Xung quanh đề xuất của Bộ tài chính đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở lên.

0
443

Xung quanh đề xuất của Bộ tài chính đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở lên, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trao đổi với phóng viên về vấn đề này:

Bộ Tài chính đang có dự định đánh Thuế Tài sản mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều. Chẳng hạn, với những người có 2 – 3 nhà thì nhà thứ hai sẽ bị đánh thuế. Ông nhìn nhận như thế nào về việc ra sắc thuế như thế này?

Trả lời: Theo quan điểm của tôi, trên thế giới hiện nay, đã có nhiều quốc gia áp dụng sắc thuế này, nhằm mục tiêu là xây dụng một thị trường bất động sản minh bạch, tránh đầu cơ nhà đất và đảm bảo bình đẳng cho mọi người trong việc tiếp cận thị trường nhà ở.

Các quốc gia đều có chính sách là khuyến khích người dân có ngôi nhà đầu tiên và từ ngôi nhà thứ 2 và thứ 3 trở đi thì có thể đánh thuế.

Đối với Việt Nam, dưới góc độ luật sư, tôi cho rằng việc áp dụng sắc thuế này trong tương lai là cần thiết vì những lý do sau:

– Dân số Việt Nam đông trong khi diện tích đất lại hạn chế, vì vậy, chính phủ chỉ ủng hộ mỗi hộ gia đình nên có một căn nhà đầu tiên, từ căn nhà thứ 2 trở đi thì cần phải đánh thuế.

– Việc đầu cơ bất động sản hiện nay nhất là tại các thành phố lớn đang diễn ra phổ biến, điều này dẫn tới giá nhà tăng, người dân khó tiếp cận và hơn nữa, là một trong những nguyên nhân xảy ra hiện tượng bong bóng bất động sản, việc đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi cũng làm hạn chế việc đầu cơ.

Theo ông, quy định về thuế này nên hiểu là loại thuế gì và vì sao cần phải đánh như quan điểm của Bộ Tài chính?

Trả lời: Nếu bộ tài chính đánh thuế cho ngôi nhà từ thứ 2 trở đi được coi là một loại thuế trực thu, đánh thẳng vào những người sở hữu nhiều nhà ở.

Bộ tài chính nghiên cứu loại thuế này cũng là học tập mô hình của nước ngoài trong việc quản lý lý thị trường bất động sản, tăng nguồn thu cho ngân sách và chống đầu cơ nhà ở

Hiện tại, có nhiều ý kiến cho rằng việc đánh thuế này là không phù hợp, do chưa rõ mục tiêu đánh thuế để làm gì. Ông có đồng tình với quan điểm này không? Vì sao?

Trả lời: Do đây mới là ý tưởng được nêu ra từ Bộ Tài Chính, vì vậy, Bộ Tài Chính cũng chưa đưa ra những nội dung xoay quanh sắc thuế này, vì vậy, việc thắc mắc từ người dân, những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là có thể lý giải được.

Các doanh nghiệp bất động sản đều muốn bán được hàng, thị trường phát triển và vì vậy, muốn thuế các thấp và càng ít thì càng thúc đẩy người dân mua nhà, đặc biệt là những đối tượng mua nhà từ thứ 2 trở nên nhằm mục đích đầu tư, kinh doanh.

Người dân khi chưa có nhà ở chắc chắn sẽ ủng hộ với mong muốn là giá nhà ở sẽ hợp lý hơn, tránh việc đầu cơ từ người giàu.

Vì vậy, khi xây dựng sắc thuế này, chắc chắn Bộ Tài Chính sẽ phải nghiên cứu kỹ tình hình của Việt Nam, có những lý giải hợp lý và có những đánh giá tác động nghiêm túc đối với những đối tượng chịu sự tác động của luật thuế này.

Theo quy định, sau khi Bộ tài chính dự thảo sẽ phải trình chính phủ, Chính phủ trình quốc hội, Quốc hội mới là cơ quan cuối cùng quyết định có áp dụng hay không áp dụng sắc thuế này.

Nếu có đề ra sắc thuế mới này, theo ông, cần phải đánh như thế nào cho hợp lý?

Trả lời: Theo quan điểm của tôi, cần nghiên cứu kỹ mô hình và đặc thù của thị trường nhà ở và bất động sản ở Việt Nam, chúng ta cần đánh thuế vào đối tượng đầu cơ và đầu tư, nhằm mục tiêu điều tiết thị trường và phục vụ nhu cầu của đại đa số người dân.

Chúng ta cũng nên học mô hình của các quốc gia có điều kiện kinh tế, xã hội giống Việt Nam để có thể đưa ra một sắc luật có tính khả thi cao.

Theo quan điểm của tôi, chúng ta chưa nên đánh thuế ngôi nhà thứ 2 mà nên đánh thuế ngôi nhà từ thứ 3 trở lên và đánh vào những nhà ở cao cấp.

Bên cạnh đó, thời điểm áp dụng nên cân nhắc để đảm bảo lợi ích hài hoà cho doanh nghiệp và người dân.

Thời điểm áp dụng nên từ sau năm 2020 để người dân và doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và hiểu được chính sách mới.