“Đòn bẩn” trong nông nghiệp phải bị nghiêm trị

0
400

Cây trồng, vật nuôi chết bất thường nghi bị kẻ xấu phá hoại gây hoang mang cho người trồng trọt, chăn nuôi. Nếu có hành vi phạm tội thì người phạm tội cần phải bị nghiêm trị – Đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW) trong cuộc trao đổi với với phóng viên Nông thôn ngày nay/ Dân Việt. Luật sư Hà cho biết:

Thời gian gần đây có rất nhiều vụ gia súc, gia cầm, cây trồng nghi bị kẻ xấu phá hoại như : Đàn gà 2.500 con ở Bình Định, 8 con bò ở Hà Tĩnh đang khỏe mạnh bỗng lăn đùng ra chết: hàng ngàn gốc dưa lưới và nhà kính của nông trang Xanh Green Noen ở thành phố Hồ Chí Minh bị phá hoại… khiến người trồng trọt, chăn nuôi thiệt hại về tài sản bất an. Trong khi đó không ít vụ việc, nguyên nhân và nghi phạm chưa được làm rõ, mặc dù cơ quan chức năng đã vào cuộc càng làm cho người trồng trọt, chăn nuôi thêm hoang mang. Nguy hiểm hơn còn làm nghi kỵ lẫn nhau, gây mất trật tự an ninh xã hội, phá vỡ cuộc sống bình yên nông thôn …Đây là vụ việc nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần làm rõ, trường hợp nào vì động cơ, mục đích xấu gây thiệt hại cho người khác thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, bởi lẽ đó là “đòn bẩn”, triệt hạ nguồn sinh kế của người trồng trọt, chăn nuôi; trường hợp nào cây trồng, vật nuôi chết do dịch, bệnh thì sớm kết luận, thông tin công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân yên tâm.

Trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận có người đã hạ độc, phá hoại thì người đó bị xử lý thế nào?

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính: Theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 15, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ “Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình” thì người có hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng

Về xử lý hình sự: Trường hợp tài sản bị xâm hại có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc thuộc một trong những trường hợp sau thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 143 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009. Điều luật này quy định: “ Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Nếu gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Ngaoif hình phạt nêu trên, người phạm tội còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Theo luật sư, cần phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này?

Trước tiên, người dân phải tự bảo vệ mình: chuồng trại, trang trại…phải có tường rào, hệ thống bảo vệ chắc chắn. Phải có người trông coi, bảo vệ; các hộ trồng trọt, chăn nuôi phải liên kết với nhau tuần tra, canh gác…khi có biểu hiện nghi vấn phải nhanh chóng, kịp thời báo cho công an, chính quyền địa phương; xây dựng mối quan hệ đoàn kết tốt với bà con lối xóm.

Ở những “điểm nóng”, lực lượng an ninh tăng phải cường công tác tuần tra, kiểm soát; phát động mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm; rà soát phân loại và quản lý chặt chẽ các đối tượng hình sự. Khi có vụ việc xảy ra thì khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm. Những vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mở phiên tòa xét xử công khai ngay tại địa bàn xảy ra vụ việc để cảnh báo, răn đe…Bên cạnh đó phải làm rõ nguyên nhân động cơ phạm tội, “đòn bẩn” đó là do mâu thuẫn trả thù cá nhân hay cạnh tranh không lành mạnh…để xử lý tận gốc.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện