Vai trò của nhà tư vấn nội với thương vụ M&A

0
847

Nhận lời mời của ban biên tập báo đầu tư, luật sư Nguyễn Thanh Hà có phần trả lời phỏng vấn với nội dung về vấn đề Vai trò của nhà tư vấn nội với thương vụ M&A.

Mời Quý vị đón đọc tại đây:

Câu hỏi: Trong khoảng vài năm trở lại đây, không khó để thấy các thương vụ M&A thành công do các nhà tư vấn nội địa, trong đó có rất nhiều các thương vụ có giá trị đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu USD. Qua nhận định nêu trên, ông đánh giá như thế nào về năng lực của các nhà tư vấn nội địa vào thời điểm này?
Trả lời: Trong một thương vụ M&A, nhà tư vấn thông thường gồm có tư vấn luật và tư vấn tài chính, những nhà tư vấn luật thường tư vấn về hợp đồng, về điều kiện giao dịch và đặc biệt là tiến hành đánh giá pháp lý của dự án (Due Diligent), nhà tư vấn tài chính sẽ tư vấn về “sức khoẻ” của doanh nghiệp thông qua kết quả kiểm toán.
Hiện nay, các nhà tư vấn nội địa gồm có cả các hãng luật nội địa và các công ty tài chính, kiểm toán đã có đủ năng lực và kinh nghiệm để có thể đảm nhận được những phần tư vấn của các giao dịch M&A.
Thông thường, các nhà tư vấn nội địa trước khi mở các công ty riêng hoặc các nhà tư vấn độc lập cũng đã từng làm việc cho các công ty tư vấn nước ngoài, vì vậy, họ cũng đã có kinh nghiệm và trải nghiệm về M&A và vì vậy, họ hoàn toàn có thể đảm nhiệm được về chuyên môn trong việc tư vấn.
Bên cạnh đó, một trong những điểm mạnh của những đơn vị tư vấn nội đó là họ có nhiều quan hệ với các cơ quan chức năng, am hiểu văn hoá của Việt Nam và đặc biệt hiểu được những thực tiễn và đặc thù chỉ có riêng ở Việt Nam.
Hành lang pháp lý của Việt Nam về M&A còn chưa hoàn thiện, vì vậy, trước khi tiến hành M&A, việc tham vấn không chính thức về khả năng được thông qua của các nhà tư vấn nội với các cơ quan cấp phép là một thế mạnh mà không phải công ty tư vấn ngoại nào cũng có được.
Câu hỏi: Dưới tư cách là một đơn vị nội địa có kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động tư vấn M&A, theo ông, các nhà tư vấn cần có những yếu tố nào để có thể tham gia vào các deal M&A lớn, đặc biệt là các deal có yếu tố của nhà đầu tư nước ngoài?
Trả lời: Để có thể tư vấn được cho các giao dịch có yếu tố nước ngoài thì nhà tư vấn nội cần phải có các yếu tố sau:
Nhất thiết phải có một đội ngũ tư vấn và chuyên gia am hiểu về khách hàng và thị trường mà khách hàng tiến hành kinh doanh.
Khi tư vấn cho các thương vụ nước ngoài, điều đặc biệt là các chuyên gia tư vấn cần có khả năng ngoại ngữ tốt, để có thể làm việc trực tiếp với đối tác mà không phải thông qua phiên dịch.
Các nhà tư vấn phải luôn sát cách cùng khách hàng, chỉ ra những rủi ro trong từng điều khoản của hợp đồng và từ đó đề ra được một chiến thuật đàm phán thành công.
Việc chỉ ra được những rủi ro tiềm tàng rất cần vai trò của nhà tư vấn, thông qua các báo cáo đánh giá pháp lý và báo cáo kiểm toán, nhà đầu tư có thể quyết định có mua hay không mua dự án, mua với giá nào và kế hoạch để vượt qua những rủi ro pháp lý và tài chính mà họ gặp phải.
Đôi khi trong quá trình đàm phán, có sự bế tắc, nhà tư vấn cần phải tìm ra các giải pháp sáng tạo để đảm bảo các bên đều có thể chấp nhận được, giải pháp win win luôn được đặt ra.
Một trong những tố chất nữa của đơn vị tư vấn đó là phải làm việc và thuyết phục các cơ quan chức năng thông qua thương vụ M&A.

Câu hỏi: Trong tương lai, theo ông đánh giá, các nhà tư vấn M&A cần phải cải thiện điều gì để có thể mang lại nhiều giá trị và lợi ích cho hoạt động M&A tại Việt Nam?

Trả lời: Các nhà tư vấn M&A cần có kế hoạch quảng bá hơn nữa trên thị trường để nhà đầu tư nước ngoài có thể biết và tiếp cận, thông thường, các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài vào thường họ hay tin và sử dụng các công ty tư vấn đa quốc gia, đã từng tư vấn cho họ ở thị trường toàn cầu, ở Việt Nam, chưa có một hãng tư vấn nào có quy mô khu vực và toàn cầu.
Việc các nhà tư vấn nội cần luôn cập nhật các biến chuyển của nền kinh tế, không chỉ am hiểu về pháp lý, tài chính đơn thuần mà cần am hiểu nhiều hơn về lĩnh vực kinh doanh của khách hàng để có thể có những giải pháp tư vấn sát với yêu cầu và cũng mang tính sáng tạo.
Khi tư vấn M&A, thông thường nhà tư vấn sẽ bảo vệ lợi ích của khách hàng, tuy nhiên, cũng cần mềm dẻo trong quá trình tư vấn, đảm bảo cho đối tác tiến tới việc ký kết thương vụ trong bối cảnh các bên cùng thắng.
Các nhà tư vấn M&A cũng nên tích cực đóng góp và hoàn thiện cơ chế pháp lý và tài chính tại Việt Nam để cho những cơ chế pháp lý không còn là rào càn cho hoạt động M&A.
Hiện nay, Việt Nam chưa công bố một danh mục các điều kiện kinh doanh có điều kiện và giới hạn tỷ lệ của nhà đầu tư nước ngoài, vai trò của nhà tư vấn là thúc đẩy để Việt Nam sẽ sớm ban hành khung pháp lý cho lĩnh vực này.

Video tư vấn M&A trong lĩnh vực phân phối: