Xin phép mới được hát: Quy định nhiều bất cập, gây khó cho nghệ sĩ

0
452

Trong bài viết Xin phép mới được hát: Quy định nhiều bất cập, gây khó cho nghệ sĩ đăng trên báo Lao động có trích dẫn ý kiến của luật sư Phạm Duy Khương từ SBLAW.

Những tác phẩm đã đi cùng bao thế hệ, được công chúng thuộc và hát, thì cơ quan quản lý văn hóa cũng nên cởi mở trong việc cấp phép biểu diễn, để tạo điều kiện cho nghệ sĩ và công chúng hoạt động, thưởng thức nghệ thuật.

Xin phép đến đâu, cấp phép đến đấy!

Trong việc ca khúc “Nối vòng tay lớn” và một số sáng tác của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không được phép hát vì chưa được cấp phép, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) khẳng định, Cục làm đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.

Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18.4.2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, có quy định: Cục NTBD là tổ chức thuộc Bộ VHTTDL có chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và lĩnh vực văn học…

Cục có nhiệm vụ và quyền hạn: Trình Bộ trưởng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật; trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và lĩnh vực văn học… Cấp giấy phép cho tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang cho các tổ chức thuộc cơ quan trung ương; Phổ biến các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam và tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài sáng tác…

Hiện nay, cơ sở pháp lý để Cục NTBD cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc là quy định tại Điều 29 của  Nghị định số 79/2012/NĐ-CP quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79.

Theo quy định tại Điều 29 của Nghị định 79 sửa đổi về phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu thì “Tổ chức, cá nhân phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu trực tiếp trước công chúng và nơi công cộng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép” (khoản 1). Đây là quy định chính thức về việc phải cấp phép đối với tác phẩm trước khi được phổ biến đến công chúng và nơi công cộng.

Các khoản 2, 3 và 4 của Nghị định 79 sửa đổi, quy định về đối tượng, tài liệu và thủ tục cấp phép như sau: Tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Cục Nghệ thuật biểu diễn. Trong hồ sơ nhất thiết phải  có 01 đơn đề nghị cấp phép phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Nếu theo các quy định này, việc muốn biểu diễn các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nghệ sĩ, đơn vị biểu diễn bắt buộc phải nộp hồ sơ xin cấp phép đến Cục NTBD. Nghệ sĩ xin cấp phép biểu diễn bài hát nào, thì Cục theo chức năng, quyền hạn của mình sẽ cấp phép bài đó, sau khi tham vấn các ý kiến của Hội đồng nghệ thuật của Cục.

Cơ chế cấp phép cần “thoáng” hơn!

Sau khi Cục NTBD lên tiếng về lý do chương trình ở Huế chưa được phép biểu diễn một số ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vì chưa được cấp phép, nhiều người đã kiến nghị: Nếu Cục NTBD thấy các quy định còn bất cập, thì có thể kiến nghị để sửa đổi, bổ sung, làm sao tạo điều kiện, cơ chế thông thoáng cho các nghệ sĩ hoạt động, công chúng thưởng thức nghệ thuật.

Chia sẻ với Lao Động, Luật sư, thạc sĩ Phạm Duy Khương – Giám đốc Công ty luật SB LAW – đã chỉ ra các điểm bất cập trong quy định về cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc hiện nay.

“Nghị định 79 quy định chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế hiện tại cũng như chưa thực sự chặt chẽ khi chỉ quy định về thủ tục cấp phép đối với tác phẩm được sáng tác trước năm 1975 và của tác giả ở nước ngoài mà chưa quy định việc cấp phép với các tác phẩm còn lại, trong khi bản thân Nghị định này khẳng định mọi tổ chức, cá nhân muốn phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu trực tiếp trước công chúng và nơi công cộng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Thêm nữa, việc yêu cầu tổ chức, cá nhân phải làm thủ tục cấp phép trước khi phổ biến tác phẩm âm nhạc là chưa phù hợp với tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả.

Đồng ý rằng việc cấm phổ biến, lưu hành đối với các bài hát có nội dung chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục, lợi ích công cộng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn, xã hội là cần thiết nhưng cần phải có quy định chặt chẽ, rõ ràng về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép để đảm bảo phù hợp với mục đích quản lý và các quy định trong các văn bản pháp luật khác có hiệu lực pháp lý cao hơn, phù hợp với chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước” – luật sư Phạm Duy Khương kiến nghị.

Một nhạc sĩ xin giấu tên bày tỏ quan điểm: “Đã hơn 40 năm thống nhất đất nước, lẽ ra những chuyện như thế này không đáng để xảy ra. Cũng không nên quá câu nệ về những vấn đề, yếu tố nọ kia và quy nó với hai từ “nhạy cảm”. Một bài như “Nối vòng tay lớn” gắn liền với sự kiện lịch sử của dân tộc và đồng hành với nhiều cơ quan, ban ngành, phong trào thanh niên từ trung ương đến địa phương, nếu cứ máy móc trong việc chưa được phép phổ biến thì vô hình chung, Cục đã nói rất nhiều tầng lớp cả lãnh đạo và nhân dân đều hát bài chưa được cấp phép trong 40 năm qua, ngành giáo dục cũng vi phạm.

Hay việc tạm dừng ca khúc “Con đường xưa em đi” và một số ca khúc sáng tác trước 1975 có thể sẽ gây nên những bức xúc không đáng có trong cộng đồng nghệ sĩ đang sinh sống ở hải ngoại. Tôi nghĩ cơ chế cấp phép hiện nay cần cởi mở và phải thông thoáng hơn”.

Nguồn: http://m.laodong.com.vn/van-hoa/xin-phep-moi-duoc-hat-quy-dinh-nhieu-bat-cap-gay-kho-cho-nghe-si-655305.bld#ref-https://www.google.com.vn/