Những điểm mới cần biết về mức lương tối thiểu vùng năm 2017

0
532

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 153/2016/NĐ – CP ngày 14/11/2016 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, Nghị định đã có những thay đổi quan trọng so với Nghị định 122/2015/NĐ – CP mà người lao động, người sử dụng lao động cần phải biết.

Đối tượng áp dụng

Theo Nghị định 153/2016/NĐ – CP, đối tượng áp dụng bao gồm: Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động; doanh nghiệp thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức khác của Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động (trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Nghị định này).

Như vậy, so với Nghị định 122/2015/NĐ – CP thì Nghị định mới đã bổ sung thêm đối tượng áp dụng đó là: “Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật lao động”.

Mức lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2017 sẽ được tăng lên so với mức lương tối thiểu vùng hiện hành, cụ thể như sau:

Vùng Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 Mức lương tối thiểu vùng năm 2017
I 3.500.000 đồng/tháng 3.750.000 đồng/tháng
II 3.100.000 đồng/tháng 3.320.000 đồng/tháng
III 2.700.000 đồng/tháng 2.900.000 đồng/tháng
IV 2.400.000 đồng/tháng 2.580.000 đồng/tháng

Áp dụng mức lương tối thiểu vùng

Mức lương tối thiểu vùng quy định ở phần trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề theo quy định. Như vậy, Nghị định mới đã có sự thay đổi về quy định trong việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng so với quy định hiện hành: Tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 153/2016 đã bỏ đi cụm từ “chưa qua đào tạo” và tại Điểm b Khoản 1 Điều 5 đã bổ sung đầy đủ hơn, quy định thêm cụm từ “làm công việc đòi hỏi người lao động”“đào tạo nghề”.

Người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề bao gồm:

a) Người đã được cấp chứng chỉ nghề, bằng nghề, bằng trung học chuyên nghiệp, bằng trung học nghề, bằng cao đẳng, chứng chỉ đại học đại cương, bằng đại học, bằng cử nhân, bằng cao học hoặc bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ theo quy định tại Nghị định số 90/CP ngày 24 tháng 11 năm 1993 của Chính phủ quy định cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục và đào tạo;

b) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, bằng tốt nghiệp đào tạo nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng, bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ; văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp; văn bằng giáo dục đại học và văn bằng, chứng chỉ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Luật giáo dục năm 1998 và Luật giáo dục năm 2005;

c) Người đã được cấp chứng chỉ theo chương trình dạy nghề thường xuyên, chứng chỉ sơ cấp nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, bằng tốt nghiệp cao đẳng nghề hoặc đã hoàn thành chương trình học nghề theo hợp đồng học nghề quy định tại Luật dạy nghề;

d) Người đã được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia theo quy định của Luật việc làm;

đ) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng; đào tạo thường xuyên và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác theo quy định tại Luật giáo dục nghề nghiệp;

e) Người đã được cấp bằng tốt nghiệp trình độ đào tạo của giáo dục đại học theo quy định tại Luật giáo dục đại học;

g) Người đã được cấp văn bằng, chứng chỉ của cơ sở đào tạo nước ngoài;

h) Người đã được doanh nghiệp đào tạo nghề hoặc tự học nghề và được doanh nghiệp kiểm tra, bố trí làm công việc đòi hỏi phải qua đào tạo nghề.

Danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng

Bắt đầu từ ngày 01/01/2017 sẽ có sự thay đổi về địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng như sau:

– Huyện Tân Thành thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ là Vùng I (hiện hành là Vùng II).

– Thành phố Sông Công, Thị xã Phổ Yên thuộc tỉnh Thái Nguyên sẽ là Vùng II (hiện hành là Vùng III).

– Thành phố Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam sẽ là Vùng II (hiện hành là Vùng III).

– Thành phố Trà Vinh thuộc tỉnh Trà Vinh sẽ là Vùng II (hiện hành là Vùng III).

– Huyện Quế Sơn, Thăng Bình thuộc tỉnh Quảng Nam sẽ là Vùng III (hiện hành là Vùng IV).

– Thị xã Duyên Hải thuộc tỉnh Trà Vinh sẽ là Vùng III (hiện hành là Vùng IV).

– Huyện Giang Thành  thuộc tỉnh Kiên Giang sẽ là Vùng IV (hiện hành là Vùng III).

Nghị định 153/2016/NĐ – CP ngày 14 tháng 11 năm 2016 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Nghị định số 122/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.