậu quả xảy ra – Thuật ngữ pháp lý gọi là tội phạm cấu thành vật chất.
Tuy nhiên, khi ăn phải thịt lợn có chất tạo nạc Salbutamol, hay rau quả có tồn dư thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật…thì ít khi xảy ra chết người ngay lập tức mà những chất độc hại ngấm dần vào cơ thể, gây nên cái chết từ từ và ảnh hưởng của nó có thể kéo dài sang thế hệ sau, vậy làm sao có thể biết được “gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ” ? Đó chính là lỗ hổng, khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý hình sự đối với người vi phạm sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến thực phẩm bẩn tràn lan, gây lo lắng cho xã hội.
Vậy Bộ luật Hình sự mới đã quy định thế nào để có thể “lấp lỗ hổng” như luật sư nêu trên?
Nhận thấy những bất cập về tội danh này, nên Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016) quy định về “Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” đã có những thay đổi như sau:
– Bỏ yếu tố phải gây hậu quả chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng. Hay nói cách khác không cần phải có hậu quả chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu phát hiện anh sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến…; sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi… tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép;…Đây là thay đổi quan trọng nhất so với quy định cũ.
– Trong khi quy định cũ chỉ quy định: “thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn” là vi phạm mà không nói rõ thế nào là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn. Quy định mới đã làm rõ nội hàm của khái niệm “vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Cụ thể, hành vi sau bị coi là vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, cấu thành “tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”:
+ Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
+ Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
+ Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;
+ Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
– Tăng nặng mức hình phạt: Mức hình phạt cao nhất cho tội danh này lên tới 20 năm tù, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 100.000.000 đồng. ( Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định hình phạt cao nhất đổi với tội danh này là 15 năm người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 50.000.000 đồng).
Những thay đổi trên, đặc biệt là bỏ yếu tố phải gây hậu quả chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng được coi là sự “đột biến”, có tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa, đấu tranh và xử lý đối với loại tội phạm này. Quy định đó không những tạo điều kiện cho cơ quan chức năng có cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm mà còn có tác dụng giáo dục, điều chỉnh hành vi đối với người sản xuất, buôn bán thực phẩm. Đồng thời còn có tác dụng giáo dục răn đe tội phạm.
Luật sư có thể phân tích rõ sự “đột biến” đó?
Như đã nói trên, quy định về “ Tội vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm” trong Bộ luật Hình sự mới không quy định phải có hậu quả chết người hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng xảy ra thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự – Đó là sự thay đổi căn bản về bản chất pháp lý đã chuyển từ tội phạm cấu thành vật chất sang tội phạm cấu thành hình thức.
Theo luật sư với quy định mới này chúng ta có thể ngăn chặn được tình trạng thực phẩm bẩn diễn ra phổ biến hiện nay?
Pháp luật chỉ là một trong những biện pháp và cũng chỉ là công cụ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có căn cứ để xử lý hành vi vi phạm. Nếu pháp luật không điều chỉnh kịp thời, cơ quan chức năng cũng không có cơ sở để xử lý vi phạm và cái ác cứ nảy sinh. Ngược lại có luật rồi, nhưng cơ quan chức năng không kiên quyết, không quyết tâm cao thì pháp luật cũng chỉ nằm trên giấy. Tuy nhiên cơ quan Nhà nước có trăm tay nghìn mắt cũng không thể kiểm soát được hết, cán bộ nào có thể suốt ngày ở bên luống rau để coi có sử dụng chất cấm hay không? Ai có thể giám định từng cây bắp cải ngoài chợ có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay không?…
Pháp luật chỉ có thể thực thi có hiệu quả được khi mà có sự tự giác chấp hành của tất cả mọi người dân. Cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò trò của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể quần chúng như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…trong việc tuyên truyền pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân trong sản xuất, chế biến là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh triển khai các mô hình sản xuất thực phẩm an toàn theo phương pháp VieetGap, hữu cơ, sản xuất theo chuỗi… có như thế pháp luật mới đi vào cuộc sống.
Cảm ơn luật sư!
Lê Chiên (thực hiện)

Mời Quý vị xem thêm phần tư vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà về chế tài sử dụng chất cấm trong chăn nuôi: