Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phóng viên báo Đời sống và pháp luật về Việc áp thuế 5% đối với xi măng xuất khẩu có đúng không?
Câu hỏi: Việc giải thích, tự ý hiểu và coi xi măng là vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm của cơ quan hải quan có đúng thẩm quyền không?
– Về vấn đề giải thích pháp luật:
+ Hiện nay, pháp luật nước ta chỉ quy định về việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh (Khoản 2 Điều 74 Hiến pháp 2013; Khoản 3 Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015) theo đó Ủy ban thường vụ Quốc hội là chủ thể duy nhất có thẩm quyền trong việc giải thích các văn bản trên. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định nào về việc giải thích pháp luật đối với các văn bản quy phạm pháp luật còn lại như nghị định, thông tư….
+ Về thẩm quyền của các cơ quan hải quan: Tại Khoản 11 Điều 2 Quyết định 1169/QĐ – TCHQ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của chi cục hải quan trực thuộc cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố đã quy định chi cục hải quan có thẩm quyền “Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về Hải quan cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn”. Như vậy, theo quy định này thì nhiệm vụ, quyền hạn của các chi cục hải quan đối với các chính sách, pháp luật chỉ bao gồm việc tổ chức tuyên truyền cũng như hướng dẫn thực hiện trên địa bàn của mình, ngoài ra các chi cục hải quan không có chức năng, nhiệm vụ giải thích pháp luật. Do đó trong trường hợp các chi cục hải quan tiến hành giải thích pháp luật là không đúng với thẩm quyền của mình.
– Đối với trường hợp cụ thể về vấn đề các cơ quan hải quan cho rằng xi măng là “Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm ….có giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” thì tôi có ý kiến như sau:
Như tôi đã trình bày ở bài phỏng vấn trước, việc doanh nghiệp và cơ quan hải quan có những quan điểm khác nhau về vấn đề này xuất phát từ việc không rõ ràng trong các quy định của pháp luật, mà cụ thể tại đây là ở Nghị định 122/2016/NĐ – CP được ban hành ngày 01 tháng 09 năm 2016. Do đó theo ý kiến của cá nhân tôi, các cơ quan hải quan tại địa phương khi có thắc mắc về các quy định của pháp luật thì cần xin ý kiến chỉ đạo từ các cơ quan cấp trên mà cụ thể ở đây là Tổng cục hải quan hoặc Bộ Tài chính để có cơ sở pháp lý chắc chắn trong việc áp thuế xuất khẩu đối với mặt hàng xi măng.
Câu hỏi: Trong trường hợp cơ quan hải quan không được tự ý giải thích Luật thì các doanh nghiệp xi măng có được hoàn lại thuế đã nộp hoặc bồi thường thiệt hại hay không? Nêu trình tự nếu có.
– Hiện nay, việc bồi thường thiệt hại cho các cá nhân, tổ chức bị thiệt hại được thực hiện theo quy định tại Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Trong trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại do người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thì cơ quan hải quan trực tiếp quản lý người đó là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Doanh nghiệp khi cho rằng mình bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra có quyền yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, kết luận hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.
– Mặt khác, Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mới chỉ xác định hành vi trái pháp luật của các cá nhân – là những người thi hành công vụ trong công tác quản lý hành chính mà không xác định lỗi của cơ quan nhà nước để xem xét các cơ quan này có trách nhiệm bồi thường hay không. Tuy nhiên khi các doanh nghiệp phát hiện ra cơ quan hải quan đã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng với thẩm quyền của mình thì nên gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền để làm rõ về vấn đề này.
Câu hỏi: Trong trường hợp việc tự ý áp thuế 5% của doanh nghiệp xi măng là sai thì cơ quan hải quan hoặc cá nhân người thi hành công vụ sẽ bị xử lý trách nhiệm như thế nào theo quy định của pháp luật?
– Hiện nay pháp luật chưa có chế tài xử phạt đối với cơ quan nhà nước cũng như cá nhân người thi hành công vụ trong trường hợp này. Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân tôi thì khi phát hiện cá nhân có sai phạm, bên cạnh việc phải bồi hoàn cho cơ quan nhà nước khoản tiền bồi thường thiệt hại thì tại nội bộ các cơ quan có thể tiến hành những hình thức kỉ luật như cảnh cáo, khiển trách… để đảm bảo việc thực thi đúng các quy định của pháp luật.
Câu hỏi: Nếu được mời chính thức, Phía Luật sư có sẵn lòng cùng Hiệp hội doanh nghiệp xi măng hoặc từng DN xi măng tiến hành các thủ tục pháp lý, bao gồm cả khởi kiện ra Tòa có thẩm quyền, để đòi lại quyền lợi chính đáng cho DN xi măng hay không?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 22 Luật luật sư 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2012) thì phạm vi hành nghề luật sư bao gồm: Tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hoặc là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính, việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các vụ, việc khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy trong trường hợp được khách hàng là các doanh nghiệp xi măng tin tưởng, lựa chọn để trở thành người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì chúng tôi trong phạm vi đó.